Mối quan hệ giữa thuyết minh tự nguyện trên báo cáo thường niên và hiệu quả tài chính của doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam giai đoạn 2017-2019

TRẦN THỊ VINH - TRẦN NHẬT LONG - NGUYỄN THỊ HỒNG THI (Khoa Kế toán - Kiểm toán, Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Bài viết nghiên cứu mối quan hệ giữa thuyết minh tự nguyện trên báo cáo thường niên và hiệu quả tài chính (HQTC) của 274 doanh nghiệp niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) tại Việt Nam. Nghiên cứu thực hiện đo việc tự nguyện thuyết minh thông qua bốn nhóm: thông tin chiến lược, thông tin định hướng tương lai, thông tin môi trường và thông tin hội đồng quản trị; và sử dụng các chỉ số ROA, ROE, TobinQ để thể hiện HQTC của doanh nghiệp. Ước lượng hồi quy Newey-West được sử dụng và kết quả cho thấy tổng thể thuyết minh tự nguyện và HQTC TobinQ có mối tương đồng biến với nhau. Còn ROA và ROE, nghiên cứu không tìm thấy mối tương quan có ý nghĩa thống kê với thuyết minh tự nguyện.

Từ khóa: báo cáo thường niên, thuyết minh tự nguyện, hiệu quả tài chính.

1. Đặt vấn đề

Việc các nhà quản trị thuyết minh tự nguyện trên các báo cáo công khai ra thị trường nhằm mục đích thu hút vốn đầu tư, tăng hiệu quả cho doanh nghiệp. Theo Mutiva và cộng sự (2015) đã chứng minh được mối quan hệ đồng biến giữa thuyết minh tự nguyện và HQTC được đo bằng ROI trên sàn Nairobi. Một số nghiên cứu khác trước đó cũng đã tìm thấy việc thuyết minh tự nguyện có ảnh hưởng tích cực đến HQTC (Bayoud và cộng sự, 2012; Siueia và cộng sự, 2019). Không những thế, mối quan hệ này còn được Rezaeea và Tuo (2017) kiểm tra theo chiều ảnh hưởng ngược lại và cho ra kết quả một mối tương quan đồng biến hai chiều giữa thông tin phi tài chính và hiệu quả bền vững của doanh nghiệp ở Hoa Kỳ. Tuy vậy, mỗi loại thông tin tự nguyện khác nhau sẽ ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực đến HQTC cũng khác nhau.

Ở Việt Nam các nghiên cứu về thuyết minh tự nguyện trên báo cáo thường niên và HQTC chưa được đề cập nhiều. Một bài nghiên cứu gần đây được kiểm tra trên sàn HOSE về ảnh hưởng của mức độ minh bạch và công bố thông tin đến HQTC của Lê Xuân Thái và Trương Đông Lộc (2019) đã cung cấp thêm bằng chứng về mối tương quan thuận chiều giữa chúng. Do đó, mục đích chính của nghiên cứu này là kiểm tra về mối quan hệ hai chiều giữa thuyết minh tự nguyện trên báo cáo thường niên và HQTC của các doanh nghiệp niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX).

2. Phương pháp nghiên cứu 2.1. Giả thuyết nghiên cứu

Thông tin chiến lược của công ty và HQTC: Theo Chahine và Filatotchev (2008) cung cấp rằng các doanh nghiệp tự nguyện thuyết minh thông tin chiến lược về tiếp thị, R&D và công nghệ có thể khiến nhà đầu tư hiểu lầm rằng thông tin đó phổ biến, không phải độc quyền ưu thế của doanh nghiệp và dẫn đến giảm giá trị của doanh nghiệp. Tuy nhiên, Nawawi và Salin (2014) cho rằng, thuyết minh thông tin về chiến lược giúp các bên liên quan có thêm thông tin về các thế mạnh, sự nỗ lực của doanh nghiệp trong chiến lược mở rộng hoạt động kinh doanh và việc đối mặt với các thách thức, từ đó ra quyết định thích hợp. Do đó, ở nghiên cứu này chúng tôi giả thuyết rằng thuyết minh tự nguyện thông tin chiến lược có mối quan hệ đống biến với HQTC của doanh nghiệp.

H1: Thông tin chiến lược có mối quan hệ đồng biến đối với HQTC.

Thông tin hướng tới tương lai và HQTC: Thông tin hướng đến tương lai là dự đoán những vấn đề về tình hình kinh doanh nhằm cung cấp cho các bên liên quan những thông tin hữu ích về triển vọng tương lai của công ty để đánh giá HQTC trong tương lai của công ty. Tiết lộ hướng tới tương lai đề cập đến các kế hoạch hiện tại và tương lai dự báo cho phép các nhà đầu tư và những người dùng khác đánh giá HQTC trong tương lai của công ty (Aljifri và Hussainey, 2007). Hiện nay có rất nhiều nghiên cứu quan tâm lợi ích của thông tin tương lai đến dự báo kết quả hoạt động của công ty. Clarkson (1999) cũng cung cấp bằng chứng cho thấy rằng những thay đổi trong mức độ thông tin tương lai đã thay đổi trực tiếp đến hiệu quả tương lai của công ty. Một số công ty tiết lộ dự báo tương lai thu nhập tự nguyện mà không có bất kỳ động cơ bắt buộc nào có thể nhằm thu hút các nhà đầu tư xây dựng ra quyết định sáng suốt (Celik, 2002; Wagenhofer, 1990; Akert và cộng sự 1998; Eaton và Stanga, 2000). Giả thuyết nghiên cứu tiếp theo được đề xuất như sau:

H2: Thông tin định hướng tương lai có mối quan hệ đồng biến đối với HQTC.

Thông tin môi trường và HQTC: Trong xã hội hiện đại ngày nay, phát triển bền vững là một xu thế phát triển tất yếu của các công ty, doanh nghiệp. Phát triển bền vững là sự phát triển kết hợp hai yếu tố chính đó là phát triển phải đáp ứng được nhu cầu của hiện tại mà không ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai. Vấn đề phát triển bền vững, phát triển kinh tế xanh đã được quan tâm ở các nước có nền kinh tế phát triển, nhưng ở các nước đang phát triển như Việt Nam thì vấn đề này còn nhiều bất cập liên quan đến Trách nhiệm xã hội (CSR) của các công ty, doanh nghiệp.

Từ đó, bài nghiên cứu mong đợi mối tương quan đồng biến giữa thông tin môi trường và HQTC doanh nghiệp với giả thuyết nghiên cứu sau:

H3: Thông tin môi trường có mối quan hệ đồng biến đối với HQTC.

Thông tin hội đồng quản trị và HQTC: Một trong những yếu tố quan trong trọng ảnh hưởng trực tiếp đến HQTC của doanh nghiệp đó là thành phần trong hội đồng ban quản trị. Có thể nói những nhà quản lý, quản trị là một trong những thành phần có công lao, nỗ lực và những đóng góp to lớn trong việc cải thiện hiệu suất trong công ty được tiết lộ một cách tự nguyện triệt để, điều này giúp giảm xung đột giữa họ và giám đốc công ty. Từ đó những nỗ lực của các nhà quản lý được ghi nhận và hướng tới việc tăng cường trách nhiệm xã hội của những doanh nghiệp, từ đó mang lại sự cân bằng và tăng hiệu quả trong năng suất. Giả thuyết tiếp theo như sau:

H4: Thông tin hội đồng quản trị có mối quan hệ đồng biến đối với HQTC.

Sau khi kiểm tra mối quan hệ từng mục thuyết minh tự nguyện, chúng tôi sẽ kiểm tra tiếp tổng thể việc thuyết minh tự nguyện đối với HQTC. Giả thuyết nghiên cứu tổng thể như sau:

GT5: Thuyết minh tự nguyện có mối quan hệ đồng biến đối với HQTC.

Không chỉ kiểm tra mối quan hệ này theo một chiều mà chúng tôi còn kiểm tra chiều còn lại để xét rõ hơn mối quan hệ giữa chúng.

GT7: ROA có mối tương quan đồng biến

với việc thuyết minh tự nguyện trên báo cáo thường niên.

GT8: ROE có mối tương quan đồng biến

với việc thuyết minh tự nguyện trên báo cáo thường niên.

GT9: TobinQ có mối tương quan đồng biến

với việc thuyết minh tự nguyện trên báo cáo thường niên.

2.2. Mô hình nghiên cứu

Theo Rezaee và Tuo (2017), thông tin định hướng tương lai được trình bày nhiều trong năm thì hiệu quả ESG tốt hơn trong năm tới và hiệu quả ESG trong năm tốt sẽ dẫn đến thuyết minh nhiều hơn về thông tin đã diễn ra trong năm. Do đó, chúng tôi đưa ra giả thuyết nghiên cứu cho mô hình sau:

Mô hình 1: Ảnh hưởng của thuyết minh tự nguyện đối với HQTC.

HQTCit = β0 + β1TMTNit-1 + β2SIZEit + β3SECTORit + β4AGEit + β5LEVit + β6GROWTHit + β7BIG4it + β8INDEPENDit + β9DUALITYit + eit

Trong đó:

- HQTCit: HQTC được đo dưới ba góc nhìn bao gồm ROA, ROE và TobinQ tại năm t

- ROA: tỷ số lợi nhuận trên tài sản được đo bằng lợi nhuận sau thuế chia cho tổng tài sản bình quân

- ROE: tỷ số lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu được tính bằng cách chia lợi nhuận sau thuế chia cho vốn chủ sở hữu bình quân bình quân

- TOBINQ: = (giá trị thị trường của vốn chủ sở hữu + giá trị thị trường của nợ)/(giá trị sổ sách của vốn chủ sở hữu + giá trị sổ sách của nợ phải trả).

- TMTNit-1: thuyết minh tự nguyện được đo dưới hai góc nhìn về mức độ (số lượng từ-VOL) và chất lượng (số lượng từ tích cực-POS) của các yếu tố tự nguyện. Trong mô hình 1, biến này được đo tại thời điểm năm t-1.

- VOL: mức độ của thuyết minh tự nguyện, được đo bằng tổng số lượng từ tương ứng cho từng nhóm tự nguyện.

- POS: chất lượng của các thuyết minh tự nguyện và được tính bằng cách đo tổng số lượng từ tích cực tương ứng cho từng nhóm tự nguyện. Chúng tôi sử dụng từ điển là công cụ trợ giúp để tìm hiểu về nghĩa của các từ tích cực.

- SIZEit: quy mô doanh nghiệp được đo bằng LOG(tổng tài sản).

- SECTORit: ngành nghề của doanh nghiệp (biến định danh).

- AGEit: tuổi tính từ năm doanh nghiệp được thành lập đến năm nghiên cứu

- LEVit: đòn bẩy tài chính = tỷ số nợ/tổng tài sản doanh nghiệp tại thời điểm cuối năm.

- GROWTHit: tăng trưởng doanh thu qua từng năm được đo bằng tỷ số giữa chênh lệch doanh thu năm nay so với năm trước trên số doanh thu năm trước.

- BIG4it: được kiểm toán bởi Big4 sẽ nhận giá trị 1, ngược lại nhận giá trị 0

- INDERPENDit: độc lập của hội đồng quản trị là phần trăm số thành viên độc lập trên tổng số thành viên hội đồng quản trị.

- DUALITYit: chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc

- ε: sai số

Mô hình 2: Ảnh hưởng của HQTC đến thuyết minh tự nguyện.

TMTNit = β0 + β1HQTCit-1 + β2SIZEit + β3SECTORit + β4AGEit + β5LEVit + β6GROWTHit + β7BIG4it + β8INDEPENDit + β9DUALITYit + εit

Trong đó:

- TMTNit: được đo như mô hình 1 và tại thời điểm năm t

- HQTCit-1: được đo như mô hình 1 tại thời điểm năm t

Các biến kiểm soát còn lại tương tự mô hình mô hình 1

2.3. Dữ liệu nghiên cứu

Nghiên cứu sử dụng dữ liệu thứ cấp và được thu thập từ trang web stockbiz.vn. Các dữ liệu này bao gồm các báo cáo thường niên và báo cáo tài chính của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn HNX trong giai đoạn từ năm 2016 đến 2019. Để đảm bảo cho dữ liệu không bị sai lệch và tính thống nhất, chúng tôi loại bỏ các doanh nghiệp thuộc về ngành tài chính (bao gồm ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản, dịch vụ tài chính và đầu tư chứng khoán, phi chứng khoán) ra khỏi nghiên cứu do tính chất đặc thù của ngành này. Mẫu cuối cùng của nghiên cứu bao gồm 274 doanh nghiệp với tổng số 1.096 quan sát.

3. Kết quả nghiên cứu

Kết quả kiểm định VIF và các khiếm khuyết của mô hình:

Sau khi đưa ra các mô hình riêng, kết quả kiểm tra VIF tất cả mô hình cho thấy giá trị trung bình của VIF giao động từ 1,15 đến 1,19 và các biến riêng lẻ trong từng mô hình có chỉ số VIF đều dưới 2. Điều này cho thấy các mô hình có ít khả năng xảy ra hiện tượng đa cộng tuyến nghiêm trọng.

Để lựa chọn mô hình phù hợp cho nghiên cứu, chúng tôi thực hiện các bài test sau để kiểm tra giữa ba mô hình: Pooled OLS, Fixed effect method (FEM) và Random effect method (REM). Tuy vậy, chúng tôi đã phát hiện ra sự xuất hiện của tình trạng phương sai thay đổi thông qua kiểm định Wald (đối với FEM) và kiểm định LM (đối với REM) và hiện tượng tự tương quan bậc nhất bằng kiểm định Wooldridge trong tất cả mô hình của nghiên cứu. Do đó, các khuyết tật mô hình này được khắc phục bởi phương pháp Newey-West. Kết quả này được trình bày trong Bảng sau:

Bảng. Kết quả hồi quy Newey-West (các kết quả có ý nghĩa)

Theo Bảng, mô hình 1.21, 1.23, 1.24, 1.25, 1.28 và 1.30 có giá trị p < 0.05, kết quả này cho thấy biến phụ thuộc và biến độc lập của sáu mô hình này có mối tương quan có ý nghĩa thống kê ở mức 95%. Các hệ số tương quan dương thể hiện mối tương quan đồng biến giữa VOL1, VOL3, VOL4, TOTALVOL, POS3, TOTALPOS và TOBINQ với biến phụ thuộc trong các mô hình. Kết quả mô hình 2.15 thể hiện mối tương quan đồng biến giữa TOBINQ và TOTALVOL và mối tương quan đó có ý nghĩa thống kê ở mức 95%. Tổng hợp, các giả thuyết H1, H3, H4, H5 và H8 được chấp nhận.

4. Kết luận

Kết quả nghiên cứu cho thấy thuyết minh tự nguyện và HQTC có mối tương quan đồng biến với nhau, nếu xét dưới góc nhìn của tổng thể thuyết minh và hiệu quả tài chính TobinQ. Nếu xét riêng lẻ từng nhóm yếu tố tự nguyện, chúng tôi nhận xét rằng khi doanh nghiệp thuyết minh về thông tin chiến lược và hội đồng quản trị, đặc biệt là về môi trường thì điều đó có thể nâng cao giá trị thị trường của doanh nghiệp, cụ thể ở nghiên cứu là giá trị đó được thể hiện ở chỉ số TobinQ. Đối với thông tin định hướng tương lai, nghiên cứu không tìm thấy mối tương quan có ý nghĩa nào với HQTC. Kết quả này trái ngược với Rezaee và Tuo (2017) khi cho rằng thông tin định hướng tương lai có mối quan hệ đồng biến với hiệu quả bền vững của doanh nghiệp.

Kết quả cho ra nhiều mối quan hệ không có ý nghĩa thống kê có thể là do các doanh nghiệp ở Việt Nam phải công bố các thông tin bắt buộc Thông tư số 155/2015/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành ngày 06/10/2015. Vì vậy, các doanh nghiệp có thể không quan tâm lắm đến các thông tin khác và những thông tin tự nguyện đó có thể mang lại hiệu quả và nâng cao giá trị của doanh nghiệp.

Kết quả trên còn cho thấy chỉ có TobinQ có mối quan hệ với thuyết minh tự nguyện và ngược lại. Còn ROA và ROE, mối quan hệ giữa chúng không có ý nghĩa về mặt thống kê. Do đó, chúng tôi đưa ra kiến nghị rằng, các nghiên cứu sau có thể sử dụng các chỉ số thể hiện giá trị thị trường của doanh nghiệp để đo HQTC, điều này có thể khám phá nhiều hơn về khả năng và lợi ích mà việc thuyết minh tự nguyện có thể mang lại.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Aljifri, K., and Hussainey, K. (2007). The determinants of forward-looking information in annual reports of UAE companies.

Managerial Auditing Journal

, 22, 881-894.

Mutiva, J.M., Et al. (2015). The Relationship between Voluntary Disclosure and Financial Performance of Companies Quoted At the Nairobi Securities Exchange.

International Journal of Managerial Studies and Research,

3(6), 171-195.

Rezaee, Z., and Tuo, L. (2017). Voluntary disclosure of non-financial information and its association with sustainability performance.

Advances in Accounting,

39, 47-59.

Siueia, T.T., Et al. (2019). Corporate Social Responsibility and financial performance: A comparative study in the Sub-Saharan Africa banking sector.

Journal of Cleaner Production,

226. 658-668.

Zaman, R., Et al. (2015). Corporate governance and firm performance: The role of transparency & disclosure in banking sector of Pakistan.

International Letters of Social and Humanistic Sciences,

43. 152-166.

Lê Xuân Thái và Trương Đông Lộc. (2019). Ảnh hưởng của minh bạch và công bố thông tin đến hiệu quả tài chính của các công ty niêm yết trên sở giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh.

Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ,

55, 23-30.

Nguyễn Thị Loan và Tô Thị Thư Nhàn. (2020). Các nhân tố ảnh hưởng đến mức độ công bố thông tin tự nguyện của doanh nghiệp niêm yết tại HOSE.

Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ,

5. 26-29.

THE RELATIONSHIP BETWEEN THE VOLUNTARY

ANNUAL DISCLOSURES ON THE FINANCIAL PERFORMANCE

OF VIETNAM’S LISTED COMPANIES DURING

THE PERIOD FROM 2017 TO 2019

• TRAN THI VINH

• TRAN NHAT LONG

• NGUYEN THI HONG THI

Faculty of Accounting - Audit, Ho Chi Minh City Open University

ABSTRACT:

Thiss study examines the relationship between the voluntary annual disclosures on the financial performance of 274 companies listed on the Hanoi Stock Exchange (HNX) with a total of 1,096 observations between 2016 and 2019. This study measures the voluntary disclosure in terms of four following groups, namely strategic information, future-oriented information, environmental information, and information of the board of directors. The indicators of ROA, ROE, and Tobin’s Q are used to measure the financial performance of studied companies and the Newey-West are employed in this study. The study’s findings indicate that there is a positive correlation between the voluntary disclosure and the Tobin’s Q ratio. Meanwhile, the study finds that there are no statistically significant correlation among the voluntary disclosure with the indicators of ROA and ROE at studied companies.

Keywords: annual reports, voluntary disclosure, financial performance.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 6, tháng 3 năm 2021]

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/moi-quan-he-giua-thuyet-minh-tu-nguyen-tren-bao-cao-thuong-nien-va-hieu-qua-tai-chinh-cua-doanh-nghiep-niem-yet-tai-viet-nam-giai-doan-2017-2019-80449.htm