Mỗi xã một sản phẩm – những kết quả bước đầu
Mục tiêu 'Mỗi xã một sản phẩm' (OCOP) là bước đi tiếp theo trong phát triển tiêu chí sản xuất của Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đây chính là cơ hội để các địa phương phát triển các sản phẩm truyền thống, có thế mạnh thành hàng hóa nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, tạo việc làm và thu nhập lớn hơn cho người dân. Tại Thanh Hóa, chương trình OCOP mới triển khai những bước đi đầu tiên, đã manh nha những đường hướng cho phát triển của các sản phẩm truyền thống ra thị trường trong tỉnh, trong nước và tiến tới là thế giới.
Phân loại kén để sản xuất lụa tại làng nghề truyền thống nhiễu Hồng Đô (xã Thiệu Đô, Thiệu Hóa).
Đến thời điểm hiện tại, nhiều huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đã chính thức triển khai chương trình. Những lý thuyết, kinh nghiệm từ quốc tế, từ các địa phương đi trước trong cả nước đã được tập huấn đến đông đảo người tham gia sản xuất, lãnh đạo các HTX, chính quyền các địa phương. Trong tháng 6–2019, UBND tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch số 134/KH-UBND để triển khai thực hiện Đề án Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Thanh Hóa, năm 2019, định hướng những năm tiếp theo. Trước mắt, chương trình ưu tiên phát triển những sản phẩm sẵn có, đã phát triển thành hàng hóa, thậm chí đã trở thành “thương hiệu” nổi tiếng của từng địa phương trong tỉnh. Theo đó, huyện Nga Sơn ưu tiên phát triển vùng dưa hấu tập trung, chiếu và các sản phẩm từ cói. Huyện Thiệu Hóa “nâng tầm” các sản phẩm đã nổi tiếng xa gần như nhiễu Hồng Đô, đúc đồng Chè Đông xã Thiệu Trung. Sản phẩm làng nghề du lịch cộng đồng cũng đã trở thành thế mạnh và đã gặt hái nhiều thành công của huyện miền núi Bá Thước. Cùng với đó, khu vực vùng lõi của Khu Bảo tồn Thiên nhiên Pù Luông của huyện miền núi này còn phát triển các sản phẩm OCOP khác, như: Vịt Cổ Lũng, vải thổ cẩm. Bưởi Luận Văn (xã Thọ Xương), bánh lá răng bừa, nem nướng, bánh gai Tứ Trụ (Thọ Diên)... cũng đã gắn liền với tên tuổi của huyện Thọ Xuân từ nhiều đời, nay càng có lợi thế để phát triển các sản phẩm OCOP. Các sản phẩm từ biển như nước mắm Ba Làng, đồ hải sản khô cũng đã được huyện Tĩnh Gia chọn làm những sản phẩm OCOP đầu tiên...
Chưa triển khai theo chiều sâu, song những sản phẩm có khả năng vươn xa của tỉnh Thanh Hóa đã có đến con số hàng trăm. Lợi thế nhất là những sản phẩm trồng trọt, như: Bưởi Vân Du, cam vàng, cam Vân Du (Thạch Thành); bưởi Diễn (Thọ Xuân, Yên Định, Thạch Thành, Như Thanh); chanh tứ quý (Như Thanh, Triệu Sơn); quýt hôi (Bá Thước); táo, ổi, cam, dưa Kim Hoàng hậu (Thọ Xuân, Yên Định); dưa hấu (Nga Sơn); thanh long ruột đỏ (Bỉm Sơn)... Nhiều sản phẩm chăn nuôi cũng đang chiếm lĩnh được thị trường trong và ngoài tỉnh, nếu được phát triển theo hướng của chương trình OCOP, hoàn toàn có thể vươn ra thị trường quốc tế, như: Mật ong (Thạch Thành, Cẩm Thủy,...), vịt Cổ Lũng (Bá Thước); vịt bầu (Như Xuân); gà đồi, gà ri (Triệu Sơn, Yên Định, Như Thanh, Quan Hóa, Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Thường Xuân); trứng gia cầm sạch (Đông Sơn, Nông Cống); rau an toàn theo hướng VietGAP (TP Thanh Hóa, Bá Thước, Thạch Thành, Quan Hóa, Yên Định, Nông Cống, Lang Chánh, Như Thanh, Cẩm Thủy, Thiệu Hóa, Hoằng Hóa, Quảng Xương, Triệu Sơn).
Các loại bánh kẹo, thực phẩm từ những cơ sở sản xuất, làng nghề truyền thống cũng có thể liệt kê ra con số hàng chục, như: Kẹo nhãn (Lang Chánh), bánh đa nem (Thiệu Hóa), kẹo lạc (Thọ Xuân), chè lam Phủ Quảng (Vĩnh Lộc), nước mắm (Tĩnh Gia, Quảng Xương, Sầm Sơn, Hoằng Hóa), mắm tép (Hà Trung), nước tương (Yên Định, Thọ Xuân), gạo nếp hạt cau (Hà Trung, Vĩnh Lộc, Cẩm Thủy, Ngọc Lặc), miến dong (Cẩm Thủy), miến gạo (Nông Cống, Yên Định), mật ong (Thạch Thành, Như Thanh, Cẩm Thủy, Thường Xuân), sứa đóng túi (Sầm Sơn), chả cá (Tĩnh Gia), dê ủ trấu (Nga Sơn), dê núi (Như Thanh, Hà Trung, Yên Định, Vĩnh Lộc)...
Ông Trần Đức Năng, Phó chánh Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh, cho rằng: Tỉnh Thanh Hóa có rất nhiều sản phẩm, song cơ bản mới ở dạng tiềm năng. Hiện một số người vẫn hiểu, sản phẩm làng nghề truyền thống là sản phẩm OCOP là chưa đúng, cần phải nâng tầm sản phẩm theo hướng “sản phẩm địa phương, hướng tới toàn cầu”. Chẳng hạn quả chanh, đừng coi nó chỉ là một thứ gia vị, mà phải nghĩ cách cho ra nhiều sản phẩm khác nữa, như kẹo chanh, vỏ sấy khô nghiền thành bột để sản xuất mỹ phẩm, hạt chanh chiết xuất làm thuốc... OCOP, ngoài quảng bá phát triển bền vững thị trường, cần phải gắn với sự sáng tạo để cho ra nhiều sản phẩm thành một chuỗi. Sản phẩm phải đặc trưng, cần gắn với xuất xứ, ý nghĩa lịch sử, văn hóa - nhân văn nhằm hướng tới sự phát triển bền vững. Các yêu cầu phát triển sản phẩm OCOP cũng đặt ra vấn đề, phải đào tạo nguồn nhân lực trong sản xuất sản phẩm nhằm khơi dậy sự sáng tạo, kỹ năng, thổi hồn cho sản phẩm, áp dụng được khoa học - kỹ thuật vào khâu sản xuất...