Mối nguy hacker tấn công dữ liệu nghiên cứu vaccine ngừa Covid-19
Theo Hãng tin Reuters, phát biểu ở Diễn đàn tương lai Đại Tây Dương, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Robert O'Brien đã đưa ra hàng loạt cáo buộc nhằm vào Trung Quốc, trong đó có việc cố gắng đánh cắp dữ liệu nghiên cứu vaccine Covid-19 quan trọng từ phương Tây. Đây không phải là lần đầu tiên quan chức Chính phủ Mỹ đưa ra cáo buộc như trên.
Mỹ: Trung Quốc muốn đi trước
Cố vấn Robert O’Brien cho rằng, Trung Quốc đang tìm cách độc quyền mọi ngành công nghiệp quan trọng của thế kỷ 21, trở thành mối đe dọa hiện hữu với nước Mỹ. Gần đây nhất, Trung Quốc đã sử dụng gián điệp mạng để nhắm mục tiêu vào các công ty phát triển vaccine, cũng như phương pháp điều trị Covid-19 ở châu Âu và Mỹ.
Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) Christopher Wray cũng khẳng định, các tin tặc Trung Quốc vẫn đang nhắm vào các công ty Mỹ tham gia nghiên cứu vaccine ngừa Covid-19. Việc đánh cắp này nhằm giúp Trung Quốc đi trước Mỹ trong việc nghiên cứu và phát triển vaccine hay thuốc điều trị Covid-19, giống như nỗ lực của Trung Quốc trong một loạt lĩnh vực khác.
Cũng theo ông Wray, tin tặc không chỉ nhắm vào các công ty và các tổ chức nghiên cứu của Mỹ mà còn của cả các nước là đồng minh thân cận nhất của Mỹ.
FBI đang theo đuổi hơn 2.000 cuộc điều tra liên quan đến các hoạt động của Chính phủ Trung Quốc. Số cuộc điều tra về gián điệp kinh tế liên quan đến Trung Quốc đã tăng 13 lần trong một thập niên qua. Cơ quan An ninh mạng và Cơ sở hạ tầng của Bộ An ninh Nội địa (CISA) cũng đã cảnh báo, tin tặc do Chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn đang nhắm vào các nghiên cứu phát triển vaccine và phương pháp điều trị Covid-19 ở Mỹ.
Chiếm đoạt tài sản trí tuệ trái phép
Cuộc đua tìm kiếm vaccine phòng Covid-19 không chỉ là một thách thức khoa học mà còn mang cả tính chính trị. Nhiều nước đã chi những khoản tiền lớn để đầu tư cho nghiên cứu nhưng cũng để được độc quyền tiếp cận nguồn vaccine quý giá, ước tính lên đến hàng trăm triệu liều. Do đó, bất cứ rủi ro nào xảy ra trong quá trình bào chế vaccine đều khiến các công trình nghiên cứu đứng trước nguy cơ thất bại. Việc tấn công mạng để lấy các nghiên cứu vì thế được xem là hình thức chiếm đoạt tài sản trí tuệ và dữ liệu y tế cộng đồng trái phép.
Hiện tượng hacker tấn công hàng loạt phòng nghiên cứu vaccine Covid-19 lần lượt diễn ra ở Nga, Tây Ban Nha. Phía Tây Ban Nha cũng đưa ra cáo buộc tin tặc Trung Quốc đánh cắp dữ liệu tại các phòng thí nghiệm đang nghiên cứu vaccine Covid-19 ở nước này. Tại châu Á, các cơ quan nghiên cứu của Nhật Bản đã trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công mạng.
Tuy nhiên, bất chấp những lo ngại lẫn chỉ trích của dư luận quốc tế, Trung Quốc hiện là một trong những nước dẫn đầu cuộc đua nghiên cứu và chế tạo vaccine phòng Covid-19 với 13 trong số 44 loại vaccine trên toàn thế giới đang thử nghiệm lâm sàng. Theo ông Điền Bảo Quốc, Phó Vụ trưởng Khoa học kỹ thuật phát triển xã hội thuộc Bộ Khoa học kỹ thuật Trung Quốc, hiện tại công tác nghiên cứu phát triển vaccine của Trung Quốc nằm trong tốp đầu của thế giới. Trong 13 loại vaccine ngừa Covid-19 đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng của nước này, có 4 loại vaccine dạng bất hoạt và vaccine tái tổ hợp đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3.
Giới chức y tế Brazil thông báo, một tình nguyện viên tham gia chương trình thử nghiệm lâm sàng vaccine ngừa Covid-19 do tập đoàn dược AstraZeneca và Trường Đại học Oxford phát triển đã tử vong. Đây là trường hợp tử vong đầu tiên được ghi nhận trong nhiều chương trình thử nghiệm lâm sàng các loại vaccine ngừa Covid-19 đang được triển khai ở nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa xác định được nguyên nhân tử vong của tình nguyện viên này là do vaccine hay giả dược. Tình nguyện viên trên là một bác sĩ 28 tuổi, làm việc ở tuyến đầu trong chiến dịch phòng chống đại dịch Covid-19 tại Brazil.