Môi trường tín nhiệm được kỳ vọng cải thiện đáng kể trong năm 2025
Các chuyên gia dự báo, môi trường tín nhiệm của Việt Nam sẽ duy trì ổn định vào năm 2025, sau khi có sự cải thiện mạnh mẽ trong năm 2024. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội cũng được kỳ vọng thúc đẩy môi trường kinh doanh và giúp giảm tỷ lệ chậm trả trái phiếu doanh nghiệp.
FiinRatings công bố xếp hạng tín nhiệm Ngân hàng ACB Fitch Ratings xếp hạng tín nhiệm mặc định dài hạn của BSR ở mức “BB+” với “Triển vọng ổn định” Xếp hạng tín nhiệm nội địa: Động lực thúc đẩy minh bạch thị trường trái phiếu Việt Nam
Theo phân tích của các chuyên gia từ Công ty CP Xếp hạng Tín nhiệm Đầu tư Việt Nam (VIS Rating), môi trường tín nhiệm sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ nhờ vào các chính sách tập trung hỗ trợ nền kinh tế, đặc biệt là qua việc kích thích hoạt động kinh doanh và tiêu dùng trong nước. Theo đó, chính sách chi tiêu công, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và xuất khẩu sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì triển vọng tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, giúp Việt Nam đạt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 7,0% - 7,5% vào năm 2025.
VIS Rating dự đoán rằng, mức lãi suất có thể sẽ tăng, ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng tăng trưởng của các doanh nghiệp trong nước.
Tuy nhiên, với dự trữ ngoại hối thấp nhất trong vòng 5 năm qua vào cuối năm 2024, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc điều chỉnh tỷ giá, đặc biệt nếu dòng tiền ngoại tệ gia tăng và làm giảm giá trị đồng VND.
Bên cạnh đó, VIS Rating cũng cho rằng, điều kiện kinh doanh trong nước sẽ dần cải thiện nhờ vào các biện pháp hỗ trợ như chi tiêu công gia tăng và tâm lý thị trường bất động sản phục hồi. Đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng công cộng sẽ kích thích sự phát triển trong các ngành xây dựng, vật liệu và vận tải. Các chính sách mới được triển khai nhằm tháo gỡ các rào cản pháp lý và hoàn thiện quy hoạch đất đai cũng sẽ góp phần thúc đẩy các dự án bất động sản mới, đồng thời gia tăng niềm tin của người mua nhà.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_05_578_51404465/a85184d7bb9952c70b88.jpg)
VIS Rating kỳ vọng, doanh thu bán lẻ trong năm 2025 sẽ tăng trưởng từ 10% - 12% so với năm 2024, nhờ vào sự phục hồi thu nhập của hộ gia đình và việc tăng lương cho công chức. Tâm lý tích cực trong kinh doanh và tiêu dùng sẽ là động lực thúc đẩy nhu cầu vay vốn. Tuy nhiên, một yếu tố bất định quan trọng trong kịch bản của VIS Rating là chính sách của Hoa Kỳ dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Trump, có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến các quốc gia xuất khẩu, bao gồm Việt Nam.
Các chuyên gia phân tích, niềm tin của nhà đầu tư sẽ tiếp tục được củng cố nhờ vào các quy định nghiêm ngặt hơn về phát hành trái phiếu và yêu cầu minh bạch thông tin cao hơn. Điều này sẽ làm giảm khó khăn trong việc phát hành trái phiếu với mục đích tái cơ cấu nợ, mặc dù lãi suất có thể tăng lên do cạnh tranh huy động vốn từ các ngân hàng.
Về điều kiện huy động vốn, VIS Rating nhận định rằng sẽ duy trì ổn định trong năm 2025. Các ngân hàng hiện có nguồn vốn huy động dồi dào và thanh khoản vững chắc, tạo điều kiện thuận lợi cho việc gia tăng tín dụng cho các doanh nghiệp và cá nhân trong nước. Sau loạt cải cách quy định và sự triển khai của Luật Chứng khoán mới, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã có sự phục hồi, được chứng minh qua sự gia tăng ổn định của giá trị phát hành trái phiếu mới, bao gồm cả phát hành ra công chúng và riêng lẻ.
Về dòng tiền, theo VIS Rating, dòng tiền doanh nghiệp sẽ tiếp tục phục hồi, tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những yếu tố rủi ro lớn liên quan đến đòn bẩy nợ cao và thanh khoản yếu, đặc biệt đối với các doanh nghiệp trong các ngành bất động sản, xây dựng và vật liệu xây dựng. Mặc dù lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao (EBITDA) trong 9 tháng đầu năm 2024 của các doanh nghiệp niêm yết đã tăng 2% so với cùng kỳ năm trước, cải thiện so với mức giảm 9% trong năm 2023, nhưng nợ vay/EBITDA trung bình trong các ngành này vẫn cao, gần 9 lần, cao hơn mức bình quân chung là 3,6 lần.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_05_578_51404465/550a708c4fc2a69cffd3.jpg)
Hơn nữa, tình trạng phụ thuộc vào nợ ngắn hạn để đầu tư dài hạn đã dẫn đến tình trạng vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp gia tăng trong các năm 2022 - 2023. Khi thị trường tài chính thiếu thanh khoản, những doanh nghiệp không có dòng tiền từ hoạt động kinh doanh sẽ gặp khó khăn trong việc tái cơ cấu nợ. Ngay cả khi dòng tiền có dấu hiệu phục hồi, đòn bẩy nợ vẫn sẽ duy trì ở mức cao vì doanh nghiệp thường tiếp tục vay thêm để triển khai các dự án mở rộng. Cho đến khi các doanh nghiệp cải thiện chính sách quản lý nợ, rủi ro thanh khoản vẫn là một yếu tố cần được theo dõi sát sao. Đặc biệt, trong các ngành có đòn bẩy nợ cao, tỷ lệ nợ ngắn hạn so với dòng tiền hoạt động của các doanh nghiệp dao động từ 7 - 11 lần, cao hơn nhiều so với mức bình quân chung chỉ khoảng 3 lần.
Tỷ lệ trái phiếu chậm trả cũng được VIS Rating dự báo sẽ ổn định dần về mức bình thường trong năm 2025, phản ánh sự phục hồi của nền kinh tế vĩ mô và môi trường kinh doanh ổn định. Khuôn khổ pháp lý và hạ tầng thị trường ngày càng hoàn thiện sẽ giúp quản lý tốt hơn rủi ro vỡ nợ. Nền kinh tế mạnh mẽ sẽ thúc đẩy sự cải thiện trong dòng tiền, khả năng trả nợ và nhu cầu tái cấp vốn của doanh nghiệp.
Ngoài ra, các quy định nghiêm ngặt hơn về phát hành và đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp, cùng với việc minh bạch hóa thông tin và sử dụng xếp hạng tín nhiệm để cảnh báo rủi ro đầu tư, sẽ giúp củng cố sự phát triển bền vững của thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong giai đoạn tới. Điều này sẽ giúp các đơn vị phát hành và nhà đầu tư tự tin hơn trong việc áp dụng các công cụ tài chính mới để tái cấu trúc nợ và tránh tình trạng chậm trả trái phiếu./.