Mỗi người là một chiến sĩ trên hai trận tuyến
Ngày 6/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến triển khai kế hoạch thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Hội nghị được tổ chức ngay sau khi Chương trình hành động của Chính phủ thực thi EVFTA với 5 nhóm nhiệm vụ, gồm 41 nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp vừa được Thủ tướng ký trước đó một ngày, 5/8.
EVFTA chính thức có hiệu lực từ 1/8/2020. Như thế, chỉ sau hơn một năm, tính từ 30/6/2019 khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) được ký kết giữa Việt Nam và EU, một hiệp định thương mại quốc tế giữa Việt Nam với một đối tác là cả “khối kinh tế phát triển hùng mạnh hàng đầu của thế giới” đã được triển khai bước vào thực tiễn cuộc sống. Để có được “điều tuyệt vời đó”, như Thủ tướng nhấn mạnh tại Hội nghị, Nghị viện châu Âu và Quốc hội Việt Nam ngay trong những tháng đầu năm nay mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng đã đặt ưu tiên cao, nhanh chóng triển khai các bước để hoàn thành việc phê chuẩn 2 hiệp định này.
EVFTA nhanh chóng được ký kết, phê duyệt, triển khai, cho thấy sự kỳ vọng về tác động to lớn thúc đẩy sự phát triển kinh tế của cả hai bên nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và EU.
EVFTA là một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, có tiêu chuẩn cao, toàn diện, độ mở lớn và cân bằng lợi ích cho cả hai bên.
Đối với Việt Nam, ngay khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Với việc xóa bỏ ngay lập tức 85,6% dòng thuế giữa Việt Nam với EU, nhiều ngành hàng của Việt Nam như nông sản, chế biến lương thực thực phẩm, đồ gỗ, dệt may, da giày sẽ có lợi thế vì giảm được chi phí nhập khẩu nguyên liệu sản xuất...
Sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.
Như vậy, có thể nói gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn. Cho đến nay, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho ta trong các hiệp định FTA đã được ký kết. Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi EU liên tục là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam hiện nay. EVFTA được ví như tuyến “đường cao tốc” mở ra cơ hội đẩy mạnh giao thương giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu. Bên cạnh đó, Hiệp định EVFTA được thông qua và thực thi nhanh chóng chính là lá phiếu tín nhiệm của EU đối với Việt Nam trong nỗ lực hội nhập quốc tế. Điều này có ý nghĩa quan trọng, kịp thời trong bối cảnh nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn của EU đang có những chuyển dịch đầu tư, đa dạng hóa các chuỗi cung ứng, sản xuất hàng hóa. EVFTA đang góp phần biến Việt Nam thành trung tâm sản xuất của châu Á.
Đối với EU, EVFTA là hiệp định thương mại và đầu tư toàn diện và tham vọng nhất mà khối này từng ký kết với một quốc gia đang phát triển ở châu Á. Đây là hiệp định thương mại tự do thứ hai trong khu vực ASEAN với EU, sau Singapore.
Có thể thấy, Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhiều hơn từ EVFTA so với các hiệp định khác, vì Việt Nam và EU được coi là hai thị trường hỗ trợ và bổ sung. Nói cách khác, Việt Nam xuất khẩu hàng hóa mà EU không thể hoặc không tự sản xuất (ví dụ như các sản phẩm thủy sản, trái cây nhiệt đới, v.v.), trong khi các sản phẩm nhập khẩu từ EU cũng là những sản phẩm mà Việt Nam không sản xuất trong nước, bao gồm máy móc, máy bay và dược phẩm chất lượng cao.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang gây ra những thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế toàn cầu, khiến hoạt động giao thương bị đình trệ và doanh nghiệp rơi vào khó khăn thì EVFTA được kỳ vọng sẽ là động lực giúp khởi động lại các hoạt động thương mại, đầu tư giai đoạn hậu COVID-19 cho cả hai bên.
Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội, thời cơ lớn, thực hiện EVFTA đồng thời đặt ra những thách thức gay gắt với các ngành, các địa phương, các doanh nghiệp Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ: EU luôn là thị trường có yêu cầu khắt khe về chất lượng và tiêu chuẩn cao đối với hàng hóa, dịch vụ , nơi không có chỗ cho những doanh nghiệp thiếu kiên trì, không sáng tạo, hàng hóa kém chất lượng, do đó EVFTA mở ra cơ hội để Việt Nam đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy các doanh nghiệp tự nâng cấp mình, chấp nhận những luật chơi mới, khó hơn...
Để nắm bắt kịp thời, phát huy hiệu quả thực thi EVFTA, Thủ tướng nêu ra 6 câu hỏi lớn, cũng chính là những yếu tố, điều kiện đối với các bộ, ngành, các địa phương, doanh nghiệp trong triển khai EVFTA cũng như các FTA khác. Đó là, hoạt động truyền thông về hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và FTA nói riêng chưa hiệu quả? Việc tận dụng cơ hội từ các FTA chưa được như mong đợi? Cơ chế, chính sách chúng ta còn chưa thông thoáng, còn tạo ra những rào cản vô hình với doanh nghiệp hay một phần do chính các doanh nghiệp còn thụ động, chưa thay đổi tư duy kinh doanh. Chính phủ, chính quyền các địa phương, các doanh nghiệp và người dân cần làm gì để tận dụng cơ hội này tốt hơn? Phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao các doanh nghiệp, đây là yếu tố sống còn trong kinh doanh. Phát triển kết cấu hạ tầng là một yêu cầu hàng đầu để sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Làm gì để tất cả người dân, doanh nghiệp và cơ quan quản lý cùng hành động để bảo đảm yêu cầu về phát triển bền vững? Và cuối cùng là khi thực thi EVFTA, nhiều sản phẩm của Việt Nam phải cạnh tranh trên chính “sân nhà” với các sản phẩm của EU, làm thế nào để thực hiện đúng cam kết, quản lý tốt thị trường, tạo nên môi trường kinh doanh lành mạnh...?
Đối chiếu với những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Lâm Đồng, một địa phương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và vùng Tây Nguyên có những lợi thế rất lớn khi thực thi EVFTA. Cùng với vị thế một trung tâm du lịch lớn, nổi tiếng trong nước và quốc tế, Lâm Đồng có nhiều lợi thế về nông lâm nghiệp với nhiều loại đặc sản như chè, cà phê, rau, hoa, atiso, cá hồi... Lâm đồng đứng đầu cả nước về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với diện tích hơn 43.000 ha, chiếm gần 16% diện tích đất nông nghiệp.Lâm Đồng có trên 567.690 ha rùng thông, các loại gỗ quý đa dạng với trên 400 loại khác nhau, là vùng nguyên liệu lớn phát triển kinh tế lâm nghiệp... Những năm gần đây, trong bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Lâm Đồng luôn trong nhóm các địa phương có chất lượng điều hành khá, dẫn đầu 5 tỉnh Tây Nguyên. Năm 2019, Lâm Đồng đứng thứ 22 trong bảng xếp hạng PCI , tăng 5 bậc so với năm 2018. Theo ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI, Lâm Đồng đứng thứ 22 về chỉ số PCI và cũng đứng thứ 22 về phát triển doanh nghiệp, số lượng doanh nghiệp/người dân của Lâm Đồng đứng thứ 16 trong cả nước, cho thấy nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh và phát triển doanh nghiệp của Lâm Đồng.
Cơ hội đã có, “đường cao tốc” đã mở, để vượt qua thách thức, nhất là thách thức vừa phải ngăn chặn, đẩy lùi đại dịch COVID-19, vừa không để nền kinh tế bị đứt gãy, vì ảnh hưởng của đại dịch, thực hiện được hai mục tiêu kép...; những định hướng chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, những giải pháp điều hành quyết liệt của Chính phủ đã chỉ rõ, được các cấp, ngành, địa phương và Nhân dân ta đồng lòng, nỗ lực thực hiện đạt hiệu quả cao trong giai đoạn một của đại dịch. Giờ đây với những diễn biến phức tạp của đợt hai đại dịch, khó khăn, thách thức tăng lên gấp bội, nhưng chúng ta cũng đang có những cơ hội thuận lợi lớn, trong đó có thực hiện EVFTA, càng phải quyết tâm cao hơn, hành động mạnh mẽ, quyết liệt và sáng tạo hơn. Để mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người dân Lâm Đồng cùng cả nước đều là chiến sĩ trên hai trận tuyến chống dịch và giữ vững, ổn định, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.