Mỗi người 'nhảy' việc sáu lần trong đời

Bạn cần vạch kế hoạch cụ thể trước khi có ý định 'nhảy' việc. Để ứng phó với sự thay đổi của thị trường lao động, chúng ta nên biết mình biết người, đừng nhảy việc một cách mơ hồ.

 Trau dồi kỹ năng nghiệp vụ một cách thường xuyên để ứng phó với sự thay đổi của trị trường lao động. Ảnh minh họa: tVN.

Trau dồi kỹ năng nghiệp vụ một cách thường xuyên để ứng phó với sự thay đổi của trị trường lao động. Ảnh minh họa: tVN.

Marry làm việc tại một công ty đa quốc gia thuộc top 500 trên thế giới. Tại đây cơ hội được bồi dưỡng nhiều, môi trường làm việc khá thoải mái, cách thức quản lý đầy tính nhân văn. Nhưng chức vụ của cô hơi thấp, cơ hội thăng tiến không nhiều.

Megan, sếp trực tiếp của Marry nhảy việc sang một công ty hạng trung, chức vị và lương thưởng được tăng thêm rất nhiều. Megan trong một lần gặp gỡ đã mang tới cho cô một cơ hội. Vị trí việc làm và đãi ngộ mà Megan đưa ra đều ổn, hơn nữa lại có thể nâng cao năng lực quản lý của Marry. Vậy Marry có nên nhảy việc?

Công việc đối với mỗi người lao động đều rất quan trọng. Một công ty săn đầu người đã thực hiện một cuộc khảo sát. Kết luận được đưa ra là trung bình, mỗi người lao động trong doanh nghiệp nhảy việc sáu lần trong đời. Do đó, với một người lao động, việc lập kế hoạch nghề nghiệp là quan trọng nhất!

Từ Gia Tuấn, cựu Phó chủ tịch của Huawei đã nói: “Tôi phải rời công ty. Sẵn sàng bắt đầu một công việc kinh doanh mới, chấp nhận những thách thức mới. Những điều tôi sẽ làm là rất mạo hiểm, có khả năng thập tử nhất sinh. Sau khi thập tử có thể có nhất sinh hay không, thật khó để nói.” Vậy thì, làm thế nào chúng ta có thể thực hiện bước “nhảy việc hoàn hảo”?

Là một chuyên gia săn đầu người (headhunter), nhiều ứng viên mà tôi tiếp xúc không có kế hoạch nghề nghiệp. Trong đó không chỉ gồm những người mới đi làm, mà có cả những nhân viên đã vật lộn ở công ty vài năm. Tôi gặp một số giám đốc điều hành cấp trung của các doanh nghiệp. Nói đến sự nghiệp trong tương lai, gương mặt họ phần nhiều hiện lên vẻ hoang mang.

Kế hoạch nghề nghiệp chuyên nghiệp cho phép chúng ta làm việc hiệu quả, tận dụng được thiên thời, địa lợi, nhân hòa, biến công việc thành niềm vui. Chúng ta sẽ sống trong một thế giới hạnh phúc. Cách nhìn nhận thời cơ của Biz Stone - đồng sáng lập Twitter, thật đáng để chúng ta học hỏi: “Tôi nghĩ bạn là kiến trúc sư kiến tạo nên cơ duyên này. Chúng ta không chờ thời cơ đến, mà kiến thiết nó.”

Tôi đã tóm tắt những trường hợp thực tế, những tâm đắc trong giao tiếp với ứng viên và khách hàng suốt mười năm qua. Tôi hy vọng rằng bạn sẽ nên duyên với phiên bản tuyệt vời khác của chính mình. Dù bạn là một kẻ còn đang lơ ngơ trong công sở, hay đã nhiều năm chăm chỉ cày sâu cuốc bẫm, hay kinh qua biết bao sa trường, bạn đều tìm được những lời khuyên phù hợp về công việc.

Mỗi ví dụ, mỗi điều tâm đắc đều bắt nguồn từ chính bạn, hoặc đồng nghiệp bên cạnh bạn. Chính vì sự tương tác chặt chẽ với các bạn mà tôi đã thu hoạch được rất nhiều ví dụ sống động. Điều này làm tôi thêm yêu công việc của nhà săn đầu người chuyên nghiệp.

Vô số lần, khi tôi kết thúc cuộc trò chuyện với ứng viên qua điện thoại, khi tôi đưa mắt tiễn ứng viên rời khỏi quán cà phê, tôi luôn nghĩ đến một câu hỏi: “Có bao nhiêu đồng nghiệp tại nơi làm việc cũng bối rối như họ? Tôi có thể làm gì cho đồng nghiệp của mình?” Tất cả chúng ta đều biết, thay đổi công việc là một điều rất nhạy cảm, kế hoạch nghề nghiệp cần rất thận trọng.

Ở nơi làm việc, chúng ta muốn tìm một đối tượng để dốc bầu tâm sự, hay tư vấn cho chúng ta là việc không hề dễ dàng. Đôi khi chúng ta phải đối mặt với khủng hoảng tại nơi làm việc, và cảm thấy cô đơn khi quyết định nhảy việc đột ngột.

Tôi hy vọng rằng mọi người đều có kế hoạch nghề nghiệp hoàn hảo trong một thế giới nghề nghiệp không hoàn hảo. Muốn có được điều đó bạn phải hiểu mình và hiểu thị trường lao động mà bạn đang dấn thân.

Vương Xảo Lâm/ Bách Việt Books & NXB Công thương

Nguồn Znews: https://znews.vn/moi-nguoi-nhay-viec-sau-lan-trong-doi-post1549567.html