Mỗi xã không chỉ một sản phẩm
Không thể phủ nhận, Chương trình 'Mỗi xã một sản phẩm' (OCOP) đã tác động mạnh mẽ tới sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong tỉnh.
Sản phẩm mắm tôm của Công ty TNHH Thực phẩm và Thương mại dịch vụ Lê Gia đã được xếp hạng OCOP 5 sao quốc gia. Ảnh: Nguyễn Ngọc
Theo thống kê của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh, tính đến hết tháng 9-2021, toàn tỉnh có 120 sản phẩm OCOP trên địa bàn 63 xã, phường, thị trấn (21 huyện, thị xã, thành phố) của 77 chủ thể tham gia. Trong đó, nhiều xã, thị trấn đã xây dựng từ 2 sản phẩm OCOP trở lên. Đơn cử như: xã Phú Xuân (Thọ Xuân) có 2 sản phẩm (kẹo lạc và kẹo gạo lức của Công ty TNHH Đức Giang); phường Hải Thanh (thị xã Nghi Sơn) có 3 sản phẩm (nước mắm thượng hạng, mắm tôm đặc biệt và mắm tép đặc biệt của hộ sản xuất, kinh doanh Tác Huy); xã Vĩnh Phúc (Vĩnh Lộc) có 4 sản phẩm (dưa lưới Nam Giao, dưa vàng Nam Giao, túi xách Nông Phú và chổi đót Nông Phú); xã Nga Thanh (Nga Sơn) có 5 sản phẩm (thảm cói trải sàn, chiếu dệt tay thủ công, chiếu xách tay, hộp đựng đồ và túi du lịch của Công ty TNHH Ngân Khương)...
1 xã có tới 7 sản phẩm OCOP
Hoằng Phụ là xã bãi ngang ven biển, nằm ở phía Đông Nam của huyện Hoằng Hóa. Ngành nghề chủ yếu của xã là sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, khai thác và chế biến thủy sản. Chính lợi thế đó đã đem lại cho xã những sản vật dồi dào, phong phú từ biển, như: cá, tôm, moi, tép... Đây cũng là nguồn nguyên liệu tinh túy, chất lượng để làm ra những sản phẩm mang đậm hương vị đặc trưng của biển mà ít nơi nào sánh được như: nước mắm, mắm tôm, mắm tép... Điều này đã được khẳng định, bởi Hoằng Phụ là xã duy nhất trong tỉnh đến nay có tới 7 sản phẩm OCOP đã được công nhận (1 sản phẩm 5 sao quốc gia, 2 sản phẩm 4 sao và 4 sản phẩm 3 sao), gồm các sản phẩm: nước mắm, mắm tôm và mắm tép của Công ty TNHH Thực phẩm và Thương mại dịch vụ Lê Gia; nước mắm bà Hoan – cá cơm cốt đặc biệt, mắm tôm, mắm tép của Công ty TNHH Khuê Các; nước mắm cốt Tân Mai của hộ sản xuất, kinh doanh Vũ Thị Mai.
Ông Trương Hùng Thế, Phó Chủ tịch UBND xã Hoằng Phụ, cho biết: Xác định mục tiêu của Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) là nâng cao thu nhập, tạo việc làm, cải thiện chất lượng đời sống cho người dân, góp phần tích cực xây dựng nông thôn mới, thời gian qua xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai các nội dung xây dựng OCOP tới người dân, các hộ gia đình, doanh nghiệp, công ty trên địa bàn. Trên cơ sở phát huy lợi thế, điều kiện tự nhiên và xã hội của địa phương, xã đã tập trung xây dựng thành công các sản phẩm chế biến từ mắm trở thành những sản phẩm được công nhận OCOP. Ngoài các yếu tố do vùng nguyên liệu dồi dào, phong phú từ biển, có nghề truyền thống làm mắm lâu đời, người dân Hoằng Phụ còn năng động, nắm bắt thị trường, đầu tư máy móc, thiết bị, bao bì, mẫu mã sản phẩm, mở rộng quy mô sản xuất, đảm bảo quy trình kỹ thuật, nhất là thực hiện tốt khâu an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường. Bên cạnh đó, UBND xã đã tạo điều kiện về thủ tục hồ sơ, hành lang pháp lý cho các chủ thể tham gia xây dựng sản phẩm OCOP. Đặc biệt, xã đã quy hoạch mặt bằng khoảng 3,5 ha để xây dựng làng nghề nước mắm Khúc Phụ, với mong muốn các hộ liên kết để phát triển, mở rộng thị trường, xúc tiến thương mại trong nước và tìm kiếm cơ hội xuất khẩu.
Trong số 3 sản phẩm OCOP của Công ty TNHH Thực phẩm và Thương mại dịch vụ Lê Gia (Công ty Lê Gia), mắm tôm là sản phẩm đạt chất lượng OCOP 5 sao (theo kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) cấp quốc gia năm 2020), 2 sản phẩm còn lại đạt chất lượng 4 sao. Đây cũng là sản phẩm duy nhất trong số 120 sản phẩm OCOP của tỉnh Thanh Hóa (tính đến hết tháng 9-2021) được công nhận sản phẩm OCOP 5 sao.
Mắm tôm Lê Gia thơm ngon, khác biệt, chiếm được sự tin yêu của nhiều khách hàng nhờ quy trình sản xuất cầu kỳ và khác biệt. Mấu chốt quyết định hũ mắm tôm ngon là nguồn nguyên liệu phải chuẩn, từ moi đến muối đều phải được chọn lọc và kiểm nghiệm kỹ lưỡng. Moi làm mắm lựa chọn thời điểm từ tháng 7 đến tháng 10 âm lịch. Đây là lúc moi trưởng thành nhiều thịt, vỏ mỏng cho ra những sản phẩm mắm tôm đạt chất lượng. Moi làm mắm là moi săm văn – loại moi sống ở tầng nước mặt, nên tươi ngon và sạch hơn. Ngay sau khi được vớt lên để ráo nước, moi được tiến hành ủ muối ngay để đảm bảo cho ra sản phẩm có chất lượng tốt nhất. Muối làm mắm được sử dụng từ muối hạt tinh khiết, lấy từ vùng biển Bà Rịa – Vũng Tàu, Ninh Thuận. Muối được lưu kho ít nhất 2 năm cho trôi hết những thành phần chát đắng gây bất lợi cho sản phẩm. Sau khi moi và muối đã được trộn đều theo tỷ lệ thích hợp được cho vào thùng ủ mắm chuyên dụng để đảm bảo sự nguyên bản của mắm. Đặc biệt, Công ty TNHH Thực phẩm và Thương mại dịch vụ Lê Gia sử dụng thùng gỗ bời lời để ủ mắm, bởi đây là loại gỗ có khả năng chịu mặn tốt, là nơi lý tưởng để các enzym phát triển tự nhiên, cho ra sản phẩm có mùi vị đặc trưng, thơm ngon, tinh túy nhất. Sau hơn 12 tháng cầu kỳ chăm sóc, những mẻ mắm môm đã ngả màu sim chín, có mùi thơm bùi dịu nhẹ, vị ngọt thanh, được kiểm định và đóng chai để cho ra thành phẩm mắm tôm Lê Gia. Hiện tại, sản phẩm mắm tôm cùng với nước mắm và mắm tép của Công ty TNHH Thực phẩm và Thương mại dịch vụ Lê Gia đang được bày bán trong các chuỗi bán lẻ và siêu thị trên toàn tỉnh. Sau nhiều năm nỗ lực tìm tòi, hoàn thiện đáp ứng những điều kiện khắt khe, các sản phẩm từ mắm của Công ty TNHH Thực phẩm và Thương mại dịch vụ Lê Gia đã được xuất khẩu chính ngạch sang nhiều thị trường khó tính như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga...
Ông Lê Anh, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm và Thương mại dịch vụ Lê Gia, chia sẻ: Không dừng lại ở thành công bước đầu, công ty sẽ tiếp tục cải thiện nâng cao chất lượng sản phẩm và chinh phục thêm nhiều thị trường quốc tế. Công ty cũng đang hoàn thiện các thủ tục khởi công xây dựng nhà máy mới quy mô sản xuất gấp 3 lần công suất hiện tại, kết hợp với mô hình trải nghiệm du lịch làng nghề sản xuất mắm truyền thống. Đây sẽ là món quà tinh túy nhất từ biển khi du khách có dịp đến nghỉ dưỡng, tham quan Khu Du lịch biển Hải Tiến. Từ đó, góp phần phát huy giá trị bản sắc của quê hương, cũng như giữ gìn và phát triển nghề truyền thống của cha ông.
Làm OCOP ở xã miền núi và vùng dân tộc thiểu số
Bình Sơn là xã miền núi và vùng dân tộc thiểu số của huyện Triệu Sơn. Nơi đây là vùng bán sơn địa nên có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển mạnh kinh tế nông, lâm nghiệp. Đặc biệt, điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở Bình Sơn rất phù hợp cho cây chè sinh trưởng. Những đồi chè bát úp rộng hàng trăm ha cứ trải dài màu xanh mướt mát, ôm ấp lấy vùng quê này và là nguồn sinh kế của người dân địa phương. Nghề trồng chè đã có từ lâu, nhưng nay mới được nhiều người biết đến, nhờ sản phẩm chè sạch Bình Sơn đã được công nhận OCOP 3 sao và đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước.
Xuất phát điểm thấp, điều kiện kinh tế - xã hội của Bình Sơn còn nhiều khó khăn, thu nhập chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp và nghề rừng. Xã Bình Sơn hiện có hơn 300 ha diện tích, với khoảng 500 hộ dân trồng chè. Tuy nhiên, người dân chủ yếu sản xuất bằng phương pháp thủ công, quy mô nhỏ lẻ, để xây dựng thành công sản phẩm OCOP là cả một quãng đường gian nan, thử thách. Song, được sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền các cấp, cùng với phát huy nội lực của địa phương, đặc biệt nhờ thụ hưởng những cơ chế, chính sách hỗ trợ dành cho địa bàn miền núi và vùng dân tộc thiểu số, nên đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân ngày càng được cải thiện, diện mạo của xã có nhiều đổi thay, trong đó nghề trồng chè thực sự đã có nhiều khởi sắc.
Xác định rõ lợi thế và khó khăn hiện có, HTX dịch vụ nông lâm nghiệp Bình Sơn đã không ngừng tìm tòi hướng đi mới cho cây chè phát triển. HTX đã kêu gọi vận động 20 hộ dân trồng chè trong xã tham gia sản xuất tập trung, với tổng diện tích hơn 30 ha. Tổ chức tập huấn, đưa người dân đi học tập kinh nghiệm, tham khảo các mô hình sản xuất chè ở các tỉnh, thành phố phía Bắc, nhằm từng bước thay đổi tập quán sản xuất truyền thống của bà con. Sau khi học tập mô hình, các hộ dân đã mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ các công đoạn sản xuất chè theo quy trình sạch, đảm bảo chất lượng, mẫu mã.
Ông Lê Đình Tú, Giám đốc HTX dịch vụ nông lâm nghiệp Bình Sơn, cho hay: Để tìm đầu ra cho sản phẩm, HTX đã đấu mối với các ngành chức năng, đưa sản phẩm chè sạch Bình Sơn giới thiệu tại các gian trưng bày sản phẩm OCOP của tỉnh, tham gia các hội chợ, triển lãm sản phẩm nông nghiệp trong và ngoài vùng. Từ đó góp phần quảng bá giới thiệu sản phẩm của địa phương, từng bước tìm được chỗ đứng trên thị trường. Sau khi trở thành sản phẩm OCOP 3 sao, mỗi năm HTX cung cấp cho thị trường hàng chục tấn chè khô. Giờ đây, Bình Sơn không chỉ được biết đến với sản phẩm chè sạch thơm ngon nổi tiếng mà còn có các sản phẩm: mật ong bốn mùa hoa rừng nguyên chất, trà xanh túi lọc, trà cà gai leo túi lọc, đều là những sản phẩm của HTX dịch vụ nông lâm nghiệp Bình Sơn đã được công nhận OCOP 3 sao.
“Thời gian qua, UBND xã luôn sát cánh cùng với HTX trong quá trình xây dựng các sản phẩm OCOP. Ngoài việc hỗ trợ tạo điều kiện về thủ tục hồ sơ, pháp lý, xã đã trình UBND huyện phê duyệt mặt bằng quy hoạch xây dựng trụ sở HTX tại địa phương, để tạo thuận tiện hơn trong việc giao dịch, trao đổi, giới thiệu sản phẩm. Đồng thời nỗ lực giữ vững, duy trì chất lượng các sản phẩm đã được công nhận, đa dạng kiểu dáng, mẫu mã, nhằm tiếp tục “nâng hạng” cho các sản phẩm OCOP của địa phương” - ông Bùi Văn Đồng, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Sơn khẳng định.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/bao-hang-thang/moi-xa-khong-chi-mot-san-pham/146376.htm