Mỗi xã một nhà rang xay cà phê

Thay vì chú trọng xuất khẩu thô, vài năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp kinh doanh cà phê đã nghĩ đến cách 'đứng chân' tại thị trường nội địa. Đây là việc huyện Lạc Dương ký kết với các doanh nghiệp theo phương châm 'Mỗi xã một nhà rang xay cà phê' nhằm xây dựng chuỗi liên kết, xây dựng thương hiệu cà phê Lang Biang.

Việc liên kết thu mua sản phẩm để rang xay cà phê sạch đã đem lại hiệu quả cao cho người nông dân

Việc liên kết thu mua sản phẩm để rang xay cà phê sạch đã đem lại hiệu quả cao cho người nông dân

Quả ngọt từ liên kết

Tại xã Đưng K’Nớ, nông dân trồng cà phê vui mừng bởi thông qua liên kết sản xuất và tiêu thụ cà phê với Công ty ACOM vừa cho năng suất tăng, vừa có giá bán cao hơn so với thị trường.

Ông Liêng Hót Ha Ban (thôn Lán Tranh) cho biết: Nhờ được công ty chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng và chăm sóc nên năng suất cà phê năm qua cao hơn hẳn, giá thành cũng cao hơn, từ đó nâng cao thu nhập cho gia đình.

Hay ông Kră Jăn Ha Djm, Thôn 1, xã Đạ Sar, có 1,5 ha liên kết với Công ty The Married Beans trồng theo quy trình và tiêu chuẩn của công ty đã thật sự đem lại hiệu quả khá cao. Hiện nay, vườn cà phê của ông là vườn duy nhất của xã Đạ Sar trồng cà phê Bourbon quý hiếm này. Bắt tay liên kết với công ty, gia đình được các kỹ sư trực tiếp tập huấn, tư vấn, chuyển giao kỹ thuật chăm sóc, định hướng các loại phân, thuốc và quy trình chăm sóc cụ thể dựa vào tình hình phát triển của cây, chất đất, địa hình từ kỹ thuật chăm sóc ban đầu đến khi thu hoạch. Ngoài ra, gia đình còn được hỗ trợ phân bón theo hình thức thanh toán 50/50, tức chỉ phải trả trước 50% giá tiền, số tiền còn lại sẽ được thanh toán sau khi hoàn thành việc thu hoạch.

Ông Cil Niêm, Phó Chủ tịch UBND xã Đạ Sar cho biết: Hiện nay, xã Đạ Sar đang trở thành vùng nguyên liệu cà phê được nhiều nhà rang xay tìm đến và liên kết sản xuất với giá thành cũng cao hơn thị trường. Qua đó, thu nhập của bà con được cải thiện, giúp người dân yên tâm tiếp tục sản xuất cà phê và sống tốt từ cây trồng chủ lực này.

Nâng giá trị cây cà phê

Hiện nay, cây trồng chủ lực của huyện Lạc Dương vẫn là cà phê Arabica. Với lợi thế vị trí địa lý, điều kiện khí hậu, đất đai, chất lượng cà phê ở Lạc Dương rất thơm ngon. Chính vì vậy, từ năm 2015, huyện đã tiến hành xây dựng thương hiệu Cà phê Arabica Langbiang để nâng cao giá trị sản phẩm đặc trưng của huyện.

Nếu như trước kia, người dân chủ yếu bán cho tiểu thương nên thường xuyên bị ép giá thấp hơn 1-2 giá thì khi liên kết với các nhà rang xay cà phê sẽ yên tâm về giá cả, với giá bán cao hơn hẳn so với thị trường.

Ông Hồ Phạm Minh Duy - Giám đốc Công ty Married Beans chia sẻ: Không chủ trương sản xuất và xuất khẩu ồ ạt, từ khi mới ra đời, công ty đã chủ trương liên kết với nông dân để sản xuất ra nguồn nguyên liệu cà phê sạch, từ đó đầu tư chế biến để cho ra đời các sản phẩm cà phê hoàn chỉnh phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

Nhờ đó, đến nay, tại các trang trại cà phê của Married Beans hàng nghìn gốc cà phê giống được công ty trồng, đánh giá độ thích ứng với biến đổi khí hậu, rồi chuyển giao cho người dân. Đồng thời, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với người dân để bảo đảm sản phẩm có đầu ra và doanh nghiệp có được nguồn nguyên liệu chất lượng phục vụ sản xuất chế biến.

Bên cạnh đó, công ty luôn đồng hành, gắn kết với người trồng cà phê ở Lạc Dương, đặc biệt là cộng đồng dân tộc thiểu số K’Ho.

“Chúng tôi không ngừng tìm giải pháp tốt hơn để tiếp cận, chuyển giao quy trình sản xuất cà phê từ giống, phương pháp canh tác mới nhất, nâng cao chất lượng cà phê Arabica và mang đến cho người nông dân thu nhập tốt, cải thiện cuộc sống mỗi ngày” - ông Duy cho hay.

Ông Hoàng Xuân Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Lạc Dương cho biết: Hiện nay, toàn huyện Lạc Dương còn khoảng 4.200 ha cà phê Arabica, trên thế giới cũng rất ít nơi trồng được loại cà phê thơm ngon này, nên việc đăng ký nhãn hiệu thật sự là bước đi trước của huyện. Để giữ vững thương hiệu này, huyện đã mời một số doanh nghiệp vào cuộc để cùng bà con nâng cao thương hiệu cà phê địa phương.

Có lẽ đây là thành công bước đầu trong chiến lược phát triển thương hiệu Cà phê Arabica Langbiang của huyện. Hiện nay, huyện đã xây dựng được các chuỗi liên kết sản xuất cà phê với Công ty ACOM ở Đưng K’Nớ, Công ty Married Beans ở Đạ Sar và Công ty OLAM ở xã Lát. Theo đó, việc hướng tới mỗi xã có một nhà rang xay cà phê nhằm phát huy, nâng cao hiệu quả giá trị thương hiệu Cà phê Arabica Langbiang trên địa bàn Lạc Dương là hướng đi sẽ mang lại nhiều lợi ích trong tương lai.

HOÀNG YÊN - HOÀNG SA

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/201911/moi-xa-mot-nha-rang-xay-ca-phe-2973535/