Hàng động quyết liệt ngay từ tháng đầu năm 2025 để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên

Yêu cầu của Thủ tướng Phạm Minh Chính được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Trần Văn Sơn nhấn mạnh khi chủ trì Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 01/2025, vừa diễn ra chiều nay (05/02), tại Hà Nội.

Quang cảnh Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 01/2025. Ảnh: HỒNG NHUNG

Quang cảnh Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 01/2025. Ảnh: HỒNG NHUNG

Mọi người, mọi nhà đều có Tết

Thông tin tại Họp báo, Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho biết, sáng cùng ngày, Chính phủ tổ chức Phiên họp thường kỳ tháng 01/2025 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhằm đánh giá, xem xét về tình hình kinh tế xã hội tháng 01/2025; triển khai Nghị quyết 01 của Chính phủ; xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế của các địa phương; tình hình phân bổ giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới và một số nội dung quan trọng khác.

Tại Phiên họp, Chính phủ thống nhất đánh giá: dù số ngày làm việc ít hơn cùng kỳ, tình hình kinh tế xã hội tháng 01/2025 tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực với nhiều kết quả quan trọng, đáng ghi nhận trên các lĩnh vực, nổi bật là:

Tết Ất Tỵ 2025 diễn ra trong không khí vui tươi, đầm ấm, sum vầy, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; mọi người, mọi nhà đều có Tết. Đã hỗ trợ, tặng quà Tết cho trên 13,5 triệu lượt đối tượng với tổng kinh phí gần 8 nghìn tỷ đồng. Có 3,8 triệu đối tượng bảo trợ xã hội, người cao tuổi, trẻ em nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ, tặng quà. Chính phủ đã hỗ trợ cho người dân trên 6,6 nghìn tấn gạo. Nhiều địa phương tích cực triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,63% so với cùng kỳ. Thị trường tiền tệ, tỉ giá cơ bản ổn định; mặt bằng lãi suất cho vay duy trì xu hướng giảm. Thu NSNN đạt gần 276 nghìn tỷ đồng, bằng 14% dự toán, tăng 3,5% so với cùng kỳ. Cán cân thương mại xuất siêu 1,23 tỷ USD. An ninh năng lượng, lương thực được bảo đảm; cung ứng lao động cơ bản đáp ứng nhu cầu.

Các ngành, lĩnh vực chủ yếu có nhiều tín hiệu tích cực: Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 0,6% so với cùng kỳ; trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,6%; sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản phát triển ổn định; bảo đảm nhu cầu tăng vào dịp Tết; thương mại, dịch vụ khá sôi động; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1 tăng 9,5%.

Đầu tư phát triển tiếp tục đạt kết quả tích cực. Vốn FDI đăng ký đạt 3,55 tỷ USD, tăng 21,8%. Vốn FDI thực hiện đạt 1,51 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ…

Bên cạnh những kết quả đạt được, các thành viên Chính phủ thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức nổi lên, cần ứng phó là: Sức ép điều hành kinh tế vĩ mô, lạm phát, tỷ giá, lãi suất lớn; cạnh tranh chiến lược gay gắt; tác động, ảnh hưởng của các chính sách của các nền kinh tế lớn; giải ngân đầu tư công còn chậm, chưa có chuyển biến rõ nét…

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn thông tin tại Họp báo. Ảnh: HỒNG NHUNG

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn thông tin tại Họp báo. Ảnh: HỒNG NHUNG

Tiếp tục hoàn thiện thể chế với tinh thần "đột phá của đột phá"

Cũng theo Bộ trưởng Trần Văn Sơn, kết luận phiên họp, trên cơ sở xác định các nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và phân tích tình hình quốc tế, khu vực, trong nước, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt với khí thế mới, xung lực mới ngay từ ngày đầu, tháng đầu năm 2025; thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các Kết luận, Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, nhất là Kết luận số 123 của Trung ương về Đề án bổ sung về phát triển kinh tế xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên; các Nghị quyết số 01, 02 của Chính phủ; khẩn trương ban hành và triển khai các Chương trình, Kế hoạch hành động theo các nhiệm vụ được giao. Chuẩn bị kỹ lưỡng các nội dung phục vụ Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Tiếp tục hoàn thiện thể chế với tinh thần "đột phá của đột phá"; tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động; đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số. Khẩn trương rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật không còn phù hợp, chồng chéo theo hướng vướng mắc ở đâu tháo gỡ ở đó, ở cấp nào thì cấp đó chủ động đề xuất, sửa đổi, hoàn thiện. Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy theo Nghị quyết số 18-NQ/TW. Chú trọng thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57 về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, tập trung làm mới các động lực truyền thống, thúc đẩy các động lực mới.

Cụ thể, về đầu tư, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, các Chươg trình mục tiêu quốc gia ngay từ đầu năm, nhất là các dự án giao thông chiến lược, sân bay, cảng biển, đường cao tốc, dự án liên vùng, liên tỉnh. Phấn đấu hoàn thành các công trình trọng điểm quốc gia, đạt ít nhất 3.000 km đường bộ cao tốc và trên 1.000 km đường bộ ven biển vào cuối năm 2025. Tăng cường xúc tiến, thu hút dự án FDI có quy mô lớn, công nghệ cao, nhất là các ngành chế biến, chế tạo, điện tử, bán dẫn, hydrogen...

Về xuất khẩu, thúc đẩy thương mại hài hòa, mở rộng thị trường xuất khẩu, tập trung đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu. Khai thác hiệu quả các FTA đã ký kết, các thị trường mới, tiềm năng.

Về tiêu dùng, kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt. Đẩy mạnh cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Triển khai đồng bộ các giải pháp để đẩy mạnh thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.

Thúc đẩy mạnh mẽ, hiệu quả, thực chất các động lực tăng trưởng mới; thúc đẩy các ngành, lĩnh vực mới nổi như: dữ liệu lớn, điện toán đám mây, quang điện tử, công nghiệp internet, internet vạn vật, công nghiệp y sinh học, công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí...

Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế - trong đó tốc độ tăng trưởng điện năng khoảng 12,5-13%. Tập trung điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác.

Thực hiện tốt các biện pháp tăng trưởng tín dụng (phấn đấu trên 16%), hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng; kiểm soát chặt chẽ tín dụng các lĩnh vực rủi ro cao; phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Khẩn trương hướng dẫn, phấn đấu tiết kiệm thêm khoảng 10% chi thường xuyên năm 2025 so với dự toán năm 2024 để bổ sung đầu tư cho tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Triển khai hiệu quả công tác thu NSNN, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời… Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chính sách giảm thuế, phí, lệ phí cho người dân, doanh nghiệp.

Cũng tại Họp báo, Bộ trưởng Trần Văn Sơn cùng đại diện các Bộ, ngành đã trả lời câu hỏi của các nhà báo về các vấn đề dư luận xã hội quan tâm thời gian qua như: Giải pháp đột phá để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng năm 2025; việc rà soát, đánh giá số lượng công chức, viên chức sau tinh giản bộ máy, nguồn hỗ trợ các cán bộ nghỉ hưu trước tuổi; giải pháp giữ chân người lao động sau Tết; kinh nghiệm đảm bảo an sinh xã hội dịp Tết Nguyên đán 2025; giải pháp của Ngân hàng Nhà nước để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng GDP 8%; tình hình giao thông dịp Tết Ất Tỵ 2025.../.

HỒNG NHUNG

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/hang-dong-quyet-liet-ngay-tu-thang-dau-nam-2025-de-dat-muc-tieu-tang-truong-8-tro-len-38017.html