Mối nguy từ hiểu lầm với các loại thuốc lá thế hệ mới
Theo chuyên gia, tất cả sản phẩm chứa nicotine khi được đưa vào cơ thể đều có tác hại đến sức khỏe.
Trao đổi với Zing, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Nhung, Trưởng khoa Phổi - Lao - Da liễu, Bệnh viện 199 (Đà Nẵng), khẳng định: “Thuốc lá điện tử không thể cai thuốc lá truyền thống. Sản phẩm thuốc lá điện tử vẫn chứa nicotine. Do đó, đây chỉ là chuyển sử dụng từ loại thuốc này sang loại thuốc khác”.
Sự khác biệt của thuốc lá điện tử
Cũng theo vị chuyên gia này, sự khác nhau cơ bản giữa 2 sản phẩm trên là nicotine sử dụng trong thuốc lá điện tử được chiết xuất từ cây thuốc lá và thanh lọc trước khi sử dụng. Do đó, hút thuốc lá truyền thống sẽ độc hại hơn. Tuy nhiên, cả 2 sản phẩm này đều gây hại cho sức khỏe người sử dụng.
“Bên cạnh chất gây nghiện nicotine, hơi của thuốc lá điện tử vẫn chứa chất gây ung thư trong khói thuốc lá thông thường. Do đó, người hít phải khói thuốc lá điện tử cũng có nguy cơ mắc hơn 25 loại bệnh tương tự người hút trực tiếp như ung thư phổi, thanh quản, phổi tắc nghẽn mạn tính, đột quỵ, liệt dương...”, bác sĩ Nhung giải thích.
Trưởng khoa Phổi - Lao - Da liễu cho biết thêm trong khói thuốc lá điện tử còn chứa các kim loại nặng và phân tử độc hại siêu mịn. Một nghiên cứu gần đây tại Mỹ ghi nhận 1.604 ca tổn thương phổi, trong đó 39 người tử vong, do sử dụng thuốc lá điện tử.
“Một nguy cơ khác của thuốc lá điện tử là người sử dụng không còn e dè, tránh để người thân bị ảnh hưởng bởi hít khói thuốc tự động nữa. Họ cho rằng thuốc lá thế hệ mới không nguy hại và vô tư hút trong phòng kín, nơi đông người”, bác sĩ Nhung nhận định.
Bác sĩ này chia sẻ từng gặp trường hợp một người vợ tò mò hút thử thuốc lá điện tử cùng chồng do thấy mùi thơm và suy nghĩ sản phẩm này không độc hại. Tuy nhiên, sau một thời gian, người này bắt đầu cùng chồng hút thuốc lá nung nóng (IQOS), thuốc lá truyền thống và có triệu chứng nghiện.
Hiểu lầm về thuốc lá nung nóng (IQOS)
Mới đây, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã đưa ra phán quyết về việc cấp phép lưu hành sản phẩm thuốc lá nung nóng (IQOS). Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết việc này đã khiến nhiều người hiểu sai về sản phẩm IQOS.
Trong buổi Hội thảo chuyên đề cập nhật thông tin về tác hại của sản phẩm thuốc lá mới do Bộ Y tế tổ chức ngày 8/4, thạc sĩ, bác sĩ Vũ Văn Thành, Hội Phổi Việt Nam, khẳng định: “Sản phẩm thuốc lá nung nóng có thể giúp giảm phơi nhiễm với một số yếu tố nguy cơ. Tuy nhiên, IQOS không giảm tác hại với sức khỏe. Nó đang tác động rất lớn đến sức khỏe con người, đặc biệt là giới trẻ”.
Theo vị chuyên gia này, về bản chất, thuốc lá điện tử sử dụng pin để làm nóng dung dịch chứa nicotine và các chất hóa học khác đựng trong ống, bình bắt mắt, dùng một lần hoặc tái nạp, tạo ra khói để người dùng hít vào.
Trong khi đó, thuốc lá nung nóng là sự kết hợp của thiết bị và sản phẩm thuốc lá chuyên dùng làm sản sinh khí chứa nicotine cùng các hóa chất khác.
Giải thích về phán quyết của FDA, ông Đào Thế Sơn, Đại học Thương mại, cho biết: “thuốc lá nung nóng được FDA phán quyết là sản phẩm điều chỉnh phơi nhiễm, không phải sản phẩm giảm thiểu rủi ro”.
Theo ông Sơn, bản thân công ty sản xuất và cung cấp IQOS là PMI (Philip Morris International) cũng không đưa ra được bằng chứng về việc sản phẩm này có thể giúp cai nghiện.
Trên thực tế, các sản phẩm thuốc lá nung nóng không đáp ứng tiêu chuẩn giảm nguy cơ bệnh tật đối với sức khỏe người dùng. PMI cũng không chứng minh được IQOS có lợi cho sức khỏe cộng đồng và an toàn hơn thuốc lá truyền thống.
Do đó, vị chuyên gia này khẳng định mọi sản phẩm thuốc lá đều có hại. Nicotine là chất gây nghiện có trong các loại thuốc lá.
Theo thống kê tại Việt Nam, tỷ lệ người sử dụng thuốc lá điện tử đang tăng lên, đặc biệt ở học sinh cấp 2 và trung học phổ thông. Trong năm 2019, 2,6% học sinh từ 13 đến 17 tuổi hút thuốc lá điện tử.
Riêng tại Hà Nội, nghiên cứu của Viện Chiến lược và Chính sách Y tế, Bộ Y tế, cho thấy tỷ lệ thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá điện tử đang gia tăng. Trong đó, tỷ lệ hút thuốc lá điện tử ở học sinh trong khoảng lớp 8-12 là 8,35%, lớp 10-12 có 12,6%, nữ 4,8% và nam 12,4%.
Qua đó, bác sĩ Nhung khuyến cáo những người đang hút thuốc lá điện tử hay IQOS để thay thế thuốc lá truyền thống cần đánh giá lại những nguy cơ sẽ gặp phải và nỗ lực bỏ thuốc trong thời gian sớm nhất.
Về mặt pháp lý, tiến sĩ Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, cho rằng việc phòng, chống tác hại của thuốc lá là cuộc đấu tranh dai dẳng, trường kỳ giữa lợi ích sức khỏe với các công ty đa quốc gia, công ty sản xuất thuốc lá.
Tại Việt Nam, thị phần thuốc lá truyền thống đang suy giảm do những chính sách quyết liệt phòng chống tác hại thuốc lá. Tuy nhiên, việc xuất hiện các loại thuốc lá thế hệ mới lại tiếp tục một cuộc vận động dai dẳng.