Mỗi người Việt là một thám tử
Lúc viết tiểu thuyết trinh thám, tôi luôn phải đi tìm tư liệu. Trong quá trình lặn ngụp ở nguồn dữ liệu khổng lồ ấy, tôi ám ảnh nhất là những vụ án mạng chưa tìm ra thủ phạm. Hung thủ là ai, giờ hắn trôi nổi phương trời nào hay vẫn điềm nhiên sống ngay sát vách nhà nạn nhân?
Có lần tại một bữa tiệc, tôi gặp Trưởng công an một quận nọ. Anh xuất thân từ lính Cảnh sát hình sự. Mừng quá tôi hỏi anh là tỷ lệ tìm ra thủ phạm của Việt Nam là bao nhiêu phần trăm. Đây là số liệu tôi từng mất thời gian tìm kiếm nhiều năm mà không được, vì đối tượng được hỏi nào cũng cho biết không thể tiết lộ do là thông tin nội bộ tuyệt mật. Anh nói ngay: “Khoảng hơn 90%”. Tôi nghĩ bụng chắc anh này bịa, hẳn là nói cho xong chứ đâu có nhẽ thế. Vì số liệu công khai trên mạng cho thấy tỷ lệ tìm ra thủ phạm vụ án của Mỹ, nơi có nền khoa học hình sự nhất nhì thế giới, mà cũng chỉ 61%, nghĩa là có 10 vụ án thì hầu như 4 kẻ thủ ác thoát tội. Mà Việt Nam tìm ra tội phạm gần hết. Nghe có gì đó sai sai. Nhưng rồi một ngày nọ, tôi tự lật ngược lại quan điểm của mình. Anh quận trưởng kia có lẽ đúng. Ấy là vì ở mình, dường như có ngụy trang cỡ nào cũng bị những người dân thường nhận ra.
Hôm ấy tôi đi đánh cái chìa khóa. Trời lạnh nên tôi mặc áo bông, xỏ găng tay, đeo khẩu trang, cuốn khăn kín đầu ngồi thu lu trên ghế chờ người thợ khóa đang thao tác. Trong bộ dạng của con gấu hở mỗi đôi mắt ấy, bỗng tôi thấy cậu “shipper” quen đi qua hồ hởi hỏi thăm: “Hôm nay chị không phải đi dạy ạ?”. Tôi giật thót mình hỏi thất thanh: “Làm thế nào mà cậu nhận được ra tôi thế?”. Cậu ta vui vẻ đáp: “Em nhận ra ngay chứ ạ” rồi phóng đi luôn. Điều này làm tôi băn khoăn cho đến tận giờ. Làm thế quái nào cậu ta có thể nhận ra mình khi mà mỗi lúc gọi xuống lấy đồ là cậu nhìn thấy tôi trong bộ quần áo mặc nhà, còn hôm nay tôi mặc tề chỉnh và chỉ hở mỗi hai con mắt. Như thể bất cứ người Việt nào cũng dễ dàng nhận ra nhau chỉ bằng cách nhìn vào đôi tròng mắt, dù mắt ấy có màu sắc giống hệt nhau, chứ không phải xanh lơ, lá cây, tím hay nâu.
Một lần khác tôi vừa bước vào nhà hàng nọ thì thấy cô bé phục vụ reo lên “Em chào cô”, chỉ sau một phần ngàn giây. Lúc ấy đang thời kỳ dịch bệnh, tôi đeo khẩu trang kín mặt. Và cô học trò nọ sau dịp hàn huyên kể rằng đã học tôi từ khóa 1, nghĩa là 13 năm qua rồi. Tôi nhẩm lại thì thời kỳ đó tôi để tóc quăn ngôi giữa, giờ để tóc mái bằng. Nghĩa là cô bé không thể nhận ra tôi dựa vào mái tóc và cái trán mà chỉ nhờ vào hai con mắt. Trong phim hành động Hollywood, thấy khủng bố toàn bịt kín mặt chỉ hở mỗi mắt, mà suốt mùa dịch Covid-19, đặc biệt là vào mùa đông thì người Bắc cũng đành ngụy trang na ná như thế. Vậy mà người ta vẫn nhận ra danh tính của nhau chỉ thông qua ánh mắt. Tài đến thế là cùng.
Chưa hết, đấy là người quen, còn người lạ cũng có thể dễ dàng nhận diện ra bạn dù chỉ lướt qua vài giây. Lần nọ tôi cùng một người bạn đến tòa nhà kia có việc. Bạn thả tôi xuống đấy rồi đứng chờ. Xong việc trên tòa nhà, ngơ ngác tìm mãi không thấy xe bạn đâu, mới loay hoay rút điện thoại định gọi thì ông bảo vệ từ đâu hiện ra như một thám tử đang bám sát đối tượng. Ông ta khoát tay: “Xe người ta đang đậu đàng kia kìa”. Quả nhiên là nhìn về hướng ấy thì cũng thấy bạn đang đánh xe tiến lại gần. Tôi thất kinh. Lúc vào tòa nhà, tôi không nhìn thấy người đàn ông này. Vậy mà giữa hàng trăm người đi lại như đèn cù, ông ta nhận ra từng khách lạ và còn nắm được khách đi với ai, hành tung ra sao. Hèn chi là xem phim Mỹ, thấy cảnh khủng bố rồi tội phạm đang bị truy nã chạy loăng quăng khắp thành phố mà chẳng ai hay, cảnh sát lần theo dấu vết mãi không bắt được, mới nghĩ rằng phim họ bịa. Vì ở Việt Nam thế này cả phố hè nhau ra quây bắt lại. Mới chỉ có một tai nạn giao thông nho nhỏ thôi chưa ai chết cả mà họ đã vây kín nắm được hết lý lịch của hai kẻ dưng bỗng nhiên đâm sầm vào nhau trên phố rồi. Ấy là vì Tây họ ít bận tâm đến người khác, họ chỉ quan tâm đến việc của mình. Hàng xóm còn không mấy để ý nữa là người dưng. Nên nếu có án mạng xảy ra, cảnh sát phương Tây thời nay may nhờ vào hệ thống camera giăng kín thành phố, chứ nếu chỉ trông chờ vào việc thu thập thông tin từ những người hàng xóm chắc chịu chết, không phá nổi án.
Người Việt mình, không hẳn là tò mò, tọc mạch, nhòm ngó thiên hạ mà họ có một óc quan sát bẩm sinh tuyệt vời. Điều này có lẽ do hàng nghìn năm quen sống quần cư trong một cộng đồng vô cùng gắn kết, cộng với bản năng sinh tồn luôn phải đề phòng ở một vùng đất có địa chính trị nhiều thiên tai, chiến tranh, loạn lạc khiến bất cứ kẻ lạ mặt hay hiện tượng lạ nào xuất hiện cũng sẽ bị quan sát. Chính vì thế mà công an của ta thường huy động các cộng tác viên phá án nghiệp dư theo phương thức độc nhất vô nhị trên thế giới. Ấy là công an ở nhiều phường, quận thường tập hợp nhân viên lễ tân khách sạn, các bác “xe ôm”, các ông bảo vệ, hội phụ nữ, đoàn thanh niên, rồi tổ dân phố để tuyên truyền, bồi dưỡng những nghiệp vụ cơ bản, bao gồm cách thức nhận biết tội phạm thông qua hành vi, thái độ. Thành thử một số lượng lớn các vụ án ma túy bị triệt phá nhờ đóng góp không hề nhỏ của các bác “xe ôm” đầu phố. Có gì đâu, “xe ôm” lúc vắng khách tự động biến thành những chiếc camera “chạy bằng cơm”. Khả năng quan sát thượng thừa của người Việt lúc ấy được phát huy tác dụng. Bao nhiêu hành tung của ông đi qua, bà đi lại lọt vào mắt các bác cả. Hễ thấy có đối tượng khả nghi, “xe ôm” liền nhấc máy gọi vào số của các chú công an quen để báo án. Thậm chí nhiều bác “xe ôm” nhiệt tình đến mức thấy đối tượng đang hành động, gọi cho đường dây nóng thì không kịp, liền ới nhau cùng vây bắt tội phạm rồi giải lên đồn. Mấy thập niên trước, hồi đi học, tôi hay bắt gặp cụm từ “quân và dân như cá với nước”. Đến thế kỷ phát triển vũ bão của trí tuệ nhân tạo AI, quân dân vẫn cá nước y làm vậy.
Tổ dân phố cũng thế, nắm rất rõ lý lịch, thậm chí tính nết, nề nếp sinh hoạt và quan hệ xã hội của từng thành viên ở cụm dân cư mình. Nên từ cái thời công nghệ còn chưa phát triển, căn cước công dân và hộ khẩu chưa được tích hợp như bây giờ, tổ dân phố là chỗ dựa vững chãi, là cánh tay đắc lực của công an. Có việc gì cứ gọi bác tổ trưởng là rõ. Việc chưa rõ nữa hỏi thêm hàng xóm hai bên vách nhà là ra. Một anh bạn của tôi kể rằng quãng năm 2000, anh đón tiếp một cặp vợ chồng ngoại quốc tại nhà. Là hồi du học anh ở “homestay” cùng họ, giờ hai bác sang đây du lịch thì anh tiếp đãi lại. Họ đồng ý ngủ lại nhà anh mấy đêm để nhớ lại hồi ức cậu bé học sinh thuở nào đã từng ở với họ. Nhưng qua đêm thứ nhất, chỉ sang đến ngày thứ hai là Cảnh sát khu vực đã xuất hiện, yêu cầu khách ngoại quốc xuất trình giấy tờ và hỏi tại sao chủ nhà có khách nước ngoài ở lại qua đêm mà không khai báo tạm trú. Cuối cùng anh phải lên phường nộp phạt hai triệu, hơn 20 năm sau lòng vẫn đầy thắc mắc rằng tại sao Công an phường lại có thể biết được đêm qua sau bữa tối khách không về mà ngủ lại chỗ mình, trong khi nhà anh cửa đóng then cài không chung đụng.
Camera hồi ấy chưa phổ biến, điện thoại di động thì hiếm có khó tìm, Internet thì tậm tịt còn Facebook, TikTok cũng chưa xuất hiện, vậy cớ sao công an lại thông tỏ. Nên các tập đoàn khủng bố quốc tế sang Việt Nam thì cơ may hoạt động của chúng chỉ bằng “zero”. Việc một tên khủng bố thuê căn hộ rồi ở lì trong nhà mà loay hoay chế tạo mìn kích nổ từ xa, bom tự sát hay một sát thủ chuyên nghiệp bê vác cả bộ súng trường giảm thanh lên nóc tòa nhà bắn tỉa là bất khả thi ở Việt Nam, vì chỉ vài tiếng sau là hàng xóm đã xúm đông xúm đỏ đứng xem.
Mẹ tôi sống một mình trong một căn hộ chung cư. Có lần buổi tối gọi cho bà không được tôi đâm lo, mới gọi điện cho người hàng xóm của bà để nhờ họ bấm chuông cửa. Chị hàng xóm gắt tôi rằng giờ này bà đi ngủ rồi, đừng có gọi nữa, bà hôm nào cũng ngủ sớm lắm. Nắm được cả giờ ngủ của hàng xóm mình, hẳn chỉ có thể là người Việt Nam. Thế thì tội phạm xứ này sống sao nổi, tỷ lệ điều tra vụ án của cảnh sát Huê Kỳ thua Việt Nam là đúng quá đi rồi.
Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/moi-nguoi-viet-la-mot-tham-tu-post601700.antd