Mối quan hệ đặc biệt Nga - Triều Tiên

Quan hệ với Nga - Triều Tiên không phải lúc nào cũng nồng ấm như thời kỳ Liên Xô, nhưng giờ đây hai bên đều nhận thấy giá trị ngày càng tăng trong mối quan hệ.

Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ tới Bình Nhưỡng để gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong 2 ngày 18 - 19/6. Chuyến thăm đánh dấu lời đáp lại của ông Putin sau khi ông Kim Jong-un tới vùng Viễn Đông của Nga vào tháng 9/2023. Đồng thời, đây cũng sẽ đánh dấu chuyến thăm đầu tiên của ông Putin tới Triều Tiên sau 24 năm, kể từ tháng 7/2000.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong cuộc gặp tại trung tâm vũ trụ Vostochny ở vùng viễn đông Amur, Nga, ngày 13/9/2023. (Ảnh: KCNA)

Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong cuộc gặp tại trung tâm vũ trụ Vostochny ở vùng viễn đông Amur, Nga, ngày 13/9/2023. (Ảnh: KCNA)

Lịch sử quan hệ Nga - Triều Tiên

Khi phương Tây ngày càng cô lập Nga vì cuộc xung đột ở Ukraine, các nhà phân tích cho rằng Moskva đã nhận thấy tầm quan trọng ngày càng tăng trong mối quan hệ với Triều Tiên. Về phần Triều Tiên, quan hệ với Nga không phải lúc nào cũng nồng ấm như thời kỳ đỉnh cao của Liên Xô, nhưng giờ đây nước này đang thu được những lợi ích rõ ràng từ nhu cầu kết bạn của Moskva.

Đảng Cộng sản Triều Tiên - tiền thân của Đảng Lao động Triều Tiên ngày nay, được hình thành vào những ngày đầu của Chiến tranh Lạnh với sự hậu thuẫn của Liên Xô.

Triều Tiên với sự viện trợ rộng rãi từ Trung Quốc và Liên Xô, đối đầu với Hàn Quốc ở miền Nam và các đồng minh của Mỹ, dẫn đến Chiến tranh Triều Tiên 1950 - 1953 đầy bế tắc.

Triều Tiên phụ thuộc rất nhiều vào viện trợ của Liên Xô trong nhiều thập kỷ và sự sụp đổ của Liên Xô vào những năm 1990 là một trong những nguyên nhân gây ra nạn đói ở vùng phía Bắc bán đảo.

Các nhà lãnh đạo Bình Nhưỡng thường cố gắng duy trì mối quan hệ tốt đẹp và cân bằng giữa Bắc Kinh và Moskva. Ông Kim Jong-un, người lên nắm quyền vào năm 2011, ban đầu có mối quan hệ tương đối lạnh nhạt với Nga và Trung Quốc, khi cả hai quốc gia này đều cùng với Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt nghiêm khắc đối với Triều Tiên vì các vụ thử hạt nhân của nước này.

Triều Tiên chịu nhiều biện pháp trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc từ năm 2006 vì chương trình hạt nhân.

Tuy nhiên, Nga cùng Trung Quốc sau đó luôn phản đối các biện pháp trừng phạt mở rộng đối với Triều Tiên, ngăn chặn nỗ lực do Mỹ dẫn đầu và công khai chia rẽ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về vấn đề này. Từ năm 2019, Moskva và Bắc Kinh cố gắng thuyết phục Hội đồng Bảo an nới lỏng trừng phạt Triều Tiên.

Vào tháng 3/2024, Nga dùng quyền phủ quyết của mình tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để ngăn việc gia hạn hoạt động giám sát các lệnh trừng phạt quốc tế đối với Triều Tiên về các chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của nước này.

Mối quan hệ ngày càng nồng ấm

Sau vụ thử hạt nhân gần đây nhất của Triều Tiên vào năm 2017, nhà lãnh đạo Kim Jong-un thực hiện các bước để hàn gắn mối quan hệ với Moskva, trong đó có cuộc gặp Tổng thống Putin lần đầu tiên vào năm 2019 tại thành phố Vladivostok của Nga.

Vào tháng 9/2023, ông Putin đã chào đón ông Kim tới trung tâm vũ trụ Vostochny ở vùng viễn đông của Nga và hứa sẽ giúp Triều Tiên chế tạo vệ tinh, cùng các cam kết hợp tác và hỗ trợ khác.

Trước đó vào tháng 7 cùng năm, để nhấn mạnh mối quan hệ ngày càng sâu sắc, Bộ trưởng Quốc phòng Nga khi đó là ông Sergei Shoigu đã đến thăm Bình Nhưỡng và tham quan một cuộc triển lãm vũ khí bao gồm các tên lửa đạn đạo bị cấm của Triều Tiên. Ông Shoigu cũng được nhìn thấy đứng cạnh ông Kim và chào những tên lửa đó khi chúng di chuyển trong một cuộc duyệt binh.

Kể từ khi ông Kim và ông Putin gặp nhau vào năm ngoái, đã có nhiều phái đoàn ổn định giữa hai nước về mọi lĩnh vực, từ lâm nghiệp, nông nghiệp đến văn hóa.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu tham quan phòng trưng bày vũ khí trong chuyến thăm Bình Nhưỡng hồi tháng 7/2023. (Ảnh: KCNA)

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu tham quan phòng trưng bày vũ khí trong chuyến thăm Bình Nhưỡng hồi tháng 7/2023. (Ảnh: KCNA)

Giữa xung đột ở Ukraine

Sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2/2022, Triều Tiên là một trong những quốc gia hiếm hoi ủng hộ và công nhận việc Nga sáp nhập các khu vực của Ukraine.

Hãng thông tấn KCNA trích tuyên bố của Ngoại trưởng Triều Tiên Jo Chol-su ngày 4/10/2022 khẳng định, các cuộc trưng cầu dân ý sáp nhập vào Nga của 4 vùng lãnh thổ Ukraine là "hợp pháp""tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc về nguyên tắc bình đẳng giữa các dân tộc", nhấn mạnh "đa số cử tri ủng hộ việc sáp nhập với Nga".

Trong khi đó, Mỹ và các nước khác cáo buộc Triều Tiên chuyển vũ khí cho Nga để sử dụng chống lại Ukraine.

Các mảnh vỡ của tên lửa rơi xuống thành phố Kharkov của Ukraine hôm 2/1 là từ tên lửa đạn đạo dòng Hwasong-11 của Triều Tiên phóng từ lãnh thổ Nga, các giám sát viên trừng phạt của Liên hợp quốc cho biết trong báo cáo với ủy ban Hội đồng Bảo an, theo Reuters.

Cả Moskva và Bình Nhưỡng đều phủ nhận cáo buộc nhưng cam kết sẽ tăng cường quan hệ quân sự.

Ông Shoigu nói với truyền thông Nga năm ngoái rằng Moskva đang thảo luận về việc tổ chức các cuộc tập trận chung với Triều Tiên.

"Tại sao không, đây là những người hàng xóm của chúng ta. Người xưa nói đừng nên chọn hàng xóm mà hãy sống hòa hợp và thân thiện với họ", hãng tin Interfax dẫn lời ông Shoigu.

Mối quan hệ kinh tế

Vào năm 2022, Nga và Triều Tiên đã khởi động lại hoạt động đi lại bằng tàu hỏa lần đầu tiên kể từ khi các tuyến đường sắt bị gián đoạn do đại dịch COVID-19, với một đoàn tàu chở một hàng hóa sang trọng khác thường, được cơ quan Thủ ý Nga sau đó thông báo là đoàn tàu chở ngựa.

Dữ liệu của Liên hợp quốc cho thấy ngay sau đó, Nga đã nối lại xuất khẩu dầu sang Triều Tiên. Đây là chuyến hàng đầu tiên như vậy được báo cáo kể từ năm 2020.

Các chuyên gia cho biết phần lớn thương mại của Triều Tiên đi qua Trung Quốc, nhưng Nga cũng là một đối tác quan trọng tiềm năng, đặc biệt là về dầu mỏ.

Moskva phủ nhận việc vi phạm lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc về xuất khẩu dầu sang Bình Nhưỡng, nhưng các tàu chở dầu của Nga bị cáo buộc giúp trốn tránh giới hạn xuất khẩu dầu sang Triều Tiên.

Các quan chức Nga đã thảo luận công khai về việc "tiến hành các thỏa thuận chính trị" để tuyển dụng từ 20.000 - 50.000 lao động Triều Tiên, bất chấp các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cấm những thỏa thuận như vậy.

Các quan chức và lãnh đạo Nga tại các khu vực bị kiểm soát của Ukraine cũng đã thảo luận về khả năng nhờ công nhân Triều Tiên giúp xây dựng lại các khu vực bị chiến tranh tàn phá.

Hoa Vũ (Nguồn: Reuters)

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/moi-quan-he-dac-biet-nga-trieu-tien-ar877087.html