Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo: Lan tỏa những giá trị tốt đẹp

Cuộc vận động 'Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo' do các cấp Hội Chữ thập đỏ phát động được triển khai thông qua mô hình 'nhà chữ thập đỏ', 'ngân hàng bò', 'bữa ăn miễn phí', 'hiến máu tình nguyện'... luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của các cơ quan, doanh nghiệp, nhà hảo tâm. Những hành động, việc làm ý nghĩa này vừa góp phần nâng đỡ những mảnh đời kém may mắn, vừa lan tỏa giá trị nhân văn cao cả, tốt đẹp.

Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội phối hợp với Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 khám mắt miễn phí cho học sinh Trường Trung học cơ sở Liên Hiệp (huyện Phúc Thọ).

Trợ giúp kịp thời

Ông Đinh Thế Tụy, ở cụm 8, xã Liên Hiệp (huyện Phúc Thọ) tâm sự: “Do bị suy giảm khả năng lao động, nên dù chăm chỉ làm ăn, nguồn thu nhập của gia đình tôi cũng chỉ đủ trang trải cho các sinh hoạt tối thiểu, không thể xây nhà mới. Nhờ nguồn hỗ trợ xây dựng “nhà chữ thập đỏ” với số tiền lên tới 80 triệu đồng và sự giúp đỡ của những người xung quanh, căn nhà ao ước của gia đình tôi đã hoàn thành vào tháng 12-2019”.

Ngoài trường hợp nêu trên, riêng trong năm 2019, Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng, các nhà hảo tâm hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hơn 1.600 gia đình trên địa bàn Thủ đô và các tỉnh, thành phố khác với tổng kinh phí hơn 50 tỷ đồng. Những gia đình có hoàn cảnh khó khăn do thiếu nguồn sinh kế đã được tặng bò sinh sản, phương tiện đi lại, công cụ sản xuất…

Đối với những bệnh nhân nghèo điều trị tại các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố, nhiều người đã nhận được những bữa ăn miễn phí. Bà Nguyễn Thị Hương, ở xã Hùng Cường, huyện Kim Động (tỉnh Hưng Yên) đang chăm sóc con gái tại Viện Huyết học - Truyền máu trung ương chia sẻ: “Con gái tôi bị suy tủy xương, liên tục phải nhập viện để điều trị và lần nào cũng vậy, tôi đều được phát suất ăn miễn phí...”. Tương tự, bệnh nhân nghèo điều trị tại Bệnh viện K cũng thường xuyên nhận được những suất ăn từ thiện của chùa Tứ Kỳ (quận Hoàng Mai), nhóm Gieo mầm yêu thương, Tịnh thanh tâm… Trung bình mỗi tháng, Bệnh viện K tiếp nhận khoảng 60.000 suất cơm, cháo từ thiện. Các bệnh viện khác cũng có những bữa ăn miễn phí dành cho bệnh nhân nghèo.

Đáng chú ý, phong trào hiến máu tình nguyện đã, đang lan tỏa rộng khắp và chỉ riêng năm 2019 đã thu được gần 214.000 đơn vị máu.

Còn theo Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội Đào Ngọc Triệu, năm 2019, toàn thành phố đã trợ giúp hơn 7.000 địa chỉ nhân đạo, nâng tổng số địa chỉ được giúp đỡ lên hơn 310.000 địa chỉ trong giai đoạn 2008-2019.

Để cuộc vận động lan tỏa sâu rộng

Ý nghĩa của cuộc vận động “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” đã được khẳng định. Tuy vậy, hiện một số phong trào vẫn chưa phát triển theo chiều sâu. Chẳng hạn, phong trào vận động đăng ký hiến mô, tạng nhân đạo kết hợp với hiến máu tình nguyện thông qua Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội mới vận động được hơn 140 người đăng ký trong năm 2019, bằng 50% chỉ tiêu đề ra. Nguồn máu nhân đạo chưa đáp ứng đủ nhu cầu cấp cứu, điều trị bệnh trong thực tiễn. Một số nơi chưa chủ động, tích cực tổ chức, tham gia các chương trình, hoạt động nhân đạo…

Từ kinh nghiệm thực tế, ông Lê Đình Duật, tổ dân phố 10, phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân) cho rằng, công tác vận động hiến máu tình nguyện, đăng ký hiến mô, tạng nhân đạo cần triển khai bền bỉ. Cá nhân và gia đình hội viên, tình nguyện viên chữ thập đỏ cần phát huy tinh thần tiên phong, gương mẫu. “Bằng cách này, lượng máu tình nguyện do cá nhân tôi vận động đã tăng từ 30 đơn vị máu vào năm 2009, lên 83 đơn vị vào năm 2019”, ông Lê Đình Duật cho biết.

Chia sẻ về những suất ăn miễn phí đến với bệnh nhân ung thư hơn 10 năm qua, sư thầy Thích Nữ Như Hiền, trụ trì chùa Linh Sơn, phường Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng) thông tin, thời gian đầu, nhà chùa chỉ làm được 50 suất ăn/ngày. Kiên trì tuyên truyền, vận động người dân và phật tử tham gia, đến nay, trung bình mỗi ngày, chùa Linh Sơn đã đưa hơn 1.000 suất cơm, cháo miễn phí đến các cơ sở của Bệnh viện K.

Theo Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Chương Mỹ Đỗ Đình Thê, việc phát huy trách nhiệm xã hội của lực lượng cán bộ, hội viên chữ thập đỏ là giải pháp hiệu quả đưa các phong trào nhân đạo đi vào đời sống. Nhờ đó, năm 2019, công tác xã hội của Hội Chữ thập đỏ huyện Chương Mỹ đạt trị giá gần 10 tỷ đồng; phong trào hiến máu tình nguyện thu về gần 2.900 đơn vị máu, đạt 163% so với chỉ tiêu được giao.

Để cuộc vận động “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” tiếp tục lan tỏa sâu rộng, phát biểu tại hội nghị triển khai công tác năm 2020 của Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội vào đầu tháng 1-2020, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý đã yêu cầu đội ngũ cán bộ, hội viên, tình nguyện viên chữ thập đỏ đổi mới phương thức hoạt động. Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố, việc triển khai các mô hình, địa chỉ nhân đạo cần dựa vào cộng đồng, gắn bó với người dân, đi vào thực chất...

Với sự nỗ lực từ nhiều phía, hy vọng cuộc vận động “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” sẽ đến với mọi cá nhân, gia đình. Thành phố Hà Nội phấn đấu trong năm 2020 có ít nhất 2,7% tỷ lệ dân số tham gia hiến máu tình nguyện, thu về tối thiểu 230.000 đơn vị máu; hỗ trợ xây dựng hơn 1.000 nhà chữ thập đỏ, tặng hơn 300.000 bữa ăn miễn phí cho bệnh nhân nghèo…

Minh Ngọc

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/doi-song/955301/moi-to-chuc-ca-nhan-gan-voi-mot-dia-chi-nhan-dao-lan-toa-nhung-gia-tri-tot-dep