Mối nguy hại từ việc IS tuyển mộ 'đội quân' lao động giúp việc ở các quốc gia châu Á
Theo thông tin từ Bộ Nội vụ Singapore, mỗi tuần 6 ngày, 3 người phụ nữ làm giúp việc tại các ngôi nhà ở khắp Singapore. Nhưng trong thời gian rảnh rỗi, họ đã quảng bá trực tuyến cho Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, quyên góp tiền cho các chiến binh nước ngoài và trở nên cực đoan đến mức ít nhất 1 người sẵn sàng tử vì đạo với tư cách kẻ đánh bom tự sát ở Syria.
Những người phụ nữ này, tất cả đều là công dân Indonesia, đã bị bắt hồi tháng 9-2019 theo Luật An ninh nội địa của Singapore vì nghi ngờ tham gia các hoạt động tài trợ khủng bố và phải đối mặt với án tù 10 năm cùng số tiền phạt lên tới 500.000 đô la Singapore (tương đương 362.000 USD). Phát ngôn viên của Đại sứ quán Indonesia tại Singapore cho biết, họ đang hỗ trợ lãnh sự cho những người phụ nữ này. Hiện 3 người chưa có đại diện pháp lý vì họ vẫn đang bị điều tra và chưa bị buộc tội chính thức. Họ có thể bị giữ đến 2 năm trước khi ra xét xử.
Hoàn cảnh dễ dẫn đến lầm lạc
Các chuyên gia về khủng bố cho biết, đó không phải là những lao động nhập cư duy nhất đang làm việc tại các thành phố lớn của châu Á như Singapore và Hồng Kông (Trung Quốc) bị cực đoan hóa qua tiếp xúc trực tuyến với các chiến binh thánh chiến. Những người phụ nữ như vậy đại diện cho một tập hợp nhỏ trong số khoảng 250.000 lao động nhập cư giúp việc sống ở Singapore và 385.000 người cư trú tại Hồng Kông. Người phát ngôn của Bộ Nội vụ Singapore cho biết: “Đại đa số lao động nước ngoài tuân thủ luật pháp và đóng góp tích cực cho xã hội của chúng tôi. Tuy nhiên, vẫn có những cá nhân tiếp tục bị cực đoan hóa bởi hệ tư tưởng bạo lực của IS”.
Từ năm 2015-2017, Viện Phân tích Chính sách Xung đột (IPAC) của Indonesia đã mở cuộc điều tra riêng về quá trình cực đoan của lao động giúp việc và nhận thấy có một “làn sóng cực đoan” của ít nhất 50 phụ nữ Indonesia làm các công việc như bảo mẫu, quản gia hoặc chăm sóc người già. Trong số này, 43 người ở Hồng Kông, 4 người ở Singapore và 3 người ở Đài Loan. Theo một nguồn tin ở Indonesia, ít nhất 20 lao động giúp việc đã bị trục xuất trở về Indonesia, quốc gia có dân số theo Hồi giáo lớn nhất thế giới, trong đó có 3 người hiện đang trải qua một chương trình tái hòa nhập.
“Khi Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng nhắm tới châu Á sau sự sụp đổ của cơ quan đầu não ở Trung Đông, những người lao động giúp việc ngày càng bị nhắm đến. Họ có thu nhập ổn định, nói tiếng Anh và thường có mạng lưới quốc tế rộng khắp, nên càng trở thành mục tiêu lý tưởng”.
Nhà nghiên cứu Nava Nuraniyah (Viện Phân tích Chính sách Xung đột Indonesia)
Theo nhà nghiên cứu Nava Nuraniyah thuộc IPAC, đối với một số ít phụ nữ trở nên cực đoan, quá trình này thường bắt đầu bằng một sự kiện đau buồn của cá nhân và sự cực đoan hóa tiến triển nhanh chóng. “Họ có thể trải qua một cuộc ly hôn, mắc nợ hoặc chịu cú sốc văn hóa khi chuyển đến sống ở một nơi xa lạ, đó là tất cả những vấn đề phổ biến mà người lao động nhập cư gặp phải”. Sống xa nhà trong một môi trường mới, đôi khi phải đối mặt với sự đối xử tệ bạc của những người chủ vô đạo đức, họ đặc biệt dễ bị truyền giáo qua con đường trực tuyến. Nhưng ở cộng đồng trực tuyến đó, họ lại không được tư vấn hoặc được trang bị để nhận ra các thông điệp đen tối.
Bạn trai là chiến binh thánh chiến
“Tôi bắt đầu nghe các chương trình phát thanh về dòng Hồi giáo Salafi trong khi dọn dẹp nhà cửa. Trên Facebook, tôi đã theo dõi những người có hồ sơ có vẻ rất hiểu biết về Hồi giáo vì tôi cần những người có thể hướng dẫn tôi”, một người giúp việc từ Semarang, Indonesia làm việc tại Singapore nói với IPAC. Sau đó, cô làm quen qua mạng xã hội một thanh niên 29 tuổi người Indonesia sống ở Batam. Anh ta khuyến khích cô đến Syria để tham gia IS. Nhưng Chính phủ Singapore đã phát hiện ra kế hoạch và trục xuất cô trở lại Indonesia vào năm 2017.
Điểm bùng phát trong tư tưởng những phụ nữ này là khi họ phát triển tình cảm với các chiến binh, tất nhiên là qua trực tuyến. Sau đó, họ được “bạn trai” mời tham gia các phòng chat chuyên dụng trên các ứng dụng được mã hóa. Ông Zachary Abuza, một chuyên gia về hoạt động của IS ở Đông Nam Á tại trường Đại học Chiến tranh Quốc gia ở Washington cho biết: “Đây là nơi các thiết kế bom được chia sẻ và sự phối hợp diễn ra một cách tích cực”. Ví dụ, có hàng trăm nhóm trên Telegram - một ứng dụng được mã hóa thường được IS sử dụng, trong đó có nội dung dành riêng cho phụ nữ, như lời khuyên về các vấn đề nữ tính và nuôi dạy trẻ em.
Một khi quá trình cực đoan hoàn tất, một số người giúp việc kết hôn với bạn trai thánh chiến của họ. Một phụ nữ Indonesia làm việc tại Hồng Kông đã quay trở lại Banten, phía Tây Java, vào năm 2015 để trở thành vợ thứ hai của Adi Jihadi, một chiến binh bị bắt năm 2017 vì mua vũ khí và huấn luyện ở Mindanao cùng với Isnilon Hapilon, người được tuyên bố là thủ lĩnh IS ở Đông Nam Á. Jihadi sau đó bị kết án vì đã tài trợ cho các vũ khí được sử dụng trong vụ tấn công ngày 14-1-2016 ở Jakarta, khiến 8 người thiệt mạng.
Ngoài ra, những lao động giúp việc cực đoan khác đảm nhận vai trò tích cực hơn, trở thành nhà hỗ trợ tài chính, nhà tuyển dụng và điều phối viên. Điển hình, một phụ nữ 36 tuổi ở Trung Java làm việc ở Hồng Kông đã thu tiền từ những người giúp việc có tư tưởng cực đoan rồi gửi cho các tổ chức thánh chiến ở Indonesia. Người này cũng lo vé máy bay cho các chiến binh Indonesia đến Syria quá cảnh ở Hồng Kông. Vào tháng 7-2017, người phụ nữ này đã bị trục xuất trở về Indonesia.
Ngoài ra, trong số 50 người giúp việc có tư tưởng cực đoan được IPAC xác định, ít nhất 12 người đã cố gắng đến Syria qua Hồng Kông kể từ tháng 6-2017. Bốn người đã bị chặn và bị trục xuất trở về Indonesia. Hai trong số những phụ nữ Indonesia nuôi dưỡng ý định đến Syria thậm chí còn tuyên bố rằng cô muốn trở thành kẻ đánh bom tự sát cho IS ở Syria, nhưng đã bị chặn bắt ở Singapore.
Ý thức cảnh giác của nước sở tại
Theo Bộ Nội vụ Singapore, 2 người phụ nữ nói trên cũng đã được những người có liên hệ trực tuyến khuyến khích đến miền Nam Philippines. “Sau năm 2017, khi IS bắt đầu mất đi lãnh thổ mà bọn chúng kiểm soát được ở Trung Đông, thông điệp của IS đã thay đổi. Nhóm này bắt đầu khuyến khích các chiến binh đến Mindanao, Philippines và thành lập một vương quốc Hồi giáo ở đó”, chuyên gia Zachary Abuza cho biết.
“Đại đa số lao động nước ngoài tuân thủ luật pháp và đóng góp tích cực cho xã hội của chúng tôi. Tuy nhiên, vẫn có những cá nhân tiếp tục bị cực đoan hóa bởi hệ tư tưởng bạo lực của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng”.
Bộ Nội vụ Singapore
Một số cá nhân đã bị bắt gần đây tại Sabah, một bang của Malaysia trên đảo Borneo, vì đã hỗ trợ các cảm tình viên IS trên đường đến Philippines - một điểm đến mới của những kẻ thánh chiến, ông Ayob Khan Mydin Pitchay, một quan chức chống khủng bố của Malaysia nói với Malay Mail hồi tháng 9-2019.
Sự sụp đổ của IS ở Syria và Iraq cũng đã dẫn đến gia tăng tuyển dụng trực tuyến vào người Hồi giáo ở Malaysia và Singapore, từ đó mở rộng huấn luyện mạng lưới người giúp việc thực hiện các cuộc tấn công tự sát. Một người từng đi làm giúp việc ở Đài Loan và Singapore, Dian Yuli Novi (27 tuổi) đã lên kế hoạch đánh bom tự sát bên ngoài dinh Tổng thống ở Jakarta. Vào tháng 8-2017, cô này đã bị kết án 7 năm rưỡi tù giam, theo Reuters. Trước đó, tháng 12-2016, Ika Puspitasari (34 tuổi,) sau thời gian lao động xuất khẩu từ Hồng Kông trở về Indonesia để kết hôn với một người đàn ông mà cô gặp trực tuyến vào năm 2015. Nữ tín đồ này đã bị bắt ở Trung Java khi thực hiện một vụ đánh bom ở Bali vào đêm Giao thừa. Hiện cô ta đang thi hành án 4 năm 6 tháng tù kể từ năm 2017.
Đây là hiện tượng mà chính quyền các nước sở tại vẫn chú ý theo dõi qua việc giám sát các bài đăng trên mạng xã hội và các nhóm thảo luận để tìm kiếm nội dung liên quan đến khủng bố. Nếu phát hiện người lao động nhập cư phát đi thông điệp cực đoan, đối tượng sẽ bị xem xét trục xuất. Cụ thể, Singapore đã trục xuất 16 lao động Indonesia kể từ năm 2015 sau khi hoàn tất các cuộc điều tra, theo phát ngôn viên của Bộ Nội vụ nước này. Hồng Kông không công bố số liệu chính thức nhưng một phát ngôn viên cảnh sát cho biết, họ luôn trao đổi thông tin tình báo với các cơ quan thực thi pháp luật khác để đánh giá mối đe dọa khủng bố đối với Hồng Kông. Năm 2018, một đơn vị chống khủng bố liên ngành chuyên dụng đã được thành lập.