Gian nan làm snack từ vỏ bưởi sấy
'Muốn khởi nghiệp phải có đam mê và sự kiên trì' - đó là chia sẻ của chị Trần Thụy Hải Ly, 44 tuổi, chủ hộ kinh doanh snack vỏ bưởi sấy Phúc Đạt (xã Tân Khánh Đông, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp).

Chị Trần Thụy Hải Ly (bên phải) khởi nghiệp với sản phẩm snack vỏ bưởi sấy
Tận dụng những trái bưởi non tưởng bỏ đi
"Bé thứ hai của gia đình tôi năm nay hơn 5 tuổi. Số tuổi của con cũng là quãng thời gian tôi đã khởi nghiệp - một hành trình đầy thử thách nhưng cũng rất đáng nhớ", chị Trần Thị Hải Ly mở đầu câu chuyện của mình. Năm 2019, khi đang nghỉ thai sản sau khi sinh bé thứ hai, trong một lần đi qua vườn bưởi của người dân gần nhà để mua bưởi về chưng, chứng kiến những quả bưởi non bị người dân cắt và vứt bỏ, chị Ly đã nảy ra ý tưởng tận dụng chúng và chị quyết định… khởi nghiệp.
Theo chị Ly, quyết định khởi nghiệp của bản thân không hề vội vàng mà đã được tính toán, cân nhắc. Đồng Tháp là địa phương giàu nguồn tài nguyên bản địa, trong đó có cây bưởi. Những quả bưởi nằm lăn lóc dưới mương nước mà chị thấy chính là những quả bưởi được trồng theo phương pháp hữu cơ, được nhà vườn tỉa bớt để những quả bưởi còn trên cây phát triển tốt hơn. Đây cũng chính là nguồn nguyên liệu chính để chị làm ra những sản phẩm cung cấp cho thị trường. Trong khi đó, xu hướng tiêu dùng xanh ngày càng được nhiều người quan tâm.

Chị Trần Thụy Hải Ly tại cơ sở sản xuất của mình
Nghĩ là làm. Với số tiền ít ỏi ban đầu, chị Ly mua bưởi nguyên liệu và bắt tay vào nghiên cứu, làm ra snack vỏ bưởi sấy. "Ban đầu cũng gian nan lắm, phải trải qua nhiều lần thử nghiệm thì cuối cùng mới thành công. Những sản phẩm ban đầu tôi dùng để biếu tặng rồi dần dà bán cho người quen, bạn bè. Khi nhận được phản hồi tích cực, tôi mới cung cấp ra thị trường", chị Ly nhớ lại. Sau đó, chị Ly quyết định mở rộng sản xuất và đăng ký hộ kinh doanh. Đồng thời, chị cũng đầu tư thêm trang thiết bị máy móc phục vụ sản xuất.
Một số kinh nghiệm khởi nghiệp của chị Trần Thụy Hải Ly
- Không ngừng học hỏi và lên kế hoạch chi tiết, có tầm nhìn dài hạn.
- Phải nghiên cứu thị trường và liên tục đổi mới để thích ứng.
- Nếu gặp khó khăn thì phải biết chấp nhận sự thật; phân tích, tham khảo ý kiến của các chuyên gia, người đi trước để nhận ra hạn chế của mình nằm ở đâu, từ đó khắc phục, thay đổi kịp thời.
Không dừng lại ở đó, chị còn đa dạng hóa sản phẩm nhằm mở rộng thị trường. Đến nay, từ nguyên liệu trái bưởi non da xanh, chị Ly đã làm được hơn 10 sản phẩm như snack vỏ bưởi sấy, trà vỏ bưởi, viên vỏ bưởi mật ong, bột vỏ bưởi, mứt phao bưởi, nước vỏ bưởi xí muội… Trong đó, có nhiều sản phẩm đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Để đảm bảo nguồn nguyên liệu, chị đã liên kết bao tiêu bưởi trồng hữu cơ, với diện tích 15.000m2, giúp người nông dân tăng thêm thu nhập. "Hiện nay, các sản phẩm bưởi thương hiệu Phúc Đạt được nhiều người tiêu dùng lựa chọn sử dụng. Sản phẩm đã được phân phối vào siêu thị, cửa hàng đặc sản, khu du lịch trong và ngoài tỉnh. Hiện cơ sở cũng góp phần tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động nữ tại địa phương, với thu nhập 4-5 triệu đồng/tháng", chị Ly cho hay.
Đam mê được "chắp cánh"
Chị Trần Thụy Hải Ly tâm sự, để có được những kết quả như ngày hôm nay, bản thân chị đã trải qua không ít thách thức. Trong thời gian đầu, do con còn nhỏ nên việc sắp xếp thời gian để vừa chăm sóc con, quán xuyến việc gia đình, lại vừa dành thời gian để khởi nghiệp không phải là chuyện dễ dàng. Để kịp tiến độ giao cho khách hàng, chị không ngại làm việc xuyên đêm. "Chồng tôi làm giáo viên, bận rộn với giáo án, bài vở nên cũng không hỗ trợ được nhiều cho tôi. Lúc đó, vốn cũng không có nhiều, tôi phải vay mượn cha mẹ, người thân. Nhiều năm qua, lợi nhuận được bao nhiêu tôi đều gom góp đầu tư mua máy móc để làm sao có được những sản phẩm chất lượng cung cấp ra thị trường", chị Ly tâm sự.
Khó khăn là vậy nhưng chị Ly thừa nhận, bản thân may mắn khi nhận được sự sẻ chia và hỗ trợ của nhiều tổ chức, đơn vị, đặc biệt là các cấp Hội LHPN. Theo chị Ly, sau một thời gian ngắn khởi nghiệp, chị được Hội LHPN các cấp trên địa bàn tỉnh biết đến và hỗ trợ. Trong đó, phải kể đến việc các cấp Hội tạo điều kiện để chị có thể tham gia các lớp tập huấn về khởi nghiệp; các hội nghị xúc tiến, quảng bá sản phẩm...
"Tôi được cán bộ Hội hỗ trợ, chia sẻ rất nhiều. Điều này giúp cho niềm đam mê của tôi ngày càng lớn hơn, thôi thúc tôi phải cố gắng, nỗ lực nhiều hơn nữa để không phụ niềm tin của mọi người đã dành cho mình", chị chia sẻ.

Chị Trần Thụy Hải Ly giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng
Năm 2024, Dự án "Chế biến sản xuất snack vỏ bưởi sấy và các sản phẩm từ vỏ bưởi non da xanh" (hộ kinh doanh snack vỏ bưởi sấy Phúc Đạt) của chị Trần Thụy Hải Ly đã lọt vào vòng Chung kết cấp vùng Cuộc thi "Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh" - khu vực miền Nam do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức và giành giải Khuyến khích. Chị Ly chia sẻ, mỗi cuộc thi khởi nghiệp đều mang lại cho chị thêm nhiều kiến thức, bài học để dự án của mình ngày càng hoàn thiện, hiệu quả hơn.
Tại Cuộc thi khởi nghiệp "Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh", chị đã được các chuyên gia góp ý, chia sẻ nhiều điều cho dự án. Trong đó, chuyên gia cho rằng chị cần chú trọng hơn vào việc đầu tư, thay đổi một số chi tiết về nhãn mác, bao bì sản phẩm. "Đây là ý kiến hoàn toàn xác đáng. Để chinh phục được người tiêu dùng, ngoài vấn đề chất lượng thì bao bì đẹp, bắt mắt là yếu tố rất quan trọng. Đặc biệt, các chuyên gia đã góp ý cho tôi cần chỉnh sửa logo để phù hợp hơn khi cung cấp sản phẩm ra thị trường nước ngoài. Tôi hoàn toàn đồng ý với những góp ý này và đã tiến hành làm lại logo mới cho thương hiệu", chị Ly cho hay.
Chị Ly cho rằng, phụ nữ khởi nghiệp không bao giờ là muộn. Bản thân chị đã chứng kiến những cô, những dì ngoài 60 tuổi nhưng vẫn say sưa khởi nghiệp. Đây cũng chính là động lực để chị tiếp tục nỗ lực hơn trên con đường theo đuổi niềm đam mê của mình. "Mong muốn và kế hoạch của tôi trong những năm tới là chuyển đổi từ hộ kinh doanh sang doanh nghiệp, mở rộng nhà xưởng và tiếp tục đầu tư dây chuyền sản xuất hiện tại. Không chỉ phân phối sản phẩm ở trong nước, tôi còn hướng đến xuất khẩu sản phẩm của mình ra các nước, qua đó tiếp tục tạo thêm nhiều việc làm cho phụ nữ tại địa phương", chị Ly cho hay.
"Phải nói rằng, Trần Thụy Hải Ly có một niềm đam mê khởi nghiệp rất mãnh liệt. Trong quá trình khởi nghiệp, mặc dù có nhiều khó khăn nhưng niềm đam mê, ý chí mạnh mẽ đã giúp chị vượt qua. Từ một sản phẩm đến nay, cơ sở của chị Ly đã có rất nhiều sản phẩm chất lượng. Không chỉ góp phần tăng thu nhập cho người trồng bưởi, cơ sở của chị còn tạo công ăn việc làm cho nhiều phụ nữ tại địa phương".
Chị Nguyễn Thị Kim Hạnh, Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Khánh Đông
Chị Nguyễn Thị Kim Hạnh, Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Khánh Đông (TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp), cho biết, khi mới tiếp cận, Hội đánh giá sản phẩm khởi nghiệp của chị Trần Thụy Hải Ly khá độc đáo. Trong khi hầu hết các sản phẩm vỏ bưởi sấy trên thị trường lúc đó đều được sấy dẻo thì sản phẩm của chị Ly được sấy giòn. Tuy nhiên, thời điểm đó, bao bì sản phẩm của chị Ly rất đơn giản, chủ yếu được bán cho một số điểm phân phối nhỏ trên địa bàn. Nhận thấy sự mới lạ, tiềm năng phát triển của sản phẩm nên Hội đã hỗ trợ chị Ly về vốn, kiến thức, giúp sản phẩm ngày càng hoàn thiện hơn. Bên cạnh đó, Hội cũng hỗ trợ về thủ tục, hồ sơ đăng ký sản phẩm OCOP.
"Chúng tôi đã hỗ trợ, tạo điều kiện cho chị Ly tham gia các cuộc tập huấn kiến thức về khởi nghiệp. Bên cạnh đó, chúng tôi còn giới thiệu, quảng bá sản phẩm khởi nghiệp của chị trên các nền tảng mạng xã hội. Đặc biệt, chúng tôi đã hướng dẫn, tư vấn để chị có ý tưởng thiết kế, lựa chọn bao bì thích hợp với sản phẩm, từ đó góp phần giúp cho sản phẩm khởi nghiệp của chị Ly ngày càng được nhiều người tiêu dùng lựa chọn", chị Nguyễn Thị Kim Hạnh chia sẻ.
Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/gian-nan-lam-snack-tu-vo-buoi-say-20250418143907415.htm