Mỗi người dân là một hướng dẫn viên, một đại sứ du lịch

Năm 2023, ngành du lịch Quảng Bình đặt mục tiêu đón từ 3 đến 3,5 triệu lượt khách, trong đó, số lượng khách du lịch quốc tế đạt 100.000 lượt người. Để đạt được mục tiêu này và tiếp tục duy trì vị thế thương hiệu 'Quảng Bình - điểm đến thiên nhiên, hấp dẫn và khác biệt'.

Ngày 8/2, trao đổi với phóng viên Báo CAND, ông Hồ An Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết: Ngành du lịch Quảng Bình sẽ tiếp tục triển khai nhiều hoạt động quảng bá xúc tiến và thu hút khách du lịch.

Được biết, để đẩy nhanh phát triển ngành du lịch, thu hút du khách ngay từ đầu năm mới, tỉnh Quảng Bình đã duy trì được sự kết nối thường xuyên, liên tục với thị trường khách du lịch trọng điểm trong nước và quốc tế. Trước đây, khi thị trường du lịch bị đóng băng do dịch COVID-19, ngành du lịch Quảng Bình đã xác định kích cầu du lịch sau đợt dịch trước hết phải làm tốt việc liên kết với các địa phương, các công ty du lịch.

Nhiều khách du lịch chọn Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng là điểm đến trong năm 2023.

Nhiều khách du lịch chọn Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng là điểm đến trong năm 2023.

Tại TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình đã từng mời hơn 100 tổng giám đốc, giám đốc marketing, trưởng phòng CEO, kinh doanh và đội ngũ truyền thông của các doanh nghiệp lữ hành Hà Nội và Đà Nẵng đến khảo sát điểm đến, liên kết phát triển du lịch với ngành du lịch Quảng Bình. Trong số họ có nhiều lữ hành chuyên bán tour quốc tế nay chuyển sang tổ chức khách nội địa nên khá bất ngờ khi khảo sát các điểm tham quan ở Quảng Bình và cách Quảng Bình đi tắt đón đầu về làm du lịch.

Tỉnh Quảng Bình cũng đã tổ chức hội nghị liên kết, đại diện các doanh nghiệp vận tải hàng không, đường sắt, xe ôtô du lịch tại Hà Nội và công bố chính sách giảm giá kích cầu khá hấp dẫn. Các doanh nghiệp Quảng Bình cũng đưa ra các ưu đãi và cách tiếp cận chuyên nghiệp. Cách tiếp cận làm du lịch kiểu này đã mở ra một phương thức làm ăn mới, liên kết chặt chẽ hơn từ lữ hành, vận tải đến điểm tham quan, lưu trú, nhà hàng và dịch vụ tiêu dùng khác. Quảng Bình nỗ lực thúc đẩy phát triển du lịch theo hướng “Quảng Bình là điểm đến an toàn và khác biệt”.

Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình đã phối hợp với các doanh nghiệp công nghệ lớn là Google, IM Group, Digi Pencil để tổ chức các khóa đào tạo cho các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch quảng bá, kinh doanh trên nền tảng số. Theo đó, hơn 70 doanh nghiệp du lịch ở Quảng Bình bắt đầu thụ hưởng từ việc triển khai gói hỗ trợ 200 tỷ đồng từ TIKI giúp doanh nghiệp du lịch phục hồi hậu COVID-19. Các doanh nghiệp được trang bị cả về kiến thức, kỹ năng và tài chính để nâng cao chất lượng, hiệu quả quảng bá, kinh doanh trên các nền tảng số cũng như đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử trong thời đại 4.0.

Bên cạnh việc hoàn thiện các phương thức hoạt động kinh doanh du lịch chuyên nghiệp, tỉnh Quảng Bình đã giảm mức thu phí đối với các sản phẩm du lịch ở “Vương quốc hang động” Phong Nha - Kẻ Bàng như: Động Phong Nha, động Tiên Sơn; điểm du lịch sinh thái Suối nước Moọc; động Thiên Đường và hang Mẹ Bồng Con; tuyến du lịch Sông Chày - Hang Tối; điểm du lịch sinh thái và diễn giải môi trường Vườn thực vật.

Một số sản phẩm du lịch cũng được giảm mức thu phí, bao gồm: tuyến "Động Phong Nha - Khám phá chiều sâu bí ẩn"; tuyến "Rào Thương - hang Én - hang Nước Lạnh", tuyến Thung lũng Sinh tồn - hang Thủy Cung; tuyến "Hang Va - hang Nước Nứt - những trải nghiệm khác biệt"; tuyến du lịch khám phá hệ thống hang động Tú Làn; tuyến "Chinh phục Sơn Đoòng - hang động lớn nhất thế giới", tuyến "Hóa Sơn - hang Rục Mòn"; tuyến "Khám phá thung lũng Hamada - hang Trạ Ang"...

Kế hoạch quảng bá, xúc tiến sẽ thực hiện truyền thông, quảng bá sản phẩm, dịch vụ du lịch theo 3 nhóm khách chính. Theo đó, đối với khách du lịch ngoại tỉnh sẽ tập trung quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của Quảng Bình theo các chủ đề: Trải nghiệm, khám phá thiên nhiên; thiên đường thể thao, nghỉ dưỡng; nơi giao thoa và tiếp biến văn hóa; du lịch nông nghiệp và du lịch cộng đồng.

Bên cạnh đó, ngành du lịch Quảng Bình đẩy mạnh chương trình “Người Quảng Bình đi du lịch Quảng Bình”, đồng thời phát động chương trình “Một người dân Quảng Bình là một hướng dẫn viên/một đại sứ du lịch”. Đối với đối tượng khách quốc tế, ngành du lịch sẽ nâng cao chất lượng dịch vụ các sản phẩm du lịch mạo hiểm, du lịch khám phá hang động và phát triển các sản phẩm du lịch về trải nghiệm thiên nhiên, nghiên cứu đa dạng sinh học.

Quảng Bình xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, là một trong những điểm tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương giai đoạn 2020 - 2025 và những năm tiếp theo. Để tạo đà và thu hút khách du lịch, năm 2023, Quảng Bình sẽ tập trung tổ chức, thực hiện các sự kiện, hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, quảng bá, xúc tiến, kích cầu du lịch tiêu biểu, trong đó tập trung vào các nhóm: Quảng bá, xúc tiến du lịch trên các nền tảng số, các hội nghị, hội chợ; các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch, lễ hội truyền thống; quảng bá qua trải nghiệm Quảng Bình của những người nổi tiếng; hỗ trợ chương trình tuyên truyền, quảng bá rộng rãi giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của các dân tộc thiểu số; các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch theo các lễ kỷ niệm, chương trình nghệ thuật…

Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu các sở, ngành, địa phương và các doanh nghiệp du lịch tập trung đẩy mạnh quảng bá các sự kiện tiêu biểu như: Lễ hội hang động năm 2023 và chuỗi sự kiện quảng bá “Quảng Bình trong lòng Hà Nội” và lễ kỷ niệm 20 năm Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới.

Trao đổi với phóng viên Báo CAND, tiến sĩ Trần Du Lịch - chuyên gia kinh tế, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tiền tệ quốc gia khẳng định: Tăng trưởng nóng về du lịch, tỉnh Quảng Bình sẽ phải đối mặt với các sức ép về cơ sở hạ tầng lưu trú, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội khi du lịch “tăng trưởng nóng”. Để giải bài toán này, tỉnh Quảng Bình cần thu hút dòng vốn đầu tư có chất lượng. Bên cạnh đó, cần có những con sếu đầu đàn trong đầu tư.

Tỉnh chỉ nên giao đất cho nhà đầu tư có quy hoạch mang ý tưởng chiến lược, giám sát chặt chẽ việc sử dụng đất, tránh việc cắt xén, quy mô nhỏ, tránh tình trạng cấp phép ồ ạt. Quảng Bình cũng phải có hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ.

Cần xem giao thông như là mạch máu của cơ thể, xem trọng xây dựng hoàn thiện hạ tầng giao thông để tạo ra sự đột phá. Chú trọng về liên kết không gian, kết nối hạ tầng liên vùng. Chủ động xúc tiến du lịch với các địa phương lân cận trong vùng là Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế và trung tâm phân phối khách ở miền Trung là thành phố Đà Nẵng.

Dương Sông Lam

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/thi-truong/moi-nguoi-dan-la-mot-huong-dan-vien-mot-dai-su-du-lich-i682929/