Mỗi tuần một địa chỉ giúp dân
Góp phần chăm lo đời sống người dân khu vực biên giới, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Long An chỉ đạo các đồn biên phòng (ĐBP) trên toàn tuyến biên giới của tỉnh triển khai, thực hiện nhiều mô hình, phong trào ý nghĩa, thiết thực. Trong đó, mô hình Mỗi tuần một địa chỉ đã giúp các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách, người già neo đơn trên địa bàn giảm bớt khó khăn, ổn định cuộc sống, an tâm sản xuất, phát triển kinh tế.
Không còn cảnh trống trước, trống sau, gia đình chị Lê Thị Đẹp (xã Mỹ Bình, huyện Đức Huệ) đã có ngôi nhà mới kín đáo, kiên cố. Ngôi nhà được xây dựng từ nguồn vận động mạnh thường quân hỗ trợ của ĐBP Mỹ Thạnh Tây và cán bộ, chiến sĩ (CBCS) đơn vị phụ giúp ngày công. Ngôi nhà là tình cảm, trách nhiệm, sự sẻ chia của những người lính BP với người dân nơi biên giới còn nhiều khó khăn qua mô hình Mỗi tuần một địa chỉ.
Chị Đẹp chia sẻ: “Căn nhà cũ đã dột nát nên nhờ chính quyền địa phương và ĐBP Mỹ Thạnh Tây hỗ trợ xây dựng được căn nhà kiên cố, tôi thật sự rất hạnh phúc và vui mừng. Cảm ơn chính quyền địa phương và CBCS BĐBP rất nhiều!”.
Đều đặn thứ bảy hàng tuần, các ĐBP thuộc BĐBP tỉnh cử 1 tổ khoảng 5-7 CBCS phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ và Đoàn Thanh niên các xã biên giới tổ chức sửa sang, dọn nhà cửa, thu hoạch hoa màu giúp các gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn trên địa bàn đóng quân hoặc tham gia các hoạt động xây dựng nông thôn mới.
Ngoài ra, đơn vị còn vận động kinh phí và cử CBCS hỗ trợ ngày công lao động để xây dựng nhà ở cho các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Từ khi thực hiện đến nay, mô hình Mỗi tuần một địa chỉ đã giúp đỡ hàng trăm gia đình chính sách, hộ nghèo trên địa bàn biên giới.
Trung tá Bùi Ngọc Thiệp - Chính trị viên ĐBP Mỹ Thạnh Tây, BĐBP tỉnh, cho biết: “Từ những mô hình, phong trào được đơn vị triển khai, thực hiện, đặc biệt là mô hình Mỗi tuần một địa chỉ đã xây dựng mối quan hệ đoàn kết giữa quân với dân như cá với nước. Những hoạt động này cũng góp phần nâng cao ý thức của người dân, phối hợp BĐBP làm tốt công tác bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Qua đó, mỗi người dân là một “chiến sĩ BP” trong bảo vệ biên cương của Tổ quốc”.
Khoảng giữa năm 2017, mô hình Mỗi tuần một địa chỉ được triển khai, thực hiện đầu tiên tại ĐBP Long Khốt. Chỉ trong năm đó, mô hình mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, được người dân cũng như cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đánh giá cao. Những “trái ngọt” từ mô hình của ĐBP Long Khốt để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng người dân. Điển hình, đơn vị trực tiếp vận động mạnh thường quân hỗ trợ kinh phí và cử CBCS tham gia nhiều ngày công lao động để xây dựng, hoàn thành 2 căn nhà tình thương, tình nghĩa cho bà Nguyễn Thị Mỹ Lệ và ông Phan Tấn Hoàng tại xã Thái Bình Trung, huyện Vĩnh Hưng.
Đến nay, mô hình được nhân rộng ở tất cả đơn vị trực thuộc BĐBP tỉnh. Chỉ tính riêng năm 2023, các đơn vị cử 68 tổ với gần 600 lượt CBCS BĐBP tỉnh tham gia phối hợp chính quyền địa phương, các trường ở khu vực biên giới, địa bàn đóng quân tổ chức sửa chữa, chỉnh trang lại trường lớp; vệ sinh, sửa chữa, nâng cấp 4,5km đường giao thông nông thôn, trồng 3.270 cây xanh trên tuyến, khu dân cư, dọn vệ sinh tại các nhà bia tưởng niệm anh hùng liệt sĩ; đặc biệt tham gia giúp đỡ, sửa sang, dọn vệ sinh nhà cửa, thu hoạch hoa màu cho hơn 50 địa chỉ là các gia đình chính sách, có hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn trên địa bàn biên giới. Không riêng thường lệ là các ngày thứ bảy hàng tuần, bất kể khi nào người dân cần, CBCS đều có mặt phụ giúp, hỗ trợ.
Gia đình bà Huỳnh Thị Non (ấp 6, xã Mỹ Quý Đông, huyện Đức Huệ) thường xuyên được CBCS BĐBP tỉnh đến phụ giúp sửa chữa nhà cửa, phát quang xung quanh khu vực nhà ở hay chằng chống lại mái tôn. Bà Non tâm sự: "Gia đình chỉ có 2 bà cháu nên được BĐBP giúp đỡ, tôi thật sự cảm ơn và rất trân quý".
Cùng với thực hiện mô hình Mỗi tuần một địa chỉ, BĐBP tỉnh còn thường xuyên duy trì hỗ trợ gạo cho bà từ mô hình Hũ gạo tình thương với mong muốn phần nào chia sẻ khó khăn với gia đình.
Đại úy Nguyễn Đình Quyền - Chính trị viên phó ĐBP Cửa khẩu Mỹ Quý Tây, BĐBP tỉnh, thông tin: “Có đồng hành, cùng ăn, cùng ở, cùng làm thì mới thấu hiểu những khó khăn, vất vả của người dân biên giới. Từ đó, có những đề xuất cụ thể, thiết thực, tham mưu cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cũng như chỉ huy đơn vị hỗ trợ, góp phần phát triển KT-XH địa phương”.
Không chỉ chăm lo đời sống người dân biên giới, mô hình Mỗi tuần một địa chỉ còn góp phần giáo dục CBCS tinh thần "tương thân, tương ái", thể hiện đạo lý Uống nước nhớ nguồn; phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ BĐBP trong việc chia sẻ khó khăn với người dân nơi đóng quân. Mô hình cũng là một trong những việc làm thiết thực, phát huy tình đoàn kết quân - dân, xây dựng nền BP toàn dân vững mạnh, xây dựng hình ảnh tốt đẹp của người lính Bộ đội Cụ Hồ trong lòng người dân biên giới./.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/moi-tuan-mot-dia-chi-giup-dan-a170995.html