Mỗi sản phẩm OCOP là một 'đại sứ du lịch'
Tập trung phát triển sản phẩm OCOP đặc trưng gắn với phát triển du lịch, kết nối điểm/tuyến du lịch không chỉ giúp nâng cao giá trị nông sản, mà còn góp phần quảng bá và tăng tính hấp dẫn cho điểm đến du lịch của tỉnh Quảng Ninh.
Cầu nối thúc đẩy phát triển du lịch
Quảng Ninh hiện có 569 sản phẩm thuộc 6 nhóm tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), trong đó có 336 sản phẩm OCOP của 13 địa phương đạt 3 - 5 sao (246 sản phẩm đạt 3 sao, 86 sản phẩm đạt 4 sao và 4 sản phẩm đạt 5 sao). Toàn tỉnh có 219 chủ thể sản xuất tham gia Chương trình OCOP (gồm 54 doanh nghiệp, 87 hợp tác xã, 78 hộ sản xuất) và khoảng 30 trung tâm, điểm bán hàng OCOP.
Tỉnh đã quy hoạch 17 vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh có chất lượng, mẫu mã tốt, có thể xuất khẩu sang nhiều thị trường.
Xác định lợi ích khi liên kết du lịch và xúc tiến sản phẩm OCOP, Quảng Ninh đã và đang ưu tiên tổ chức những chương trình xúc tiến thương mại gắn với không gian, sự kiện du lịch. Điển hình là các hội chợ OCOP lớn, được tổ chức vào dịp các ngày lễ hằng năm, thu hút đông đảo người dân, du khách tham quan và mua sắm. Riêng Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2023 vừa qua đã thu hút được trên 55.000 lượt khách, doanh thu đạt khoảng 17,4 tỷ đồng.
Theo Quyết định số 919/QĐ-TTg 1/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2021 - 2025, sẽ phát triển sản phẩm OCOP hài hòa ở 6 nhóm ngành; gồm các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ du lịch có nguồn gốc địa phương, có đặc trưng về giá trị văn hóa, lợi thế của địa phương.
Chương trình OCOP đã mở ra cơ hội phát triển cho sản phẩm nông nghiệp chủ lực của các địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch; thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững.
Không những vậy, các sản phẩm OCOP còn được chú trọng giới thiệu tại các lễ hội du lịch thường niên của các địa phương trong tỉnh, như Lễ hội Trà hoa vàng (huyện Ba Chẽ); Hội đình Tràng Y (xã Đại Bình); Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc huyện Đầm Hà; Lễ hội đền Cửa Ông; Hội Hoa sở Bình Liêu; Tuần Văn hóa, Thể thao các dân tộc vùng Đông Bắc…
Đại diện Trung tâm OCOP Central Hạ Long chia sẻ, để đẩy mạnh quảng bá sản phẩm OCOP, Trung tâm đã ký kết với một số đơn vị lữ hành lớn, trong đó có Viettravel, đưa du khách đến trải nghiệm mua sắm tại Trung tâm. Vào những ngày thấp điểm, Trung tâm đón khoảng 2.000 - 4.000 lượt khách mỗi ngày, còn những ngày cao điểm như cuối tuần và dịp nghỉ lễ, lượng khách có thể lên tới 7.000 lượt du khách tới thăm quan, mua sắm mỗi ngày. Các sản phẩm OCOP Quảng Ninh đều nhận được sự đánh giá cao của khách du lịch.
Để du lịch song hành, thúc đẩy tiêu thụ hiệu quả sản phẩm OCOP, Quảng Ninh đã phê duyệt thực hiện nghiên cứu xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, xác định sản phẩm nông nghiệp, nông thôn đặc trưng của các địa phương gắn với phát triển du lịch, kết nối tuyến/điểm du lịch, xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp tại Quảng Yên, Đầm Hà, Hạ Long, Đông Triều, Vân Đồn...
Gìn giữ, truyền tải nét văn hóa của địa phương
Mỗi sản phẩm OCOP đều là “sứ giả văn hóa” của một địa phương, mang đặc trưng truyền thống văn hóa của một vùng đất cụ thể, thể hiện truyền thống, phong tục, tập quán sinh hoạt của người dân. Du khách trong quá trình tham quan, mua sắm sản phẩm sẽ có thêm thông tin về những điểm đặc biệt từ nguồn nguyên liệu, quá trình chế biến, sản xuất và cả giá trị sử dụng, giá trị văn hóa tinh thần.
Vừa qua, huyện Tiên Yên đã tổ chức thành công Tuần Văn hóa, Thể thao các dân tộc vùng Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh. Trong chuỗi hoạt động của Tuần Văn hóa có Hội chợ OCOP kết hợp thương mại. Đây là một trong những sự kiện giới thiệu nhiều nét đẹp văn hóa các dân tộc sinh sống tại Tiên Yên và một số địa phương bạn; thu hút đông đảo người dân, du khách tham gia.
Đặc biệt, du khách đến Tiên Yên không thể bỏ qua món gà đồi Tiên Yên - một trong những đặc sản trứ danh của vùng đất này. Gà Tiên Yên đã được công nhận là sản phẩm OCOP đạt 4 sao và Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam công bố nằm trong top 50 món ăn đặc sản nổi tiếng Việt Nam. Thương hiệu gà Tiên Yên được triển khai thành công không chỉ phát huy sản phẩm thế mạnh của địa phương, mà còn giúp người dân nơi đây có thu nhập tốt hơn.
Anh Phúc Lâm, hướng dẫn viên du lịch chia sẻ: “Khi thiết kế lịch trình tour đến các địa phương, ngoài các danh lam, thắng cảnh nổi tiếng, chúng tôi thường lựa chọn các trung tâm, điểm bán hàng OCOP, sản vật của địa phương để khách du lịch có thêm những trải nghiệm phong phú. Bên cạnh việc mua sắm và thưởng thức các đặc sản, khách du lịch cũng được biết thêm về phong tục, tập quán của địa phương, từ đó tăng tính hấp dẫn cho điểm đến”.
Rõ ràng, việc gắn kết sản phẩm OCOP với du lịch đang là hướng đi giá trị, tạo ra không gian phát triển kinh tế cho khu vực nông thôn. Đồng thời, đó cũng là hành động góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa, bảo vệ cảnh quan và môi trường, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/moi-san-pham-ocop-la-mot-dai-su-du-lich-d201679.html