Món ăn lạ từ thịt cá sấu đoạt giải Nhất ý tưởng khởi nghiệp sinh viên

Từ thịt cá sấu, nhóm sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Sóc Trăng đã chế biến nên một món ăn nhanh với tên độc đáo 'khô cá sấu lá chanh' và giành giải Nhất cuộc thi sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp năm 2025.

Dự án “khô cá sấu lá chanh” của nhóm sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Sóc Trăng đã vượt qua hàng trăm dự án để giành giải Nhất tại cuộc thi sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp năm 2025 do Bộ GD-ĐT tổ chức.

Nhóm gồm 5 thành viên, trong đó có 2 sinh viên năm cuối (Lưu Phùng Ngọc Tuyết và Thạch Trúc Như) và 3 sinh viên năm nhất (Huỳnh Hoàng Duy, Đồ Minh Diệp và Đỗ Thị Mỹ Hằng), cùng ngành Chế biến và bảo quản thủy sản.

Từ thịt cá sấu, nhóm sinh viên Trường CĐ Nghề Sóc Trăng chế biến món ăn nhanh với tên độc đáo “khô cá sấu lá chanh”, giành giải Nhất thi sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp. Từ phải qua là Đồ Minh Diệp, Đỗ Thị Mỹ Hằng, Lưu Phùng Ngọc Tuyết, Thạch Trúc Như, Huỳnh Hoàng Duy và giảng viên hướng dẫn Huỳnh Thị Thủy Tiên.

Từ thịt cá sấu, nhóm sinh viên Trường CĐ Nghề Sóc Trăng chế biến món ăn nhanh với tên độc đáo “khô cá sấu lá chanh”, giành giải Nhất thi sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp. Từ phải qua là Đồ Minh Diệp, Đỗ Thị Mỹ Hằng, Lưu Phùng Ngọc Tuyết, Thạch Trúc Như, Huỳnh Hoàng Duy và giảng viên hướng dẫn Huỳnh Thị Thủy Tiên.

Nhóm trưởng Ngọc Tuyết cho hay, nhóm nghĩ đến ý tưởng này bởi ở khu vực sinh sống - Đồng Bằng sông Cửu Long, những mô hình nuôi cá sấu để lấy da rất phát triển; song phần thịt cá sấu chỉ được coi là phụ phẩm, có giá trị kinh tế rất thấp.

“Hiện trên thị trường, các sản phẩm được chế biến từ thịt cá sấu rất hạn chế, chủ yếu là thịt cá sấu phi lê đông lạnh, sườn đông lạnh, chà bông cá sấu với giá thành thấp. Giá bán thịt cá sấu sau lột da tại tỉnh Sóc Trăng chỉ từ 10.000 – 20.000 đồng/kg; còn thịt cá sấu sau khi phi lê cũng chỉ dao động từ 30.000 - 45.000 đồng/kg. Thậm chí phần lớn còn lại được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi với giá rất rẻ. Qua tìm hiểu, thịt cá sấu không quá phổ biến, trong khi giá trị dinh dưỡng lại cao, ít béo”, Tuyết nói về lý do nhóm chọn nguyên liệu là loại thịt này.

Nhóm cũng liên kết với các hộ nuôi cá sấu lấy da xuất khẩu để chủ động nguồn nguyên liệu. Sau chốt nguyên liệu, nhóm tiếp tục phải suy nghĩ đến việc chế biến món ăn gì.

“Chúng em thử chế biến và ăn thử thì thấy cấu trúc thịt cá sấu có phần hơi giống thịt gà. Do đó, chúng em nghĩ tới việc làm ra một thức ăn liền từ thịt cá sấu. Cả nhóm thấy hiện nay nhu cầu về các thực phẩm ăn liền ngày càng tăng. Trên thị trường, các sản phẩm khô ăn liền phần lớn được chế biến từ các loại nguyên liệu có giá trị kinh tế cao như mực, thịt bò, cá lóc, cá tra, thịt gà nên giá thành các sản phẩm cũng khá cao. Các sản phẩm ăn liền từ nguyên liệu cá sấu hiện nay chưa đa dạng và rồi nhóm quyết định thử làm khô cá sấu lá chanh”, Tuyết kể về quá trình tạo nên sản phẩm chưa hề có trên thị trường.

Tuy nhiên, thịt cá sấu nguyên liệu rất tanh và đây cũng là khó khăn nhất mà nhóm phải khắc phục. Nhóm phải xử lý khử tanh bằng các gia vị như gừng, sả sau đó luộc rồi sấy khô, trước khi chế biến thịt cá sấu xé sợi cùng với sả, ớt, lá chanh. “Đầu tiên phải rửa kỹ thịt cá sấu, sau đó luộc và xé sợi, trộn gia vị và mang đi sấy. Khi xử lý, chúng em có bí quyết để làm cho thịt cá không bị tanh - đó cũng là điều quan trọng nhất khi làm sản phẩm khô này. Ở tất cả mọi khâu, từng công đoạn đòi hỏi sự tập trung toàn bộ, làm kỹ, không được qua loa. Sản phẩm hiện nay của chúng em đã mất hoàn toàn vị tanh của thịt cá sấu”, nhóm sinh viên nói về quy trình chung.

Thịt cá sấu được chế biến trước khi qua công đoạn sấy. Ảnh: NVCC.

Thịt cá sấu được chế biến trước khi qua công đoạn sấy. Ảnh: NVCC.

Điều quan trọng nhất của dự án là thời gian, nhiệt độ và cách sấy cùng liều lượng gia vị ra sao cho vừa miệng. “Nhiệt độ và thời gian sấy rất quan trọng; nếu không đảm bảo, vừa ảnh hưởng đến thẩm mỹ, tính mềm vừa không giữ được giá trị dinh dưỡng sản phẩm”, Tuyết nói.

Nhóm cho hay, thành phần của sản phẩm gồm: Thịt cá sấu, lá chanh, ớt, sả, tỏi, hành tím, gia vị. Để ra được vị ưng ý nhất, nhóm đã phải thử nghiệm khá nhiều công thức phối trộn. Nhóm cũng chọn mua những con cá sấu có trọng lượng từ 20kg trở lên, bởi thớ thịt dày hơn. “Sau hấp, chúng em phải xé thịt ra. Nếu cá sấu nhỏ thì thớ thịt sẽ không được dày, dài và đẹp mắt”, Tuyết nói.

Theo nhóm, khi chốt công thức, quy trình chế biến sản phẩm khá đơn giản. “Với chuyên ngành Chế biến và bảo quản thủy sản, chúng em có một môn học là Chế biến khô nên đã vận dụng vào công đoạn để tạo ra một sản phẩm khô đạt chuẩn. Quy trình chế biến của sản phẩm sau khi hoàn thiện có thể thực hiện tại các cơ sở chế biến khô với quy mô lớn”, Tuyết chia sẻ.

Thành phẩm từ thịt cá sấu với tên gọi "khô cá sấu lá chanh".

Thành phẩm từ thịt cá sấu với tên gọi "khô cá sấu lá chanh".

Nhóm sinh viên cho hay, may mắn khi nhóm luôn có sự đồng hành của giảng viên hướng dẫn (cô Huỳnh Thị Thủy Tiên) và sự hỗ trợ của nhà trường khi tạo điều kiện cho sử dụng máy móc, trang thiết bị để thực hiện dự án.

Với sản phẩm chưa từng có mặt trên thị trường, nhóm cũng hướng tới nhóm khách hàng mục tiêu là thanh thiếu niên từ 12-30 tuổi, những người có nhu cầu lớn về sử dụng thực phẩm ăn liền, tiện lợi khi sử dụng với giá rẻ. Tuy nhiên, sản phẩm với giá trị dinh dưỡng cao, ít béo cũng phù hợp với mọi người dùng, có thể là trẻ em, người trưởng thành đến người già.

Sản phẩm "khô cá sấu lá chanh" của nhóm được nhiều người đón nhận, cho đánh giá tích cực.

Sản phẩm "khô cá sấu lá chanh" của nhóm được nhiều người đón nhận, cho đánh giá tích cực.

Theo nhóm, giá thành thấp nên khô cá sấu lá chanh hoàn toàn có thể cạnh tranh với các sản phẩm khác đã có mặt trên thị trường.

Sản phẩm của nhóm cũng từng được phân phối và thử nghiệm bán tại căng-tin của trường và mang lại kết quả tích cực. “Qua bán thử ở căng-tin trường với dạng túi nhỏ để mọi người ăn thử trải nghiệm, chúng em rất vui khi sản phẩm được nhiều người đón nhận. Trong những ngày tranh tài ở cuộc thi sinh viên khởi nghiệp toàn quốc, nhóm cũng bày gian hàng để bán và chỉ trong vòng một buổi sáng đã hết đến hơn 4 kg khô cá sấu với tổng cộng 80 sản phẩm”.

Nhóm sinh viên cho hay, trong tương lai sẽ đăng ký thương hiệu sản phẩm này và phân phối cho các cửa hàng trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.

“Nếu được nhà trường tiếp tục hỗ trợ máy móc và thiết bị, chúng em sẽ sản xuất và phát triển dịch vụ ngay tại trường”, nhóm bạn trẻ cho hay.

Thanh Hùng

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/mon-an-la-tu-thit-ca-sau-doat-giai-nhat-y-tuong-khoi-nghiep-sinh-vien-2396823.html