Mối nguy chết người tiềm ẩn trên 'đường cao tốc'

Cơ quan chức năng đang điều tra và sẽ có kết luận về vụ tai nạn giao thông (TNGT) trên đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn ngày 18.2, làm chết 3 người, bị thương 2 người. Trước hết, ta có thể xem xét nguyên nhân trực tiếp là gì, nguyên nhân sâu xa là sao?

Tôi cho rằng nguyên nhân sâu xa là không tránh khỏi, có thể nói đã biết trước. Nó gồm những yếu tố hình học và các chỉ tiêu kỹ thuật liên quan an toàn giao thông (ATGT), chỉ trừ hệ số ma sát giữa bánh xe với mặt đường (gọi tắt là độ nhám) và độ bằng phẳng áo đường, phải dùng dụng cụ, thiết bị để kiểm tra, xác định.

Cụ thể (nguyên nhân sâu xa) vụ TNGT trên đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn nêu trên do khiếm khuyết, chỗ đoạn xảy ra TNGT không có dải phân cách giữa để tách bạch 2 chiều xe chạy (chiều đi và chiều ngược lại), mà chỉ tổ chức giao thông bằng các vạch sơn thay cho dải phân cách. Nếu như có dải phân cách với đủ chiều rộng, chiều cao tiêu chuẩn, xe con sẽ khó lộn từ chiều đường bên này sang chiều đường bên kia, rồi bị xe đầu kéo đâm lao xuống taluy âm.

Vụ tai nạn trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn lộ rõ nhiều mối nguy

Vụ tai nạn trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn lộ rõ nhiều mối nguy

Về vạch sơn liền nét phân chia 2 chiều xe chạy trên đường cao tốc, hiện nay nó chưa phù hợp thực tế nước ta, nếu chưa muốn nói là vô nghĩa. Nói vậy bởi vì công tác tuần lưu, cưỡng chế, hoặc phạt nguội còn hạn chế, chưa đủ răn đe những người lái xe, từ bị cưỡng bức trở thành tự giác chấp hành (không lấn vạch sơn liền nét). Họ vẫn cố hữu với đường “không được đi” vẫn cứ đi, “đường ta ta cứ đi”.

Điều này không thể đổ thừa tất cả cho văn hóa giao thông, hoặc ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ yếu kém của đội ngũ những người lái xe cơ giới. Rồi “bì phấn với vôi” so sánh với lái xe các nước văn minh phát triển…

Thế nên, đường cao tốc phải có dải phân cách giữa để tách bạch 2 chiều xe chạy. Không thể phiến diện lấy mỗi tiêu chí chủ đạo triệt tiêu những giao lộ ngang mức (cùng mức) làm quy chuẩn thiết kế.

“Chỉ Việt Nam mới thấy có cao tốc 1 làn xe và cao tốc 2 làn xe không làn dừng khẩn cấp. Hạ tầng không đạt chuẩn cao tốc nhưng khai thác theo tốc độ cao tốc thì rất nguy hiểm, sớm muộn gì cũng gây hệ lụy lớn cho người dân và xã hội”

PGS-TS Nguyễn Quang - Hội Cầu đường Việt Nam

Ngoài ra, đối với yếu tố hình học của đường cao tốc còn cần có “dải an toàn” (khoảng cách từ mép dải phân cách giữa đến mép làn đường - phần xe chạy). Là người thực tế trực tiếp lái xe trên các đường cao tốc, tôi thấy “dải an toàn” rất quan trọng, thiết thực góp phần bảo đảm ATGT. Trong khi đó, dải phân cách giữa đường Cam Lộ - La Sơn còn khiếm khuyết, phải dùng vạch sơn thay thế; huống chi “xa xỉ dải an toàn”.

Vào tháng 10.2023, qua khảo sát toàn bộ các tuyến cao tốc và đoạn La Sơn - Cam Lộ đang khai thác, sử dụng, Bộ Công an đã phát hiện 7 đoạn, tuyến cao tốc chưa bảo đảm các tiêu chuẩn an toàn đường cao tốc ngay từ khi xây dựng, đưa vào khai thác, sử dụng. Cụ thể như không có dải phân cách cứng, không có làn dừng xe khẩn cấp hoặc có nhưng chưa bảo đảm bề rộng tiêu chuẩn, tầm nhìn hạn chế...

Hậu quả là TNGT ngày 18.2 (nêu ở phần đầu). Và ngày 20.2 vừa rồi, Bộ trưởng Bộ GTVT họp chỉ đạo biện pháp khắc phục hậu quả vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng trên. Song, cơ bản là cần xem xét lại các tiêu chuẩn quốc gia (TCVN), tiêu chuẩn ngành, quy chuẩn thiết kế đường cao tốc, quy chế khai thác và tổ chức giao thông thực tế hợp lý....

Chẳng hạn các đoạn cao tốc có 2 làn xe trở lên/chiều đường, cần sớm bổ sung biển báo hiệu cho xe con chạy làn xe phía tim đường, để phát huy vận tốc; xe tải đầu kéo chạy làn phía lề đường (trừ làn xe khẩn cấp)… sẽ góp phần xóa “đường đen tai nạn giao thông” Cam Lộ - La Sơn nói riêng và hệ thống đường cao tốc nói chung.

Ngày 21.2, ông Hoàng Hải Minh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã chủ trì cuộc họp đánh giá nguyên nhân, rút kinh nghiệm và triển khai các giải pháp khắc phục hậu quả vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng tại cao tốc Cam Lộ - La Sơn.

Theo các cơ quan chức năng, nguyên nhân vụ tai nạn vào ngày 18.2 trên tuyến cao tốc này là do người điều khiển ô tô 36A-485.67 vượt xe đầu kéo không đúng quy định, gây tai nạn làm 3 mẹ con đi trên xe này tử vong.

Các cơ quan, đơn vị liên quan cũng đã chỉ ra những bất cập về hạ tầng trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn. Nhiều ý kiến cho rằng, trên toàn tuyến có nhiều điểm vuốt nối từ 4 làn đường xuống 2 làn đường bị bó hẹp đột ngột, "thắt cổ chai", trong đó điển hình tại vị trí xảy ra tai nạn ở Km48+200. Các vị trí vuốt nối này tiềm ẩn tai nạn giao thông, cần sớm có giải pháp xử lý, khắc phục.

Bên cạnh đó, trên toàn tuyến cần lắp đặt thêm hệ thống chiếu sáng, camera phạt nguội, bổ sung thêm các biển báo về tốc độ, khoảng cách; nghiên cứu có thể giảm ngắn lại các dãy phân cách cứng ở những điểm kết thúc vượt...

KS Nguyễn Thành Lập

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/moi-nguy-chet-nguoi-tiem-an-tren-duong-cao-toc-214335.html