Mối nguy hiểm khi trẻ bị thiếu chất
Thiếu vi chất dinh dưỡng được xem là nạn đói tiềm ẩn, trở thành vấn đề sức khỏe cộng đồng đáng quan tâm ở các nước trên thế giới cũng như tại Việt Nam.
Đây là thông tin do phó giáo sư, tiến sĩ Lê Bạch Mai, nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc Gia, chia sẻ tại hội nghị khoa học "Y học công nghệ 4.0 - Những bước tiến vượt bậc trong chẩn đoán và điều trị" chiều 22/1.
Theo PGS Mai, trong cơ thể, các vitamin và chất khoáng có vai trò rất quan trọng. Đó là thành phần của enzyme tham gia chuyển hóa protein, lipid, glucid, hô hấp tế bào, mô, các chức phận của cơ và thần kinh.
Chúng cũng cần thiết cho sự hoạt động, quá trình phát triển của tổ chức và tạo máu, đồng thời, duy trì cân bằng nội môi, áp lực thẩm thấu giữa khu trong và ngoài tế bào, tham gia vào điều hòa chuyển hóa nước. Vai trò quan trọng khác của chúng là tăng cường miễn dịch, chống oxy hóa để bảo vệ cơ thể.
Với trẻ nhỏ, cơ thể đủ các vitamin và khoáng chất sẽ phát huy được hết vai trò quan trọng cho sự phát triển toàn diện. Nếu thiếu, sức khỏe, tầm vóc và trí tuệ của trẻ bị ảnh hưởng. Đồng thời, đó là yếu tố liên quan suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ nhỏ.
Thiếu vi chất gây giảm chất lượng cuộc sống. Theo số liệu thống kê, mỗi năm, 18 triệu trẻ sơ sinh bị giảm trí tuệ do thiếu i-ốt, 150.000 trẻ sơ sinh dị dạng thần kinh do thiếu folate, 350.000 trẻ em bị mù lòa vì thiếu vitamin A. Thiếu vi chất gây giảm năng suất lao động khi mỗi năm, 1,6 tỷ người bị giảm khả năng lao động do thiếu máu và sắt.
Ngoài vai trò giảm nguy cơ mắc bệnh, tăng chiều cao, một số vi chất còn được chứng minh tác động đến quá trình "tắt - mở" của gene như axit folic, vitamin (C, D, E, B2, B12), niacin, axit nicotinic, kẽm, mangan, sắt, canxi.
"Suy dinh dưỡng, thừa cân và béo phì đan xen là cửa ngõ của nhiều bệnh mạn tính hay gặp hiện nay có liên quan dinh dưỡng như bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh mạch vành. Nguy hiểm hơn, nó là nguyên nhân gây một số bệnh ung thư", PGS Mai cho hay.
Tại Việt Nam, tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng gặp phổ biến ở khắp cả nước, thậm chí, vẫn còn tỷ lệ lớn ở các thành thị, nơi có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển.
Chuyên gia này đã chỉ ra 6 vi chất trong cơ thể người dân Việt Nam, đặc biệt là trẻ em, thường thiếu gồm vitamin A, sắt, axit folic, kẽm, canxi và vitamin D.
Theo tổ chức Liên Hợp Quốc, nguyên nhân của tình trạng này có thể là trực tiếp qua khẩu phần ăn thiếu vi chất hoặc bệnh lý gây mất vi chất. Nguyên nhân gián tiếp là thực phẩm nghèo vi chất và không biết cách chăm sóc đầy đủ. Vì vậy, kiểm tra cơ thể có thiếu vi chất hay không là vấn đề sức khỏe được quan tâm đặc biệt hiện nay.
PGS Mai khuyến cáo tất cả người dân nên xét nghiệm kiểm tra, đặc biệt trẻ có các dấu hiệu bất thường như chậm tăng trưởng, thị lực và trí lực kém, cơ thể mệt mỏi, da xanh, đau đầu, chóng mặt, hồng cầu to...
Từ kết quả chẩn đoán, bác sĩ sẽ tư vấn hướng bổ sung dinh dưỡng phù hợp để hạn chế hậu quả đáng tiếc do thiếu vi chất. Việc làm này rất đơn giản, chỉ cần bổ sung qua bữa ăn hàng ngày.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/moi-nguy-hiem-khi-tre-bi-thieu-chat-post1176054.html