Mối nguy từ suy giảm đa dạng sinh học

Những gì đang xảy ra trên hành tinh ngày nay cho thấy, chúng ta đang phá hủy chính hệ thống sống nuôi dưỡng mình với tốc độ chưa từng có.

Cần bảo vệ sự đa dạng sinh học để bảo vệ môi trường và sự sống của muôn loài.

Cần bảo vệ sự đa dạng sinh học để bảo vệ môi trường và sự sống của muôn loài.

Những tác động từ con người

Một báo cáo tổng hợp từ hơn 2.000 nghiên cứu khoa học trên toàn cầu, do Viện Khoa học và Công nghệ Thủy sinh Thụy Sĩ (Eawag) và Đại học Zurich thực hiện, đã đưa ra kết luận: Con người là nguyên nhân chính khiến đa dạng sinh học suy giảm trên toàn cầu, ảnh hưởng đến mọi loài, mọi hệ sinh thái, từ rừng rậm đến đại dương, từ vi sinh vật đến thú có vú. Giáo sư Florian Altermatt - Chuyên gia sinh thái học thủy sinh và trưởng nhóm nghiên cứu nhận định: “Đây là một trong những phân tích toàn diện nhất từng được thực hiện về tác động của con người đối với sự sống trên hành tinh”.

Áp lực mà con người tạo ra đang làm thay đổi đáng kể cấu trúc quần thể sinh vật, khiến số lượng loài tại các khu vực bị ảnh hưởng thấp hơn gần 20% so với các vùng nguyên sinh. Các loài bò sát, lưỡng cư và động vật có vú vốn có quần thể nhỏ, đang suy giảm nghiêm trọng và dễ tuyệt chủng hơn so với côn trùng. Báo cáo chỉ ra 5 nguyên nhân chính dẫn đến sự suy giảm này, đó là: Thay đổi môi trường sống, khai thác tài nguyên quá mức, biến đổi khí hậu, sự xâm lấn của các loài ngoại lai và ô nhiễm môi trường. Trong đó, hoạt động nông nghiệp thâm canh như sử dụng quá mức thuốc trừ sâu và phân bón là một trong những nguyên nhân tác động mạnh nhất, không chỉ làm giảm số lượng loài mà còn phá vỡ sự cân bằng sinh học tại địa phương.

Nhiều hệ lụy

Không chỉ gây tổn hại trực tiếp, biến đổi khí hậu đang trở thành chất xúc tác nguy hiểm, làm trầm trọng thêm khủng hoảng. Tình trạng ấm lên toàn cầu đang buộc nhiều loài động thực vật phải dần rút lui lên những vùng cao hơn hoặc di chuyển xa hơn về phía hai cực để tìm kiếm điều kiện sống thích hợp. Hiện tượng này được gọi là “thang máy dẫn tới sự tuyệt chủng” – một hình ảnh ẩn dụ cho thấy khi các loài, đặc biệt là những sinh vật sống ở vùng núi cao hoặc môi trường đặc thù, đã đi đến giới hạn cuối cùng về độ cao hoặc khí hậu, chúng không còn bất kỳ “tầng” sinh thái nào để tiếp tục tồn tại. Một khi hành trình sinh tồn chỉ có chiều đi lên mà không có lối thoát, kết cục tất yếu sẽ là sự tuyệt chủng, giống như bước vào một chiếc thang máy không có điểm dừng an toàn. Dưới biển, nhiệt độ tăng đột biến đã khiến 14% rạn san hô toàn cầu biến mất trong chưa đầy một thập kỷ, và nếu xu hướng này tiếp diễn, phần lớn các rạn san hô còn lại cũng sẽ không thể tồn tại.

Hệ quả không chỉ dừng lại ở sinh vật. Suy giảm đa dạng sinh học tác động trực tiếp đến sức khỏe con người. Y học hiện đại đã và đang phụ thuộc sâu sắc vào các hợp chất có nguồn gốc tự nhiên. Từ as-pirin chiết xuất từ vỏ cây liễu, digoxin từ hoa mao địa hoàng, cho đến các kháng sinh như penicillin, erythromycin hay thuốc điều trị ung thư như paclitaxel và doxorubicin, tất cả đều bắt nguồn từ thiên nhiên. Tuy nhiên, chỉ khoảng 10% số loài sinh vật được nghiên cứu cho mục đích y học, và chỉ 1% trong số hàng triệu loài vi sinh vật được biết đến. Nếu mất đi nguồn nguyên liệu quý giá này, nhân loại có thể mất đi chìa khóa để điều trị hàng loạt bệnh nan y trong tương lai.

Không khí sạch, nước sạch và lương thực là ba yếu tố thiết yếu cho sự sống, cũng đang bị đe dọa nghiêm trọng.

Những cảnh báo ấy càng trở nên cấp thiết hơn khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới đây vừa công bố một báo cáo nhấn mạnh rằng mất đa dạng sinh học không chỉ là một cuộc khủng hoảng về môi trường, mà còn là một cuộc khủng hoảng về sức khỏe toàn cầu. Theo WHO, các hệ sinh thái tự nhiên đang suy yếu nhanh chóng khiến thế giới đối mặt với sự gia tăng các rủi ro y tế, bao gồm suy dinh dưỡng, bệnh truyền nhiễm và các ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu. Khoảng 1 triệu loài sinh vật hiện đang bị đe dọa tuyệt chủng, và sự biến mất của chúng đồng nghĩa với việc mất đi các dịch vụ sinh thái thiết yếu như cung cấp thực phẩm, dược liệu và khả năng điều tiết khí hậu. Báo cáo cũng cảnh báo rằng sự suy giảm đa dạng sinh học có thể dẫn đến sự sụp đổ từng phần hoặc toàn diện của các hệ thống hỗ trợ sự sống, gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe con người.

Mất mát đa dạng sinh học không chỉ đẩy con người đến sát bờ vực khủng hoảng y tế, nó còn đe dọa đến các mục tiêu phát triển bền vững mà Liên hợp quốc đặt ra. 8 trong số 17 mục tiêu, từ xóa đói giảm nghèo, bảo vệ sức khỏe, bảo tồn nước sạch, đến hành động vì khí hậu, đang bị cản trở bởi tốc độ tuyệt chủng gia tăng.

Chìa khóa chống biến đổi khí hậu

Nhận thức được mối liên hệ chặt chẽ giữa khí hậu và đa dạng sinh học, cộng đồng quốc tế đã có bước tiến chính sách quan trọng, hơn 190 quốc gia đã thống nhất thông qua Khung đa dạng sinh học toàn cầu Kunming–Montreal, kế thừa Mục tiêu Aichi và đặt ra cam kết cụ thể cho thập kỷ hành động mới. Giám đốc Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), bà Inger Andersen, nhấn mạnh: “Thực hiện hiệu quả khung Kunming–Montreal sẽ đóng góp cho Chương trình Nghị sự Khí hậu, trong khi hiện thực hóa đầy đủ Hiệp định Paris là điều kiện để khung này thành công. Chúng ta không thể giải quyết từng khủng hoảng trong cô lập”.

Bên cạnh đó, một cơ chế tài chính toàn cầu mang tên Quỹ Cali đã được khởi động tại COP16 ở Co-lombia, với mục tiêu huy động 200 tỷ USD mỗi năm đến năm 2030 nhằm thu hẹp khoảng cách tài chính cho các nỗ lực bảo tồn. Quỹ này sẽ nhận đóng góp từ khu vực tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp sử dụng dữ liệu di truyền trong hoạt động thương mại. Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres cho biết: “Những ai đang kiếm lợi từ thiên nhiên không thể coi đó là tài nguyên vô tận miễn phí. Họ phải có trách nhiệm với việc phục hồi và bảo vệ nó”.

Dù không thể cứu vãn những loài đã tuyệt chủng, nhân loại vẫn còn cơ hội để bảo vệ phần còn lại của sự sống. Nhưng cánh cửa ấy sẽ không mở mãi. Sự lựa chọn không còn là giữa phát triển hay bảo tồn mà là giữa hành động hoặc tự diệt vong. Bởi nếu đánh mất đa dạng sinh học, con người sẽ mất luôn nền tảng của y học, thực phẩm, sinh kế và khí hậu, tất cả những gì cần thiết để tồn tại.

Hồng Nhung

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/moi-nguy-tu-suy-giam-da-dang-sinh-hoc-10303088.html