'Mối quan hệ đoàn kết hữu nghị Campuchia - Lào - Việt Nam là di sản vô giá'

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề xuất Quốc hội ba nước tiếp tục cùng nhau gìn giữ, vun đắp, gia tăng giá trị chiến lược của tình hữu nghị truyền thống.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Quốc hội.

Phát biểu tại Lễ khai mạc Hội nghị cấp cao Quốc hội ba nước Campuchia - Lào - Việt Nam (CLV) lần thứ nhất, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận định, mối quan hệ đoàn kết hữu nghị, gắn bó và tin cậy chính trị giữa ba nước Campuchia - Lào - Việt Nam là di sản vô giá đối với cả ba dân tộc, có ý nghĩa chiến lược lâu dài trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển của ba nước.

Việt Nam luôn coi trọng và dành ưu tiên cao độ, coi đây là nhiệm vụ chiến lược và ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Việc thành lập cơ chế Hội nghị cấp cao ba nước CLV là mốc son quan trọng trong lịch sử hợp tác giữa ba Quốc hội, đánh dấu sự nâng tầm hợp tác giữa ba cơ quan lập pháp lên cấp cao nhất, là bước hiện thực hóa kết quả đạt được tại cuộc gặp cấp cao của người đứng đầu ba Đảng CLV tháng 9/2021.

Quốc hội Việt Nam đánh giá cao và hoàn toàn nhất trí với chủ đề Hội nghị “Tăng cường vai trò của nghị viện trong việc thúc đẩy hợp tác toàn diện giữa Campuchia, Lào và Việt Nam” và ba chủ đề thảo luận trong các lĩnh vực đối ngoại, kinh tế-văn hóa-xã hội, quốc phòng và an ninh.

Theo Chủ tịch Quốc hội, thế giới trải qua đại dịch Covid-19 với nhiều tổn thất, gây ra nhiều hệ lụy, khó khăn cho mọi quốc gia. “Tuy vậy, chúng ta vẫn lạc quan và hi vọng về tương lai. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là khát vọng cháy bỏng, vẫn là dòng chảy và xu thế lớn của thời đại. Các xu hướng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đổi mới sáng tạo đang ngày càng được thúc đẩy mạnh mẽ và lan tỏa sâu rộng, tạo cơ hội hiếm có cho những nước đi sau như Việt Nam, Campuchia và Lào có thể bắt kịp, tiến cùng các nước và có thể vượt lên trên một số lĩnh vực nếu biết tận dụng thời cơ”, ông nhấn mạnh.

Về chính trị - đối ngoại, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề xuất Quốc hội ba nước tiếp tục cùng nhau gìn giữ, vun đắp, gia tăng giá trị chiến lược của tình hữu nghị truyền thống. Quốc hội ba nước cùng phát huy trí tuệ tập thể, tăng cường chia sẻ thông tin, tham vấn giữa các cơ quan chuyên môn trong hoàn thiện thể chế, ban hành chính sách pháp luật hỗ trợ các Chính phủ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng.

Quốc hội ba nước tăng cường phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, nhất là tại Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU), Diễn đàn Nghị viện châu Á – Thái Bình Dương (APPF), Hội đồng Liên Nghị viện ASEAN (AIPA). Hợp tác quốc hội CLV góp phần xây dựng Cộng đồng ASEAN, tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực và thúc đẩy hợp tác Tiểu vùng Mê Công.

Về kinh tế, thương mại, đầu tư, Chủ tịch Quốc hội cho rằng Quốc hội ba nước cần tiếp tục giám sát việc triển khai hiệu quả các hiệp định, thỏa thuận hợp tác đã ký, đàm phán để ký một số văn kiện mới nhằm tạo đột phá trong hợp tác về kinh tế, tăng cường bổ trợ, kết nối giữa ba nền kinh tế CLV cả về quy hoạch, thể chế, cơ sở hạ tầng và kinh tế số.

Ba cơ quan lập pháp nghiên cứu tiếp tục thông qua các cơ chế, chính sách đặc thù cho khu vực Tam giác phát triển CLV để khuyến khích thương mại - đầu tư, trong đó chú trọng thương mại biên giới và phát triển kinh tế cửa khẩu trên đất liền giữa ba nước, xây dựng hạ tầng cơ sở, đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của người dân.

Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam dự Hội nghị. Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Quốc hội

Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam dự Hội nghị. Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Quốc hội

Về văn hóa - xã hội, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Quốc hội ba nước phối hợp, giám sát việc triển khai Kế hoạch phát triển du lịch khu vực Tam giác phát triển CLV giai đoạn 2020-2025 và tầm nhìn 2030, tạo điều kiện thuận lợi đi lại qua biên giới cho du khách, liên kết phát triển hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật để khu vực ngã ba biên giới thực sự trở thành điểm du lịch chung 3 nước, xúc tiến mô hình du lịch “3 quốc gia - 1 điểm đến”.

Các Quốc hội tăng cường giám sát, thúc đẩy hợp tác y tế, giáo dục-đào tạo, giao lưu văn hóa giữa nhân dân dọc các tỉnh biên giới nói riêng và ba nước nói chung, góp phần tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ ba nước về quan hệ hữu nghị Campuchia-Lào-Việt Nam. Đặc biệt, các Quốc hội chú trọng đề nghị các Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người gốc Việt, Campuchia, Lào sinh sống, học tập, làm việc tại mỗi nước phù hợp với luật pháp sở tại và các quy định dựa trên nguyên tắc tôn trọng luật pháp quốc tế, góp phần vào sự phát triển của mỗi nước.

Về môi trường và biến đổi khí hậu, Chủ tịch Quốc hội cho rằng ba Quốc hội cần tăng cường phối hợp, trao đổi về thông qua các luật liên quan đến môi trường, tài nguyên nước, cũng như tăng cường hợp tác với các nước, các đối tác và tổ chức quốc tế có liên quan trong những lĩnh vực này. Chú trọng vấn đề quản lý và sử dụng bền vững, hiệu quả nguồn nước sông Mê Công vì lợi ích chung và mỗi quốc gia ven sông... Quốc hội ba nước khuyến khích các Chính phủ và các bên liên quan thúc đẩy thực hiện các mục tiêu, cam kết phát triển bền vững toàn cầu, chống biến đổi khí hậu.

Về quốc phòng, an ninh, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Quốc hội ba nước tiếp tục củng cố trụ cột về hợp tác quốc phòng, an ninh, ủng hộ lẫn nhau để bảo đảm giữ vững ổn định, trật tự, an ninh ở mỗi nước, thống nhất không để cho bất kỳ lực lượng nào sử dụng lãnh thổ nước này chống nước kia. Cơ quan lập pháp ba nước tạo điều kiện thúc đẩy, giải quyết các vấn đề tồn đọng để sớm hoàn thành công tác phân giới cắm mốc trên đất liền giữa Việt Nam - Campuchia và giữa Campuchia - Lào để xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, vì lợi ích chung của nhân dân ba nước.

Đinh Nhung

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/moi-quan-he-doan-ket-huu-nghi-campuchia-lao-viet-nam-la-di-san-vo-gia-post29815.html