Môi trường đầu tư, kinh doanh của Hà Nội không ngừng được cải thiện

Thủ đô Hà Nội luôn là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về phát triển kinh tế, cũng như nhiều lĩnh vực khác.

Vượt qua thách thức, Hà Nội đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ, là minh chứng cho những cải cách mạnh mẽ trong công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh…

Cải cách liên tục và toàn diện

Những năm qua, TP Hà Nội luôn coi cải cách hành chính (CCHC) là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu và đã có nhiều sự đổi mới mạnh mẽ. Công tác CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đã được Hà Nội triển khai tích cực, đồng bộ trên các lĩnh vực. Năm 2024, tất cả các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện công tác CCHC năm 2024; tỷ lệ hoàn thành nhiệm vụ trong các quý bảo đảm chỉ tiêu, yêu cầu đề ra.

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn thăm, động viên sản xuất tại Công ty TNHH Thủ công mỹ nghệ và nội thất Ngọc Sơn (huyện Chương Mỹ). Ảnh: Hải Linh

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn thăm, động viên sản xuất tại Công ty TNHH Thủ công mỹ nghệ và nội thất Ngọc Sơn (huyện Chương Mỹ). Ảnh: Hải Linh

UBND TP Hà Nội đã ban hành văn bản yêu cầu các cơ quan, đơn vị rà soát phương án thực thi các Nghị quyết đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư; ban hành 7 Quyết định công bố danh mục thủ tục hành chính thuộc các lĩnh vực: Đất đai, GTVT, Nội vụ, LĐTB&XH; Sở hữu trí tuệ; công bố sửa đổi bổ sung 5 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kế hoạch Đầu tư.

UBND TP cũng công bố Danh mục thủ tục hành chính bị bãi bỏ thuộc các lĩnh vực: LĐTB&XH, GTVT, Lâm nghiệp, Khí tượng, Thủy văn (bao gồm: công bố danh mục 72 thủ tục, bãi bỏ 73 thủ tục); ban hành 94 quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực: LĐTB&XH, GTVT, KHCN, Dân tộc, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường.

TP thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông 100% thủ tục hành chính được tiếp nhận, giải quyết theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Việc tiếp nhận, giải quyết được giám sát, kiểm soát chặt chẽ. Đội ngũ cán bộ, công chức được kiện toàn tại bộ phận một cửa bảo đảm đáp ứng yêu cầu về năng lực, chuyên môn công tác, kinh nghiệm thực tế.

UBND TP yêu cầu tăng cường năng lực cán bộ thực thi, tập trung cải cách thủ tục hành chính và bộ máy hành chính theo hướng lấy người dân, DN làm đối tượng phục vụ; xử lý nhanh, đúng quy định pháp luật các thủ tục về đầu tư, kinh doanh; tuyệt đối không tùy tiện đặt ra các yêu cầu, điều kiện không phù hợp quy định pháp luật trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính.

Công tác hỗ DN có chuyển biến tích cực, chi phí không chính thức tiếp tục chiều hướng giảm, thủ tục gia nhập thị trường thuận lợi hơn, cải cách thủ tục hành chính đạt nhiều kết quả tích cực. TP chủ động tiếp cận, hỗ trợ các nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; tổng hợp các dự án đang gặp khó khăn, vướng mắc, nêu rõ trách nhiệm của từng sở, ngành, đơn vị và báo cáo, đề xuất UBND TP chỉ đạo giải quyết cụ thể.

"Hà Nội không chỉ là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài mà còn là trung tâm kinh tế, tài chính quan trọng của khu vực và cả nước"- Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết.

Ghi nhận những chuyển biến tích cực trong việc giải quyết thủ tục hành chính trong đăng ký DN, trên 90% DN cho biết, việc thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến đã giúp tiết giảm nhiều thời gian và chi phí hơn so với các phương thức truyền thống.

Nhờ những cải cách trong công tác quản lý, cải thiện môi trường kinh doanh và thúc đẩy đầu tư nên dự kiến cả năm 2024, Hà Nội sẽ thu hút được 3,13 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh đó, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, tăng nhanh về số lượng DN mới thành lập và số lượng DN có hoạt động đổi mới sáng tạo… cũng là chủ trương quan trọng của TP nhằm khuyến khích tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Kết quả, tháng 7/2024, Hà Nội đã cấp giấy chứng nhận cho trên 3.000 DN thành lập mới, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước; Tính chung 7 tháng năm 2024, TP Hà Nội đã cấp giấy chứng nhận cho gần 18.000 DN thành lập mới, với tổng vốn đăng ký trên 162.000 tỷ đồng.

Tăng tốc đổi mới sáng tạo

Hiện nay, Hà Nội xác định ưu tiên triển khai phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số là nhiệm vụ trọng tâm trong CCHC. TP hoàn thiện một số cơ chế, chính sách về khai thác, chia sẻ dữ liệu, hạ tầng lưu trữ dùng chung; hoàn thành triển khai hạ tầng số trong các cơ quan Nhà nước; triển khai cung cấp dữ liệu mở của chính quyền TP theo lộ trình để thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số; tăng chỉ số xếp hạng chuyển đổi số cấp tỉnh.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong kiểm tra hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tại huyện Sóc Sơn tháng 2/2024. Ảnh: Chiến Công.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong kiểm tra hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tại huyện Sóc Sơn tháng 2/2024. Ảnh: Chiến Công.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, kiêm Phó Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 01-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cho biết: TP đang tập trung chỉ đạo triển khai việc xây dựng Trung tâm dữ liệu phục vụ triển khai chính quyền điện tử; Trung tâm điều hành thông minh (IOC), chỉ đạo phát triển dữ liệu điện tử.

Năm 2023, TP Hà Nội là địa phương đứng đầu cả nước về Chỉ số đổi mới sáng tạo (PII); cũng là lần đầu tiên lọt top 200 TP đổi mới sáng tạo toàn cầu (đứng thứ 174, theo startupblink.com).

PII phân tích 52 chỉ số thành phần như: Thể chế; Nguồn nhân lực và nghiên cứu; Cơ sở hạ tầng; Trình độ phát triển của thị trường; Trình độ phát triển của DN; Sản phẩm tri thức, sáng tạo và công nghệ; Tác động...

Hà Nội có điểm mạnh về nghiên cứu và phát triển, đổi mới sáng tạo như nhân lực, chi cho nghiên cứu phát triển, số lượng tổ chức KH&CN, tỷ lệ DN có hoạt động nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo và các đầu ra về tài sản trí tuệ như sáng chế, giải pháp hữu ích… là những chỉ số và trụ cột góp phần đưa Hà Nội trở thành địa phương có Chỉ số PII đứng đầu cả nước, đóng góp quan trọng vào Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam.

Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn chia sẻ, đổi mới sáng tạo luôn song hành cùng khoa học và công nghệ, giữ vai trò là động lực, là một trong những đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giúp tạo ra và ứng dụng các thành tựu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, giải pháp quản lý để nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa.

Hướng đến nền kinh tế xanh

Thủ đô Hà Nội là nền kinh tế lớn nhất của Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, là một trong những địa phương dẫn đầu về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Hà Nội tăng cường công khai, minh bạch chính sách thu hút và ưu đãi đầu tư; nâng cao chất lượng và trách nhiệm giải trình; chủ động phản ứng chính sách nhanh và cầu thị hơn; nỗ lực đi đầu cả nước trong xây dựng chính quyền điện tử, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo và TP thông minh…
Tổng Giám đốc Công ty TNHH Aeon Mall Việt Nam Nakagawa Tetsuyuki

Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh, để hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2024 và cả nhiệm kỳ, TP tiếp tục đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành gắn với việc quán triệt, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với tinh thần "năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung".

Hà Nội sẽ tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển Thủ đô; khẩn trương tổ chức thi hành Luật Thủ đô (sửa đổi), xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc thù về tổ chức chính quyền đô thị, về phân cấp, ủy quyền, về tuyển dụng, quản lý cán bộ, công chức, viên chức, về thu hút trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao…

TP tiếp tục thực hiện các giải pháp đột phá tạo động lực phát triển kinh tế -xã hội; tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch Thủ đô Hà Nội; điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội (ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt); khai thác hiệu quả nguồn lực từ đất đai...

Ngoài ra, thúc đẩy phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị, hạ tầng số theo hướng đô thị thông minh; hoàn thành các công trình hạ tầng giao thông kết nối quan trọng như hệ thống đường sắt đô thị; đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô, các cầu vượt sông, các nút giao thông cửa ngõ…

Xanh và bền vững là một trong những tiêu chí quan trọng đối với các địa phương và DN. Với Hà Nội, cải thiện môi trường đầu tư hướng tới nền kinh tế xanh, kinh tế số là yếu tố quan trọng để thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và là nền tảng xây dựng nền kinh tế bền vững.

TP tiếp tục chủ động thu hút đầu tư có chọn lọc, bảo đảm chất lượng, bảo vệ môi trường; ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, giá trị gia tăng cao và có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất gắn với đào tạo nhân lực.

Đẩy mạnh thu hút FDI theo chiều sâu, tập trung vào lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, xây dựng TP thông minh, công nghiệp hỗ trợ; tiếp cận để nhận đầu tư từ các công ty, tập đoàn trong lĩnh vực công nghệ cao; nâng cao năng lực quản lý và hiệu quả trong lĩnh vực công nghệ chế biến, chế tạo, công nghiệp sinh học,…

Giai đoạn 2021 - 2025 TP đã xác định mục tiêu: Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao và phát triển công nghệ hàng đầu của cả nước, tiến tới là trung tâm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của khu vực Đông Nam Á trong một số lĩnh vực.

Thông qua đó, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Thủ đô Hà Nội hiện đại, thông minh, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị, động lực thúc đẩy phát triển vùng và cả nước. Phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực.

Trong Chiến lược phát triển 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030, UBND TP Hà Nội đã đặt khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trong 10 trụ cột của mình. Theo chiến lược này, Hà Nội tập trung vào chuyển đổi số, trở thành TP thông minh và hỗ trợ các DN khởi nghiệp về số hóa và đổi mới sáng tạo. TP cũng đặt mục tiêu nâng mức đóng góp của nền kinh tế số vào GRDP lên 30%, đi kèm với tăng trưởng năng suất lao động từ 7 đến 7,5%, đồng thời nuôi dưỡng hệ sinh thái khởi nghiệp đang phát triển mạnh mẽ… Để trợ lực cho các DN, chính quyền địa phương cần tiếp tục triển khai mạnh mẽ các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí cho DN. Luật Thủ đô được xây dựng sẽ góp phần khơi thông các nguồn lực của Thủ đô, đặc biệt những vấn đề về cơ chế, chính sách thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, thân thiện môi trường… sẽ tiếp tục được cập nhật nhằm tạo điều kiện thúc đẩy phát triển - PGS.TS Trần Đình Thiên

Trâm Anh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/moi-truong-dau-tu-kinh-doanh-cua-ha-noi-khong-ngung-duoc-cai-thien.html