Món ăn đặc trưng Sài Gòn không làm khó được Tăng Thanh Hà, mâm cơm nhà giàu dân dã không tưởng

Tăng Thanh Hà vào bếp trổ tài nấu mâm cơm tấm chả trứng, sườn cốt lết, ăn kèm canh khổ qua thịt băm thanh mát.

Tăng Thanh Hà đam mê nấu ăn cho gia đình.

Tăng Thanh Hà đam mê nấu ăn cho gia đình.

Tăng Thanh Hà là tín đồ của món cơm tấm đặc trưng ẩm thực Sài Gòn, từng nhiều lần trổ tài làm tại nhà. Nhà Tăng Thanh Hà có bếp nướng chuyên dụng, cả trong nhà và ngoài trời nên cô thường tụ tập người thân và hội chị em qua nhà mở tiệc BBQ.

Lần này, Hà Tăng chuẩn bị chả trứng nướng, sườn cốt lết, xúc xích nướng, tóp mỡ, đồ chua, rau củ như dưa chuột, cà chua nhưng thiếu mất thành phần trứng ốp lòng đào và bì lợn như những lần trước. Sườn cốt lết được xem như "linh hồn" của của đĩa cơm tấm, được bà mẹ ba con tốn nhiều tâm sức.

Mâm cơm tấm yêu thích của nhà Tăng Thanh Hà

Mâm cơm tấm yêu thích của nhà Tăng Thanh Hà

Phần chả trứng nướng Tăng Thanh Hà chuẩn bị ít khẩu phần hơn sườn cốt lết. Món này được làm từ trứng gà, thịt nạc xay, miến mặc bún tàu, nấm mèo, hành tây, hành khô, gia vị như tỏi, hạt nêm, tiêu, đường. Tất cả nguyên liệu cho vào tô, trộn đều, sau đó đem hấp khoảng 20 phút hoặc nướng trong lò tới khi chín vàng. Chả trứng vị bùi béo, chả hấp còn giữ độ ẩm, mềm còn chả nướng thơm hơn. Bên cạnh đó, nàng ngọc nữ nướng thêm một số miếng xúc xích ăn kèm, đây không phải là topping truyền thống của cơm tấm nhưng lại là món khoái khẩu của gia đình cô.

Đĩa cơm tấm 'made by Hà Tăng'

Đĩa cơm tấm 'made by Hà Tăng'

Hà Tăng đặc biệt chuẩn bị phần tóp mỡ chiên giòn rụm, béo ngậy. Phần mỡ chảy ra được sử dụng làm mỡ hành thơm thơm beo béo, rưới lên cơm "ngon hết xảy". Ăn kèm cơm tấm không thể thiếu đồ chua được làm từ củ cải và cà rốt ngâm, giòn sật, đỡ ngán và nước mắm ớt chua ngọt. Hạt cơm tấm tơi, khô mới "chuẩn bài".

Để ăn kèm mâm cơm tấm có phần hơi khô, Tăng Thanh Hà nấu một bát canh khổ qua thịt băm lớn. Khổ qua, hay còn gọi là mướp đắng, có tác dụng thanh mát, thải độc, thường xuyên được ăn vào mùa hè ở miền Nam. Bát canh có vị ngọt của nước thịt, hơi đắng nhẹ của khổ qua, phù hợp trong ngày nắng nóng.

Công thức làm món cơm tấm Sài Gòn chuẩn vị như Tăng Thanh Hà

Cơm tấm Sài Gòn là món vô cùng thơm ngon, nguyên liệu hài hòa, bao gồm cả thịt và rau xanh, rất tốt cho sức khỏe, kết hợp với nước mắm đặc trưng tạo nên một món ăn ngon không thể cưỡng nổi với bất kể một ai. Tuy là món ăn phổ biến và quen thuộc nhưng không phải ai cũng biết cách để làm món ăn này.

Chuẩn bị:

+ Gạo tấm: 300gr.

+ Gạo thường :60gr.

+ Sườn miếng: 300gr (4 miếng loại cốt lết).

+ Bì heo: 100gr.

+ Cà chua: 1 trái.

+ Củ cải trắng: 150gr.

+ Cà rốt: 150gr.

+ Thính gạo.

+ Ớt 1 trái, 4 tép tỏi, 3 củ hành tím.

+ Hành lá: 1 nắm nhỏ.

+ Chanh: Một quả.

+ Các gia vị: Mắm, muối, hạt nêm, bột ngọt, giấm gạo (100ml).

+ Gia vị ướp sườn gồm: 1 muỗng canh mật ong, 1 muỗng cà phê muối, 2 muỗng canh nước mắm ngon, 1 muỗng canh dầu hào, 2 muỗng cà phê sữa đặc có đường, 2 muỗng canh dầu ăn, 2 muỗng canh đường, 1 muỗng canh nước soda, vài giọt chanh, một chút tỏi và củ hành tím băm nhuyễn.

Cho sườn cùng gia vị ướp đã chuẩn bị vào thau, trộn thật đều cho thấm gia vị. Bạn hãy dùng màng thực phẩm bịt kín miệng thau và để khoảng 2-3 tiếng.

Cách làm:

- Nấu cơm:

Trộn đều hai loại gạo, vo sạch, cho vào nồi và đổ nước vào nấu bình thương. Để cơm ngon bạn có thể tham khảo công thức sau: Số chén gạo = Số chén nước + thêm 1/2 chén nước. Ví dụ: 1 chén gạo sẽ thêm 1,5 chén nước.

- Nướng sườn:

Bạn có thể nướng sườn trên than hồng hoặc bằng lò nướng. Khi nướng sườn gần chín tới lấy sườn ra nhúng lại vào thau gia vị rồi lại nướng tiếp cho tới khi sườn chín vàng đều, dậy mùi thơm. Lưu ý, các bạn nên để lửa nhỏ vừa, tránh việc nướng nhanh, chín ép thì sườn sẽ ngon hơn. Và bí quyết để có được miếng sườn thơm ngon với màu vàng hấp dẫn hơn đó là bạn hãy quét một lớp mật ong lên bề mặt miếng thịt khi miếng thịt đã gần chín tới.

- Làm dưa chua.

Bào cà rốt và củ cải trắng vào tô.

Đổ ra chén 100ml giấm, cho thêm 3 muỗng đường, nửa muỗng muối, khấy đều cho tan, sau đó đổ vào tô cà rốt và củ cải trắng đã bào.

Đảo đều và nhấn cà rốt và cải xuống ngập giấm, dùng màng thực phẩm bọc lại và ngâm trong vòng khoảng 1 tiếng đồng hồ.

- Bì heo: Bì đem luộc với chút muối, khi chín thì bì heo sẽ co lại. Vớt bì đã chín ra chén nước lạnh, cho thêm chút đá lạnh ngâm 5 phút rồi vớt ra để ráo nước.

Thái bì thật mỏng và trộn đều với thính.

- Dưa leo và cà chua: Xắt thành miếng.

- Làm mỡ hành: Các bạn đun sôi một lượng dầu ăn trên chảo sau đó cho chén hành lá thái nhỏ vào và cho thêm chút đường, muối.

- Tỏi, ớt: Băm nhuyễn.

- Pha chế nước mắm: Chuẩn bị nửa chén nước sạch, cho thêm 2 muỗng canh đường, 2 muỗng nước mắm, khuấy đều cho đường tan. Sau đó cho tỏi, ớt băm vào trộn đều. Một lưu ý nhỏ đó là tỏi và ớt bạn nên cho sau thì nó mới nổi lên trên bề mặt chén mắm.

Và công đoạn cuối cùng, bạn chỉ cần trình bày món ăn ra đĩa sao cho thật đẹp mắt thôi. Thật đơn giản phải không các bạn?

Phương Nghi (t/h)

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/mon-an-dac-trung-sai-gon-khong-lam-kho-duoc-tang-thanh-ha-mam-com-nha-giau-dan-da-khong-tuong-17223061316131421.htm