Món ăn bài thuốc chữa chứng phù thũng khi mang thai
Bệnh phù thũng khi mang thai, phần lớn ở giai đoạn cuối của thai kỳ với biểu hiện phù 2 chân, dần dần lan lên đùi, ấn thấy lõm xuống một lúc sau mới trở lại bình thường…
1. Nguyên nhân sinh bệnh phù thũng khi mang thai
Theo Đông y, phù thũng nói chung có liên quan mật thiết tới tình trạng rối loạn chức năng của các tạng phủ phế, tỳ, thận và bàng quang.
Riêng trường hợp phù thũng ở phụ nữ mang thai, chủ yếu liên quan đến chức năng của tạng tỳ. Về mặt trị liệu cần chọn thức ăn, vị thuốc có tác dụng kiện tỳ lợi thấp, ôn thận hành thủy để giải trừ thủy thũng và giúp cho thai phát triển bình thường.
Bên cạnh đó cần hạn chế ăn mặn, người bị phù nặng cần hạn chế muối nhằm giảm nhẹ tình trạng tích đọng natri. Không sử dụng những thức ăn có tác dụng thông tiện, trục thủy tránh gây tổn thương thai nguyên.
2. Món ăn thuốc từ các loài cá với chứng phù thũng khi mang thai
Bài 1: Cá chép 500g, bạch truật 15g, bạch thược 10g, đương quy 10g, phục linh 12g, quất bì 6g, sinh khương 6g. Các vị thuốc cho vào túi vải, thêm gừng và gia vị, cùng với cá chép đã làm sạch, nấu chín thành món canh (ăn cá uống nước canh).
Bài 2: Cá diếc một con (khoảng 250g), một ít tỏi. Rửa sạch cá, cho tỏi vào, thêm gia vị hoặc không, chưng cách thủy, ăn làm hai lần.
Bài 3: Cá chép 500g, đậu đỏ 10g, trần bì 6g. Rửa sạch cá; đậu đỏ thêm nước nấu chín trước, rồi cho cá cùng trần bì vào sau, nấu chín, chia ăn trong ngày, cách 1 ngày ăn một lần.
Bài 4: Cả quả 500g, bí đao 500g, rửa sạch, không cho gia vị, nấu chín ăn làm 2 lần.
Bài 5: Cá chép 500g, củ cải 120g. Cá chép làm sạch, củ cải rửa sạch, thái miếng; thêm nước, gia vị, nấu chín; ăn cá và củ cải, uống nước canh.
Ngoài ra có thể dùng thêm nước uống:
- Râu ngô 30-60g, đun nước uống trong ngày.
- Vỏ bí đao 30g, đậu đỏ 30g, trần bì 6g, mật ong 30 ml, sắc uống.
Thuốc dùng ngoài: Vỏ thông 300 gam. Đun sôi ngâm chân hoặc rửa chỗ phù nề sưng đau ngày 2 lần.
3. Những lưu ý ở phụ nữ mang thai bị phù thũng
- Người phù thũng khi mang thai có thể hoạt động vừa phải để khí huyết lưu thông. Người bị phù nề 2 chân, khi nằm ngủ phải kê cao hai chân.
- Người phù nề nặng toàn thân cần chú ý nghỉ ngơi và giữ ấm tránh làm việc mệt mỏi.
- Nên ăn ít muối hoặc không có muối, ăn ít các loại bánh có bột nở. Nên ăn những loại thực phẩm lợi tiểu, tiêu thũng như bí đao, đậu đỏ, ý dĩ, bạch biển đậu, ngô, dưa hấu...
- Ít ăn những loại thực phẩm có tính hàn (lạnh), dầu mỡ khó tiêu hóa để phòng tỳ vị bị tổn thương làm tích tụ nước.
- Giữ cho tinh thần vui vẻ, lạc quan, không nên quá căng thẳng, lo lắng bất an.
Nếu có thai 28 - 32 tuần, mà chỉ có chân phù nề, nghỉ vài ngày sẽ khỏi, không có triệu chứng gì, đó là hiện tượng thường thấy trong thời kỳ cuối của thai kỳ, không cần phải điều trị, sinh nở xong sẽ khỏi.
Nếu phù nề nghiêm trọng lại thêm các triệu chứng như đau đầu, chóng mặt, trong lòng bứt rứt, huyết áp tăng, nước tiểu nhiều bọt nên đến bệnh viện ngay để được tư vấn và điều trị kịp thời.