Mối tình đầu trong trẻo như sớm mai trên biển
Tiểu thuyết 'Tiếng triều dâng' của Mishima Yukio mang nét đẹp của một mối tình đầu trong trẻo như sớm ban mai trên biển.
Không còn tâm tư u uẩn như trong tuyển tập Chết giữa mùa hè hay tình yêu nhuốm màu nhục dục trong Khao khát yêu đương, Tiếng triều dâng mang nét đẹp bâng khuâng của một mối tình đầu. Đây cũng là điểm khác biệt so với những sáng tác còn lại của văn hào nổi tiếng Mishima Yukio.
Mối tình của chàng đánh cá với con gái ông chủ tàu giàu có
Mishima đã khắc họa nên một bức tranh đa thanh đa sắc trong tâm trí người đọc, dường như chỉ cần nhắm mắt lại, chúng ta sẽ vẳng nghe tiếng sóng bên tai, ngửi thấy mùi mặn mòi hương biển, chúng ta như nghe thấy tiếng cười chứa chan hạnh phúc hay nỗi buồn chực chờ rơi lệ của các nhân vật liên quan trong truyện.
Lòng đố kị len lỏi trong truyện như con rắn độc, đóng một vai trò quan trọng khiến bản chất con người lộ rõ. Con người ai chẳng cảm thấy ghen tị khi người khác hạnh phúc, khi người khác có được thứ bạn hằng mong muốn.
Mở đầu cuốn tiểu thuyết là những dòng mô tả nhuốm màu tươi đẹp về cảnh sắc thiên nhiên vùng Nagasaki. Biển cả là nguồn sống của toàn bộ dân ngụ cư trên đảo. Họ vừa thấy sợ hãi vừa tôn kính trước vẻ hùng vĩ của đại dương.
Shinji Kubo, một chàng trai mười tám tuổi đã quen với cuộc sống nghèo khổ. Cha anh qua đời trong chiến tranh, bỏ lại người vợ cùng hai đứa con thơ. Shinji buộc phải trở thành trụ cột của gia đình, bươn trải bằng nghề đánh cá trên đảo Utajima hẻo lánh thuộc vịnh Ise.
Dù cho cuộc sống không mấy dễ dàng, anh vẫn cố gắng dành cho mẹ, cho em trai Hiroshi những điều tốt đẹp nhất. Shinji có mối liên hệ mật thiết với thiên nhiên, khi anh vẫn thường lặng ngắm biển cả, nghe tiếng sóng như đang chia sẻ tâm sự của một người bạn.
Trong một lần trở về từ ngọn hải đăng, Shinji tình cờ gặp gỡ rồi đem lòng yêu mến cô con gái xinh đẹp và giỏi giang Hatsue của ông chủ tàu giàu có Terukichi Miyata.
Tuy nhiên, tình yêu ấy gặp phải sự phản đối kịch liệt từ những người dân sống trong làng, sự ghen tuông của cô sinh viên Chiyoko, người đem lòng yêu Shinji và gã Yasuo, người yêu tin đồn của Hatsue.
Bài học cao đẹp về tình thương
Tiếng triều dâng là sự đan cài ý nghĩa con người có phát triển cần phải dựa vào thiên nhiên. Thần đạo đóng vai trò là chất xúc tác quan trọng trong tình yêu giữa Shinji và Hatsue giúp họ vượt qua nghịch cảnh trước mặt, mặc kệ lời dèm pha của người đời.
Hành động của cặp tình nhân phần nào lý giải truyền thống và đức tin của người Nhật. Điều này đã giải thích vì sao Tiếng triều dâng gây ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc và đã được dựng thành phim năm lần trong 50 năm qua.
Shinji đã cố hòa nhập với cộng đồng khi tham gia vào buổi sinh hoạt thường lệ của hội thanh niên, thế nhưng, hóa giải những căng thẳng của giai cấp xã hội tại đảo Utajima là bất khả.
Dù cho Shinji có cố gắng đến đâu, anh vẫn cảm thấy không thể đem ra so bì với những người trạc tuổi mình trên đảo. Anh khinh thường Yasuo, một kẻ béo ú, gian xảo, dùng mọi cách để chiếm đoạt Hatsue, nhưng lại có xuất phát điểm giàu có hơn anh, mà điều đó khiến Yasuo trở thành kẻ tài ba trong mắt những người cao tuổi tại đảo.
Thế nhưng, bất kể người làng đối xử với Shinji ra sao, anh vẫn ngẩng cao đầu. Shinji được khắc tạc ngời sáng như một pho tượng Hy Lạp không tì vết. Hình ảnh lặn mò ngọc trai chính là tượng trưng cho vẻ đẹp của cuộc đấu tranh, giống như những người phụ nữ sống trên đảo Utajima không quản lạnh giá lao mình xuống biển.
Qua hình ảnh ấy, tác giả Mishima như ngầm ẩn ý phải đẩy bản thân đến ngưỡng sâu nhất, đáng sợ nhất của tâm hồn, như một cách thử thách con người. Chỉ như vậy con người mới có thể lĩnh hội những bài học cao đẹp về tình thương.
Khi Shinji đứng trên vách đá, quan sát thời điểm bắt đầu mùa lặn ngọc trai, anh nhận ra để mang lại hạnh phúc cho người con gái anh thương, anh cũng phải tìm kiếm những "viên ngọc trai" ngời sáng viên mãn giữa cuộc đời bộn bề khó khăn.
Đoạn kết của cuốn tiểu thuyết, Shinji trong khi đi thuyền đến Okinawa đã phải chống chọi vô cùng vất vả trước cơn cuồng phong để bảo vệ con tàu khỏi bị lật. Giống như anh thuyền phó Ryuji trong Người thủy thủ bị biển khước từ luôn canh cánh một nỗi ám ảnh về biển cả, Shinji như được khai mở ra sợi dây ràng buộc giữa anh và thiên nhiên, sự dũng cảm và lòng bao dung của anh càng khiến cho anh trở thành ứng viên xứng đáng với Hatsue hơn cả.
Mishima viết Tiếng triều dâng sau chuyến viếng thăm Hy Lạp, nghiên cứu văn hóa vùng đất của các vị thần. Tác giả đánh giá cao "sự cân bằng hài hòa giữa thể xác và tâm hồn" mà người Hy Lạp đã nghĩ ra qua những tác phẩm nghệ thuật.
Shinji và Hatsue, chàng ngư phủ và hải nữ, chính là hiện thân của lý tưởng nam tính và nữ tính hài hòa. Chính điều này khiến người đọc cho rằng tiểu thuyết của ông toát ra mùi hương của hoa kim ngân dịu dàng, giống như chuyện tình của Daphnis và người tình Chlóe.
Hình ảnh biển cả trong Tiếng triều dâng cũng mang dáng dấp của thơ waka (hòa ca): Một dạng thơ cổ điển dưới thời Heian của Nhật Bản, khiến cuốn tiểu thuyết mang hơi thở thời đại, sự giao thoa văn hóa giữa phương Đông và phương Tây.
Tác giả Mishima Yukio (1925-1970) sinh tại Tokyo, tốt nghiệp khoa luật Đại học Tokyo năm 1947, sau đó làm việc cho Bộ tài chính. Sau 9 tháng, ông từ chức và bắt đầu viết văn.
Mishima viết 40 tiểu thuyết, 18 vở kịch, 20 tập truyện ngắn, khoảng 20 tiểu luận, một tập kịch bản. Các tác phẩm tiêu biểu của ông: Khao khát yêu đương (năm 1950), Tiếng triều dâng (năm 1954, giải thưởng văn học Shinchosha), Kim các tự (năm 1956, giải thưởng văn học Yomiuri), Sau bữa tiệc (năm 1960)…
Ngày 25/11/1970, ông tự sát tại doanh trại Ichigaya của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, sau khi hoàn thành những trang cuối bản thảo Năm dấu suy của người trời - tập thứ 4 trong tác phẩm trường thiên Biển phì nhiêu.
Các tác phẩm của Mishima Yukio đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và được yêu thích trên toàn thế giới.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/moi-tinh-dau-trong-treo-nhu-som-mai-tren-bien-post1194477.html