Moldova ban bố tình trạng khẩn cấp vì giá khí đốt tăng
Moldova hôm thứ Sáu đã ban bố tình trạng khẩn cấp để giải quyết tình trạng thiếu hụt khí đốt sau khi nhà cung cấp Nga quyết định tăng giá, trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng ở châu Âu.
"Chúng tôi đang đối mặt với một tình huống nguy cấp", Thủ tướng Moldova Natalia Gavrilita nói trước Quốc hội Moldova.
Các nhà chức trách nước này buộc phải chuyển "Ngọn lửa vĩnh cửu" khỏi tượng đài dành riêng cho những người lính Liên Xô thiệt mạng trong Thế chiến II và đặt tại thủ đô Chisinau.
Bộ Quốc phòng Moldova giải thích rằng ngọn lửa đã bị dập tắt nhiều lần do mức áp suất thấp trong các đường ống khí đốt và gió giật mạnh.
Là một quốc gia nghèo với 2,6 triệu dân, nằm giữa Romania và Ukraine, Moldova nhận khí đốt từ Nga thông qua một công ty Nga-Moldova, Moldovagaz, được thành lập cùng với tập đoàn khổng lồ Gazprom của Nga.
Tình trạng khẩn cấp này sẽ cho phép Chisinau có được khí đốt từ các nước châu Âu khác trong khi tránh được các thủ tục phiền hà.
Vào tháng 10, Gazprom đã tăng giá khí đốt đối với Moldova từ 550 USD lên 790 USD/1.000 mét khối, trong bối cảnh châu Âu đối mặt với cuộc khủng hoảng khí đốt do hoạt động kinh tế hồi phục sau đại dịch, dự trữ thấp và mùa đông bắt đầu.
Tháng trước, Gazprom và Moldovagaz đã đồng ý gia hạn hợp đồng đến ngày 31/10.
Tuy nhiên, theo Thủ tướng Moldova Natalia Gavrilita, một thành viên của chính phủ thân châu Âu, hai công ty không giữ lời và không giao đủ số lượng đã thỏa thuận.
Các cuộc đàm phán rất phức tạp do khí đốt cung cấp cho Chisinau đi qua Transdniestria, lãnh thổ đã ly khai khỏi Moldova gần 30 năm trước sau một cuộc chiến.
Theo bà Gavrilita, Chisinau và Gazprom vẫn đang đàm phán để giải quyết cuộc khủng hoảng này, nhưng bà nói rằng bà "không tin tưởng" vào thành công của các cuộc đàm phán.
Các nước châu Âu đã cáo buộc Moscow làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng này bằng cách từ chối cung cấp thêm lượng khí đốt, cáo buộc mà Nga bác bỏ.
Liên quan đến Moldova, các nhà phê bình từ Điện Kremlin cho rằng Moscow tăng giá khí đốt để trừng phạt Chisinau sau cuộc bầu cử vào năm 2020 của Tổng thống thân châu Âu Maia Sandu.
Nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, Moldova đã bị chia rẽ kể từ khi giành được độc lập vào năm 1991 giữa những người ủng hộ quan hệ hợp tác với Moscow và những người muốn gia nhập Liên minh châu Âu.