Môi trường học đường: Vì một 'miền đất xanh' không khói thuốc

Nhằm xây dựng môi trường học đường lành mạnh, trong sạch, nhiều trường học đã tích cực triển khai các hoạt động tuyên truyền về tác hại của thuốc lá.

Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi ngày trên thế giới có từ 80.000 - 100.000 thanh, thiếu niên bắt đầu hút thuốc lá. Do đó, việc phòng chống tác hại của thuốc lá trong trường học có ý nghĩa quan trọng, góp phần giảm thiểu tỷ lệ thanh thiếu niên từ 15-24 tuổi hút thuốc lá.

Nhằm xây dựng môi trường học đường lành mạnh, trong sạch, nhiều trường học đã tích cực triển khai các hoạt động tuyên truyền về tác hại của thuốc lá. Những nỗ lực này đã mang lại kết quả đáng ghi nhận, góp phần giảm thiểu tình trạng hút thuốc lá trong nhà trường, từng bước tạo chuyển biến trong nhận thức, hành động của giáo viên, học sinh về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe và môi trường. Nhờ đó, tình trạng cán bộ, giáo viên, học sinh hút thuốc lá trong nhà trường đã giảm đáng kể.

Việc phòng chống tác hại của thuốc lá trong trường học có ý nghĩa quan trọng.

Việc phòng chống tác hại của thuốc lá trong trường học có ý nghĩa quan trọng.

Mỗi năm, vào đầu năm học mới, nhiều nhà trường đều xác định công tác tuyên truyền là trọng tâm trong phòng, chống tác hại của thuốc lá. Các hình thức tuyên truyền đa dạng được áp dụng như: Thông qua hệ thống loa phát thanh, các buổi sinh hoạt đầu tuần, giờ học ngoại khóa, nội dung về tác hại của thuốc lá được truyền tải đến toàn thể học sinh, giáo viên. Lồng ghép thông điệp phòng, chống tác hại của thuốc lá vào các buổi ngoại khóa, các chương trình tuyên truyền về phòng, chống tệ nạn xã hội và các môn học liên quan đã giúp học sinh tiếp cận thông tin một cách tự nhiên và hiệu quả hơn. Các trường học cũng chú trọng tuyên truyền về Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá, giúp học sinh và giáo viên hiểu rõ hơn về quyền và nghĩa vụ của mình trong việc bảo vệ môi trường không khói thuốc.

Bên cạnh đó, nhà trường cần đưa nội quy cấm hút thuốc lá trong khuôn viên nhà trường xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đưa nội quy cấm hút thuốc lá vào quy chế của học sinh, treo biển báo cấm hút thuốc lá trong nhà trường, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu, các buổi nói chuyện về tác hại của thuốc lá/thuốc lào/thuốc lá điện tử… Thường xuyên kiểm tra, yêu cầu các căng tin bán hàng trong trường tuyệt đối không được bán thuốc lá.

Với nhiều biện pháp vừa mềm dẻo, vừa kiên quyết cùng với sự chung tay vào cuộc của các cấp, ngành và gia đình của học sinh, phong trào phòng, chống tác hại của thuốc lá đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của cán bộ, giáo viên và học sinh trong nhà trường, góp phần xây dựng một môi trường học đường không khói thuốc, tạo ra nếp sống văn minh cho cán bộ, giáo viên và học sinh, góp phần giữ gìn sức khỏe, duy trì lối sống lành mạnh, giảm tỷ lệ mắc các bệnh do thuốc lá gây ra.

Nhờ những nỗ lực trên, nhận thức của giáo viên và học sinh về tác hại của thuốc lá đã được nâng cao đáng kể. Tình trạng hút thuốc lá trong trường học giảm rõ rệt, góp phần tạo ra một môi trường học tập lành mạnh, bảo vệ sức khỏe cho các thế hệ trẻ.

Việc xây dựng môi trường học đường không khói thuốc là một quá trình lâu dài và đòi hỏi sự chung tay của toàn xã hội. Với những nỗ lực không ngừng, các trường học đã và đang góp phần quan trọng vào việc bảo vệ sức khỏe cho thế hệ trẻ.

Thanh Thanh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/moi-truo-ng-hoc-duo-ng-vi-mot-mien-dat-xanh-khong-khoi-thuoc-350586.html