Mối quan hệ giữa nợ và thâm hụt ngân sách của Mỹ

Trong một môi trường chi tiêu thâm hụt ngân sách, một trong những công cụ quan trọng nhất là khung bền vững của thâm hụt ngân sách cơ bản (primary deficit sustainability - PDS).

Một câu hỏi thiết yếu khác phải được đặt ra: Các mức nợ có bền vững không? Điều này lại dẫn đến các câu hỏi khác nữa: Làm sao các nhà hoạch định chính sách biết được rằng, liệu họ có đang thúc đẩy tỉ lệ nợ/GDP theo hướng mong muốn hay không? FED có vai trò gì trong việc duy trì thâm hụt ngân sách bền vững và nợ chấp nhận được?

Mối quan hệ giữa chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang với nợ và thâm hụt ngân sách của quốc gia tiềm ẩn rất nhiều rủi ro nghiêm trọng đối với hợp đồng nợ dưới dạng tiền. Ở mức sơ khai nhất, FED thực sự có thể kiếm tiền từ bất kỳ khoản nợ nào mà Kho bạc phát hành, cho đến khi niềm tin vào đồng đô-la sụp đổ. Vấn đề chính sách là một trong những quy tắc hoặc những hạn chế tiềm ẩn đối với khả năng in tiền của FED. Vậy nguyên tắc chỉ đạo cho chính sách tiền tệ tùy ý là gì?

Trong lịch sử, bản vị vàng là một cách để hạn chế quyền tự quyết, nó xuất hiện khi chính sách tiền tệ đi chệch đường ray. Theo bản vị vàng cổ điển, dòng vàng ra đến các đối tác thương mại cho thấy chính sách tiền tệ quá lỏng và cần phải thắt chặt.

Việc thắt chặt sẽ gây ra suy thoái, chi phí đơn vị lao động thấp hơn, cải thiện khả năng cạnh tranh xuất khẩu, và một lần nữa khởi động dòng vào của vàng dưới dạng vật chất. Đây là quá trình tự điều chỉnh có cơ chế như một bộ chỉnh nhiệt tự động. Bản vị vàng cổ điển có những vấn đề riêng, nhưng nó vẫn tốt hơn hệ thống tốt nhì.

 Nợ công nước Mỹ là vấn đề được công khai. Ảnh: BBC.

Nợ công nước Mỹ là vấn đề được công khai. Ảnh: BBC.

Trong những thập kỷ gần đây, Quy tắc Taylor (Taylor Rule) - được đặt tên theo người tạo ra nó, nhà kinh tế học John B. Taylor - là cẩm nang hướng dẫn thực tế cho chính sách tiền tệ của FED. Nó sử dụng các hàm đệ quy để dữ liệu từ các sự kiện gần thời điểm tính toán có thể đưa ra thông tin cho quyết định chính sách tiếp theo, tạo ra điều mà các nhà khoa học mạng gọi là kết quả phụ thuộc vào quá trình (path-dependent outcome).

Quy tắc Taylor là một công cụ trong đợt rà soát trên diện rộng đối với bản vị đô-la vững mạnh được tạo ra bởi Paul Volcker và Ronald Reagan vào đầu những năm 1980. Từ cuối những năm 1980 sang những năm 1990, các Bộ trưởng Ngân khố Mỹ là James Baker và Robert Rubin của chính quyền Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ đều triển khai chính sách đô-la vững mạnh.

Nếu đồng đô-la không tốt bằng vàng thì ít nhất nó vẫn duy trì sức mua được đo lường theo chỉ số giá, và ít nhất nó cũng đóng vai trò như một mỏ neo cho các quốc gia khác đang tìm kiếm một điểm tham chiếu tiền tệ.

Giờ đây, mọi điểm tham chiếu đã biến mất. Không có bản vị vàng, không có bản vị đô-la, và không có Quy tắc Taylor. Tất cả những gì còn lại là cái mà cây bút tài chính James Grant gọi là Bản vị Tiến sĩ (Ph.D. Standard): Việc triển khai chính sách được chủ trì bởi những học giả theo trường phái tân Keynes, và tân tiền tệ có bằng Tiến sĩ từ một vài trường ưu tú.

Người ta có thể tìm thấy vô số cuộc tranh cãi dưới nhiều hình thức khác nhau về các quy tắc mà các học giả hoạch định chính sách sử dụng để xác định thâm hụt ngân sách bền vững, giữa giới chuyên gia kinh tế học ưu tú, trong dư luận, các bài diễn văn, báo chí và dư luận. Trong một môi trường chi tiêu thâm hụt ngân sách, một trong những công cụ quan trọng nhất là khung bền vững của thâm hụt ngân sách cơ bản (primary deficit sustainability - PDS).

Khung phân tích này có thể được thể hiện dưới dạng một phương trình hay một đồng nhất thức. Nó sẽ đo lường xem nợ và thâm hụt ngân sách quốc gia có bền vững không, hoặc ngược lại khi xu hướng vận động của thâm hụt ngân sách có thể gây mất lòng tin và đẩy chi phí đi vay tăng lên nhanh chóng. PDS là một cách để xác định liệu Mỹ có đang đi theo vết xe đổ của Hy Lạp hay không.

Khung này đã được sử dụng trong nhiều thập kỷ, nhưng cách thức sử dụng nó đã được nhà kinh tế học John Makin, một trong những bộ óc phân tích sắc sảo nhất về chính sách tiền tệ, tinh chỉnh cho phù hợp với bối cảnh hiện nay. Năm 2012, sử dụng khung PDS làm chỉ dẫn, Makin đã “đánh vật” với mối quan hệ giữa nợ và thâm hụt ngân sách của Mỹ với tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Các hệ số chính trong PDS là: chi phí đi vay (borrowing costs - B), sản lượng thực (real output - R), lạm phát (inflation - I), thuế (taxes - T) và chi tiêu (spending - S), kết hợp lại thành BRITS.

Sản lượng thực cộng với lạm phát (R + I) bằng tổng giá trị của hàng hóa và dịch vụ được sản xuất trong nền kinh tế Mỹ, còn được gọi là tổng sản phẩm quốc nội danh nghĩa (nominal gross domestic product - NGDP).

Thuế trừ đi chi tiêu (T - S) là thâm hụt ngân sách cơ bản (primary deficit). Thâm hụt ngân sách là khoản tiền chênh lệch khi chi tiêu của một quốc gia cao hơn tiền thuế mà họ thu vào. Khi tính toán thâm hụt ngân sách cơ bản, chi tiêu không bao gồm tiền lãi tính trên nợ quốc gia. Không phải là vì chi phí lãi vay không quan trọng. Nó rất quan trọng là đằng khác.

Trên thực tế, toàn bộ mục đích của khung PDS là để làm sáng tỏ việc trong mức độ nào thì Mỹ có đủ khả năng để trả lãi và cuối cùng là trả nợ. Tiền lãi được loại trừ khỏi quá trình tính toán thâm hụt ngân sách cơ bản để xác định xem những hệ số khác có kết hợp với nhau theo một cách mà tiền lãi phải trả nằm trong tầm kiểm soát hay không. Tiền lãi của nợ Chính phủ đã bao gồm trong hệ số B, chi phí đi vay của công thức.

Nói đơn giản, thâm hụt ngân sách ở Mỹ bền vững nếu sản lượng kinh tế trừ đi chi phí lãi vay lớn hơn thâm hụt ngân sách cơ bản. Điều này có nghĩa là nền kinh tế Mỹ đang trả lãi vay và tạo ra được một khoản “tăng thêm” để trả nợ. Nhưng nếu sản lượng kinh tế trừ đi chi phí lãi vay bé hơn thâm hụt ngân sách cơ bản thì qua thời gian, thâm hụt ngân sách sẽ bao trùm nền kinh tế, và Mỹ sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nợ, thậm chí là một cuộc sụp đổ tài chính.

Ở một mức độ nào đó, vấn đề không phải là nợ và mức thâm hụt ngân sách, mà là xu hướng của nó dưới dạng tỉ lệ phần trăm của GDP. Nếu các mức thâm hụt đang có xu hướng giảm, tình hình đang nằm trong tầm kiểm soát, và thị trường nợ sẽ cung cấp thời gian để duy trì xu hướng đó. Để đạt được tình trạng bền vững không có nghĩa là thâm hụt ngân sách phải biến mất hoàn toàn; trên thực tế, thâm hụt ngân sách có thể tăng lên. Điều quan trọng là tổng nợ tính theo tỉ lệ phần trăm của GDP phải nhỏ hơn, bởi vì GDP danh nghĩa tăng nhanh hơn so với thâm hụt ngân sách cộng lãi vay.

James Rickards/Bách Việt Books & NXB Dân Trí

Nguồn Znews: https://znews.vn/moi-quan-he-giua-no-va-tham-hut-ngan-sach-cua-my-post1542055.html