Mỗi tháng giảm gần 5 nghìn doanh nghiệp, kinh tế chưa thoát khó?

Nếu so sánh giữa số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động với số rút lui khỏi thị trường, bình quân một tháng giảm 4,7 nghìn doanh nghiệp. Đây tiếp tục là chỉ dấu đáng lo về tình hình 'sức khỏe' doanh nghiệp, đồng thời cho thấy kinh tế phục hồi còn nhiều khó khăn.

Theo Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP trong quý I/2024 của Việt Nam ước đạt 5,66%. Tăng trưởng kinh tế đang diễn biến theo đúng kịch bản.

Số lượng doanh nghiệp đang giảm

Theo kịch bản tăng trưởng năm 2024 được đưa ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán Ngân sách nhà nước năm 2024, để nền kinh tế đạt mục tiêu tăng trưởng 6-6,5%, thì quý I phải tăng trưởng 5,2-5,6%; quý II tăng trưởng 5,8-6,2%; 6 tháng là 5,5-6%; quý III là 6,2-6,7%; quý IV tăng trưởng 6,5-7%. Như vậy, con số tăng trưởng 5,66% thậm chí còn cao hơn ngưỡng cao của kịch bản tăng trưởng mà Chính phủ đã xây dựng.

Số doanh nghiệp giảm mạnh do gặp khó khăn nên ngừng hoạt động, giải thể tăng cao hơn thành lập mới.

Số doanh nghiệp giảm mạnh do gặp khó khăn nên ngừng hoạt động, giải thể tăng cao hơn thành lập mới.

Tuy vậy, nền kinh tế chưa hẳn hết khó khăn. Thực tế, “sức khỏe” của doanh nghiệp chưa phục hồi rõ nét. Điều này đã được Tổng cục Thống kê đưa ra, tính chung quý I/2024, cả nước có 59,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có gần 20 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Tuy nhiên, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 73,9 nghìn doanh nghiệp, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có gần 24,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

“Như vậy, so sánh giữa số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động với số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, trong quý I/2024, tổng số doanh nghiệp nước ta giảm 14,1 nghìn doanh nghiệp, bình quân một tháng giảm 4,7 nghìn doanh nghiệp”, Tổng cục Thống kê đánh giá.

Theo ông Nguyễn Hữu Thập, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ có năng lực tài chính yếu, công nghệ lạc hậu, thiếu điều kiện đầu tư mở rộng sản xuất dẫn tới hàng hóa chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Vì vậy, các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ là những đối tượng rất dễ chịu tác động mạnh khi có biến động thị trường, đặc biệt trong thời gian vừa qua, khi tình hình trong và ngoài nước có nhiều biến động làm cho các doanh nghiệp quy mô nhỏ với sức chống chọi yếu dẫn đến hoạt động không hiệu quả tạm ngừng hoạt động và giải thể.

Theo bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Nghiên cứu Môi trường Kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (CIEM), những khó khăn đối với doanh nghiệp như giá nguyên phụ liệu tăng cao, lãi suất, đầu ra vẫn chưa suy giảm, thậm chí đối với các doanh nghiệp quy mô lớn cũng chịu tác động không nhỏ.

Đi ngược xu hướng

Đáng lo ngại, hiện tượng, doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cao đột biến, cao hơn cả doanh nghiệp ra nhập thị trường, điều này đi ngược với xu hướng trước đây. Thực tế này cho thấy, các doanh nghiệp đang suy kiệt hơn sau một thời gian dài phải đối mặt nhiều khó khăn.

Mặc dù tình hình kinh tế đang dự báo phục hồi đúng hướng, niềm tin doanh nghiệp tăng lên. Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý I/2024, số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn so với quý IV/2023 thấp, chỉ có 22,1% nhưng dự kiến quý II/2024, có 45,4% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý I/2024. Tuy vậy, những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay rất cần thiết.

Theo đó, doanh nghiệp vẫn chờ đợi các nhóm giải pháp nhằm tạo cơ hội, điều kiện thuận lợi để tìm kiếm nguồn cung nguyên, vật liệu, khách hàng mới; chờ đợi các giải pháp kích cầu tiêu dùng hiệu quả… Trong khi đó, các doanh nghiệp xây dựng, bất động sản vẫn chờ mong các khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính liên quan tới dự án được xử lý nhanh chóng, gỡ khó về dòng tiền.

Trước thực tế trên, Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) kiến nghị: Chính phủ cần ban hành thêm các chính sách tài khóa nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong giai đoạn này. Cần xây dựng các chính sách hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân một cách thực chất, tiếp sức cho doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn như hiện nay.

"Doanh nghiệp kiệt sức là sự thật, đặc biệt sau hai năm COVID-19 và 2 năm phải đối mặt với những bất ổn của kinh tế vĩ mô toàn cầu. Nếu không được vun đắp kịp thời, sức lực của doanh nghiệp sẽ cạn kiệt. Vì thế, năm 2024 là thời điểm cần tiếp tục khoan thư sức dân, sức doanh nghiệp hơn bao giờ hết để nuôi dưỡng niềm tin và năng lực phục hồi của doanh nghiệp cũng như tổng thể nền kinh tế", Ban IV khuyến nghị.

Theo bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, để vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những quý còn lại cần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện hiệu quả, linh hoạt các chính sách điều hành của Chính phủ, bám sát các mục tiêu và giải pháp đã được để ra trong Nghị quyết 01/NQ-CP và tập trung thực hiện nhiều nhóm giải pháp theo từng lĩnh vực.

Cụ thể, theo góc độ sản xuất, các doanh nghiệp tăng cường gắn kết lưu thông với sản xuất, đẩy mạnh liên kết chuỗi nhằm kết nối cung cầu; đảm bảo phân phối sản phẩm hàng hóa gắn với quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm; thúc đẩy mạnh mẽ mô hình chuỗi liên kết phát triển nông nghiệp gắn với công nghiệp và xuất khẩu... Đồng thời, tiếp tục tìm kiếm và tích cực mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và tính cạnh tranh.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần xây dựng các kênh phân phối sản phẩm, mở rộng việc tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử đảm bảo nâng cao chất lượng, dịch vụ và quyền lợi, lợi ích của người tiêu dùng, từ đó thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa trong nước và xuất khẩu.

Nhật Linh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/moi-thang-giam-gan-5-nghin-doanh-nghiep-kinh-te-chua-thoat-kho-1099091.html