Mới: Thẩm phán bị tổn hại tính mạng do công vụ được xem xét công nhận Liệt sỹ

Thẩm phán được hưởng chế độ, chính sách như thương binh hoặc xem xét để công nhận liệt sĩ và chế độ, chính sách khác theo quy định của pháp luật khi bị tổn hại tính mạng, sức khỏe vì lý do công vụ...

Bổ sung quy định về chế độ bảo vệ, miễn trừ với Thẩm phán

Tại buổi họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Tiến cho biết, Luật gồm 9 chương, 152 Điều. Về đổi mới tổ chức bộ máy của Tòa án, Luật quy định về việc tổ chức lại lại bộ máy giúp việc của TANDTC, TAND cấp cao.

Luật có quy định về thành lập TAND sơ thẩm chuyên biệt Hành chính, TAND sơ thẩm chuyên biệt Sở hữu trí tuệ, TAND chuyên biệt Phá sản với nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể.

Về nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án, Luật bổ sung 2 nội dung quan trọng là: Xét xử vi phạm hành chính theo quy định của luật và giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc.

Luật không quy định nhiệm vụ, quyền hạn Tòa án có thẩm quyền ra quyết định khởi tổ vụ án hình sự tại phiên tòa. Điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án trọng việc thu thập tài liệu, chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính.

Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Tiến thông tin về Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024

Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Tiến thông tin về Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024

Về ngạch, bậc Thẩm phán, Phó Chánh án Nguyễn Văn Tiến cho biết, Luật sửa đổi theo hướng chỉ quy định Thẩm phán gồm hai ngạch là Thẩm phán TANDTC và Thẩm phán TAND, như vậy sẽ không còn ngạch Thẩm phán sơ cấp, Thẩm phán trung cấp và Thẩm phán cao cấp như luật hiện hành. Luật quy định cụ thể về tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm Thẩm phán TAND

Về nhiệm kỳ của Thẩm phán, Luật quy định, Thẩm phán TAND được bổ nhiệm lần đầu có nhiệm kỳ 5 năm, Thẩm phán TAND được bổ nhiệm lại có nhiệm kỳ đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác.

Đặc biệt, Luật bổ sung quy định về chế độ bảo vệ, miễn trừ trách nhiệm đối với Thẩm phán; Bổ sung quy định Thẩm phán được hưởng chế độ, chính sách như thương binh hoặc xem xét để công nhận liệt sĩ và chế độ, chính sách khác theo quy định của pháp luật khi bị tổn hại tính mạng, sức khỏe vì lý do công vụ...

Để bảo đảm các quy định của Luật được triển khai có hiệu quả, Ban cán sự đảng TANDTC đã ban hành Kế hoạch Triển khai thi hành Luật, theo đó hệ thống Tòa án đang khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ: Tổ chức phổ biến, quán triệt Luật. Tuyên truyền, phổ biến về việc triển khai và thực hiện Luật, văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật. Xây dựng, ban hành văn bản triển khai thi hành Luật. Sắp xếp, kiện toàn đội ngũ cán bộ có chức danh tư pháp, công chức khác, viên chức trong TAND. Bảo đảm cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động cho các Tòa án…

Luật mới không hạn chế quyền tác nghiệp của báo chí

Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên về dự kiến thời gian thành lập các tòa án sơ thẩm chuyên biệt và sắp tới, Tòa án nhân dân Tối cao sẽ có những cơ chế hỗ trợ gì để báo chí được tác nghiệp tốt nhất, Phó Chánh án Nguyễn Văn Tiến cho biết, theo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân sẽ có 3 tòa sơ thẩm chuyên biệt gồm tòa hành chính, sở hữu trí tuệ, phá sản. Căn cứ tình hình thực tiễn, trên cơ sở số lượng từng loại vụ việc, cơ sở vật chất nhân lực, Tòa án nhân dân Tối cao sẽ xây dựng phương án đề xuất cơ quan cơ thẩm quyền trình UBTVQH cho phép thành lập, sau khi một số luật liên quan được sửa đổi bổ sung.

Quang cảnh phiên họp

Quang cảnh phiên họp

Về thông tin phiên tòa, Điều 141 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024 quy định, người tham dự phiên tòa, phiên họp phải tuân thủ các quy định của pháp luật và nội quy phiên tòa, phiên họp.

Trong quá trình diễn ra phiên tòa, nhiều thông tin chứng cứ được công bố nhưng chưa được kiểm chứng đặc biệt thông tin về đời tư cá nhân, bí mật gia đình, bí mật kinh doanh. Do đó HĐXX phải xem xét, đánh giá, đồng thời thảo luận tại phòng nghị án, từ đó đưa ra những nhận định trong bản án. Vì vậy, các đối tượng tham gia phiên tòa phiên họp đều phải nghiêm chỉnh chấp hành.

Tuy vậy, theo Phó Chánh án Nguyễn Văn Tiến, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024 không hạn chế quyền tác nghiệp của báo chí. Theo quy định, việc ghi âm lời nói được thực hiện trong thời gian diễn ra phiên tòa, phiên họp nhưng hình ảnh tại phiên tòa, phiên họp chỉ được thực hiện trong thời gian khai mạc phiên tòa, phiên họp và tuyên án, công bố quyết định.

Việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của Hội đồng xét xử, Thẩm phán phải được sự đồng ý của Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, phiên họp; trường hợp ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của người tiến hành tố tụng khác, người tham gia phiên tòa, phiên họp thì phải được sự đồng ý của họ và Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, phiên họp.

Tòa án tiến hành ghi âm lời nói, ghi hình ảnh diễn biến phiên tòa, phiên họp trong trường hợp cần thiết để phục vụ nhiệm vụ chuyên môn. Do vậy nếu báo chí yêu cầu, TAND có thể cung cấp toàn bộ thông tin liên quan theo quy định nhằm đảm bảo quyền con người, quyền công dân - Phó Chánh án Nguyễn Văn Tiến khẳng định.

Huệ Linh

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/moi-tham-phan-bi-ton-hai-tinh-mang-do-cong-vu-duoc-xem-xet-cong-nhan-liet-sy-post583645.antd