Mỗi tỉnh có từ 3.000-4.000 công an chính quy, có quá nhiều?
Viện dẫn một tỉnh ít nhất phải từ 3.000 công an, tỉnh to tới 4.000 công an chính quy, Thiếu tướng Sùng Thìn Cò cho rằng, với lực lượng đông như thế, giờ lại thêm nhiều lực lượng nữa, chẳng lẽ lực lượng chính quy không đủ để nắm được tình hình, xử lý tình hình hay sao?
Lo “phình động mạch, phình tĩnh mạch”
Sáng 17/11, Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở. Phiên thảo luận liên tiếp nhận được những tranh luận thẳng thắn xoay quanh việc có cần thiết ban hành luật này không và những lo ngại liên quan đến vấn đề phình bộ máy, biên chế trong lực lượng công an.
Theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre), đây là dự án luật rất quan trọng. Ông cũng cho rằng, mặc dù cơ sở có xảy ra một số vụ việc, xung đột lợi ích trong dân, doanh nghiệp trên địa bàn, nhưng nếu chúng ta làm tốt, làm hết trách nhiệm thì đời sống dân cư sẽ rất yên lành. “Đầu gấu sẽ không có đất nếu không có bảo kê, không có sự dung túng. Cờ bạc, trộm cắp sẽ bị thu hẹp dư địa hoành hành”, Phó Trưởng Ban Dân nguyện cho hay.
Liên quan đến bộ máy, đại biểu cho rằng, việc cơ cấu 1,5 triệu người tham gia lực lượng này có vẻ như đang áp dụng cho “tình trạng khẩn cấp” thời chiến, gấp nhiều lần quân thường trực, có cần thiết hay không?
“Trước đây chúng ta có lực lượng công an xã mọi việc rất tốt. Vì chuyện tinh giản biên chế, tổ chức bộ máy của công an đã chuyển 25.000 quân chính quy về xã. Bây giờ tôi đọc dự thảo, lực lượng này (an ninh trật tự cơ sở - PV) cứ gọi là phối hợp, nhưng tôi đọc hầu hết là “thực hiện nhiệm vụ”.
Khi 126 nghìn lực lượng công an bán chuyên trách được “hợp thức hóa”, ông lo ngại công an chính quy sẽ “lười biếng”, dồn hết công việc cho lực lượng bán chuyên làm. Đặc biệt đại biểu tiếp tục lo ngại tình trạng phình bộ máy, “phình cả động mạch, cả tĩnh mạch”.
Ông Nhưỡng đề nghị hết sức cân nhắc, bởi nếu ban hành luật mà luật bị “bật trở lại”, không có hiệu quả trong thực tiễn, nghĩa là có lỗi với nhân dân.
Trong khi đó, Thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh khẳng định, lực lượng công an bán chuyên trách là “cánh tay nối dài” và luật ra đời không làm phát sinh thêm lực lượng mới, không làm thay đổi bản chất, vì đây chỉ là đối tượng tham gia hỗ trợ.
Tuy nhiên, bà Xuân cũng đề nghị Bộ Công an sớm tổng kết đánh giá sau 2 năm triển khai công an chính quy về xã, để có thông tin cung cấp cho đại biểu Quốc hội.
Không đồng tình, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đề nghị phải xin ý kiến đại biểu Quốc hội về việc có hay không ban hành luật này. “Chúng ta không được nhầm lẫn. Quốc hội nhầm lẫn thì dân đánh giá tai hại lắm”, ông Nhưỡng cho hay.
“Lực lượng công an quá đông”
Phát biểu ý kiến, Thiếu tướng Đào Thanh Hải, Phó giám đốc Công an thành phố Hà Nội đánh giá, khi lực lượng công an chính quy xuống xã, do không phải người địa phương nên không nắm bắt được địa bàn. Trong khi đó công an bán chính quy, sinh ra lớn lên ở địa bàn lại nắm kỹ hơn địa bàn. Tuy nhiên, do phụ cấp hiện rất thấp, nên động viên công an bán chuyên trách tham gia rất khó khăn. Khi công an chính quy xuống, ở Hà Nội đã có 25% lực lượng bán chính quy xin nghỉ. Theo ông Hải, nếu không có luật ra đời, sẽ khó khăn cho lực lượng này.
Cùng phát biểu, Thiếu tướng Sùng Thìn Cò (Hà Giang), nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 2 đặt câu hỏi: liệu có cần thêm một lực lượng nữa không? Theo ông, khi Luật CAND có hiệu lực, lực lượng công an chính quy xuống thay thế, tự nhiên sứ mệnh của lực lượng bán chuyên trách đã hết.
“Xin lỗi Bộ trưởng, bây giờ lực lượng công an quá đông. Bây giờ một tỉnh ít nhất phải từ 3.000 công an, tỉnh to tới 4.000, hơn 4.000 công an chính quy. Lực lượng đông như thế, giờ lại thêm nhiều lực lượng nữa, chẳng lẽ lực lượng chính quy không đủ để nắm được tình hình, xử lý tình hình hay sao?”, Tướng Sùng Thìn Cò nói. Theo đại biểu, cái tài của người chiến sỹ công an là phải xây dựng được mạng lưới cơ sở bí mật để nắm tình hình. “Nắm địch phải nắm từ trong trứng nước”.
Đại biểu so sánh, Trung Quốc lớn như thế nhưng họ chỉ có lực lượng vũ trang quân đội. Công an chỉ là lực lượng bán vũ trang. Vì thế lực lượng công an vẫn đào tạo chính quy, nhưng chỉ Ban Giám đốc, công an huyện mới được là chuyên trách. Còn lại chỉ là bán chuyên trách, làm việc theo hợp đồng, không làm được cho nghỉ. Và theo nhu cầu của huyện đó, cần bao nhiêu công an thì sử dụng bấy nhiêu. Không phải như chúng ta, chỗ nào cũng cần.
“Chúng ta phải đánh giá, tổng kết lại, dân chưa chắc đã ủng hộ. Nếu chúng ta xác định lực lượng này là lực lượng rất quan trọng thì sao không sử dụng ngay từ đầu để lực lượng đó đủ sức làm nhiệm vụ ở cơ sở mà phải đưa công an chính quy xuống rồi bây giờ lại thành lập lực lượng này. Đề nghị Quốc hội, Chính phủ cân nhắc, đại biểu trước khi bấm nút thay mặt cho cử tri của mình, cho dân, nên phải cân nhắc”, Tướng Sùng Thìn Cò cho hay.
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (Cà Mau) lo ngại, với cách làm luật như hiện nay, có thể có những đạo luật “bỗng dưng nhảy vào nghị trường”. Ông đề nghị nên lấy ý kiến đại biểu Quốc hội về một số luật đã xin ý kiến trước đó, nếu Quốc hội không đồng ý thì mặc nhiên luật đó không được bàn nữa.