Mối nguy hại của Mỗ
Tương truyền Khổng Tử có rất nhiều học trò. Trong đó có tay không thích học nhân nghĩa, chỉ thích học làm thương nhân tên là Mỗ. Ngày nọ sau khi thấy mình đã học đủ, Mỗ mới xin thầy về nước Vệ.
Tử Cống cũng là học trò Khổng Tử, thấy Mỗ chỉ học mấy cách làm giàu thì lo lắng bèn hỏi thầy:
- Thưa thầy, người này về nước bán khoáng sản được không ạ?
Khổng Tử chỉ cười:
- Được!
Tử Cống lại hỏi tiếp:
- Nếu hắn kinh doanh nhà đất thì sao?
Khổng Tử vuốt râu khẽ lắc đầu:
- Cũng tạm được?
Tử Cống thấy thế bèn hỏi tiếp:
- Nếu tay Mỗ này chạy về Vệ, kinh doanh tứ thư ngũ kinh thì có sao không ạ?
Khổng Tử tái mét mặt, ba chân bốn cẳng chạy đuổi theo tay Mỗ. Tử Cống cũng cuống cuồng chạy theo thầy.
Tử Cống thấy sự lạ không giấu được tò mò:
- Mỗ kinh doanh khoáng sản, thầy không lo là vì lý gì?
Khổng Tử khổ não nói:
- Hắn sẽ đào tất cả lên mà bán, có lỗ cũng không sao, thiệt hại kinh tế vài chục năm là khắc phục được?
Tử Cống lại hỏi tiếp:
- Hắn kinh doanh bất động sản, con thấy thầy cũng đâu có lo?
Khổng Tử buồn thiu:
- Hắn kinh doanh bất động sản bán giá trên trời, thu lợi vô số. Nhưng khi thất bại sẽ ăn nói xà lơ, xin triều đình cứu giúp. Dân nghèo mất chừng trăm năm nữa sẽ có nhà giá rẻ…
Tử Cống lại hỏi tiếp:
- Vậy hắn bán tứ thư, ngũ kinh… có gì đâu mà thầy phải lo?
Khổng Tử ôm đầu kêu trời:
- Hắn không lo chất lượng học và dạy, lại in sách khổ to, lời to bán giá trên trời. Học sinh nghèo không đủ tiền mua sách. Giáo dục mà lo tận thu là hại cả một quốc gia…
Tử Cống nghe tới đây thì mặt cũng trở nên tái mét. Tử Cống không còn dám hỏi Khổng Tử điều gì, cùng thầy phi nước đại quyết đuổi theo Mỗ, không cho hắn về nước Vệ.
Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/moi-nguy-hai-cua-mo-a291012.html