Món chay gieo 'duyên'

Có những người biết và gắn bó với món ăn chay như là một mối duyên lành, giúp cuộc sống của họ thêm nhiều niềm vui.

Bà Liên chia sẻ kỷ niệm vui khi đi nấu chay.

Bà Liên chia sẻ kỷ niệm vui khi đi nấu chay.

Những mối duyên lành

Bà Nguyễn Thị Liên, 64 tuổi, ngụ khu phố Ninh Phước, phường Ninh Thạnh, thành phố Tây Ninh ăn chay trường gần 30 năm. Chính từ niềm đam mê với món chay đã giúp bà Liên trở thành nhân viên của Ban nấu chay thuộc Tòa thánh Cao Đài.

Đến giờ, bà Liên không thể nhớ hết những món mình có thể nấu. Bén duyên với nghề nấu món chay từ khi mới ngoài 30 tuổi, đến nay bà Liên có nhiều trải nghiệm được đi khắp các nơi trong cả nước theo chỉ định của Hội thánh để nấu món chay phục vụ tín đồ.

Bà Liên nhớ năm 2010, mình tham gia liên hoan ẩm thực quốc tế tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Những món ăn chay, thanh đạm với nhiều rau củ, quả đã thu hút thực khách trong và ngoài nước. Bà Liên vui vẻ nói: “Lần trải nghiệm đó với tôi tuy cực nhưng rất vui”. Đến giờ, bà Liên vẫn còn nhớ rõ và lưu giữ những kỷ vật về chuyến đi như một kỷ niệm đẹp.

Hơn 30 năm qua, bà Liên không ngừng học hỏi để hoàn thiện khả năng của mình trong nấu món chay. Bà Liên nói: “Ngoài việc nấu ăn theo chỉ định, ngày trẻ, tôi làm bán những món chay theo nhu cầu của lối xóm vào các dịp đặc biệt như lễ, tết. Chỉ là số lượng nhỏ thôi nhưng cũng rất vui”.

Hiện nay, do tuổi tác, bà Liên không còn làm để bán nữa nhưng những dịp giỗ, tết trong gia đình bà lại xuống bếp, vẫn tỉ mỉ, khéo léo gói bánh, làm những món ăn. Với bà Liên, được nấu những món chay, nhìn mọi người ăn ngon là niềm vui, hạnh phúc.

Bà Nguyễn Thị Huệ, nay đã 70 tuổi, ngụ ấp Ninh Thuận, xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu cũng do duyên mà gắn với việc nấu món chay. Từ một người thợ nấu ăn dịch vụ gần 20 năm về trước, sáu năm nay, bà Huệ tham gia Ban nấu chay của thánh thất xã và chuyên nấu món chay phục vụ miễn phí các ngày lễ, đám tiệc.

Bà Quyền có nhiều niềm vui với nghề.

Bà Quyền có nhiều niềm vui với nghề.

Bà Huệ là tín đồ đạo Cao Đài, ngày trẻ bà có niềm đam mê nấu ăn và luôn thích khám phá mà không sợ cực, vất vả hay thất bại. Những món ăn chay bà học từ bà, mẹ mình rồi thêm thắt, biến tấu để cho ra những món ăn ngon nhất theo khẩu vị.

Bà nói: “Nếu so giữa nấu mặn và nấu chay, tôi thấy nấu chay cần sự kỳ công, tỉ mỉ hơn mới có thể tạo ra những món ăn ngon”. Là người có khiếu, ham học hỏi, bà Huệ luôn hào hứng khi làm một món mới. Theo bà, phải trải qua vài lần đổ bỏ đi mới làm được những món ăn chuẩn vị.

Sáu năm trước, khi bà Huệ không còn bận bịu việc mưu sinh, bà chuyển sang ăn chay trường và bắt đầu có thêm những sáng tạo trong món ăn để phục vụ chính mình cũng như thêm món cho thực đơn các đám tiệc.

Bà Huệ chia sẻ, mình chỉ nấu trong phạm vi họ đạo nhưng từ các mối quan hệ bà đã đi đến các tỉnh để nấu ăn theo yêu cầu của người quen về một bữa tiệc chay theo phong cách đạo Cao Đài. Những lần như vậy, bà luôn hào hứng và sẵn lòng.

Nhiều năm tích lũy kinh nghiệm, bà Huệ đã nấu được rất nhiều món ăn theo thị hiếu đại chúng, không ngừng học hỏi để bắt kịp nhu cầu. Và khi có người muốn học một món ăn chay, bà Huệ luôn sẵn sàng chỉ dạy lại. Bà chia sẻ: “Ai muốn học tôi sẵn sàng chỉ lại, dù kiến thức của tôi chỉ là tự học, mày mò mà ra. Dạy lại là cách mình không để mai một đi một nét văn hóa đẹp”.

Duyên với nghề

Bà Huệ làm bếp chính khi nấu tiệc chay.

Bà Huệ làm bếp chính khi nấu tiệc chay.

Món mắm chay bà Liên làm.

Món mắm chay bà Liên làm.

Món gỏi 4 mùa bà Huệ làm.

Món gỏi 4 mùa bà Huệ làm.

Bà Âu Kim Quyền, 62 tuổi, ngụ khu phố Long Thành, phường Long Thành Trung, thị xã Hòa Thành gắn bó với nghề làm tương hột gần 20 năm. Cái nghề đến với bà rất tình cờ khi đang loay hoay không biết làm nghề gì để mưu sinh.

Trải qua quá trình “trầy trật” để học nghề, gia đình bà Quyền đã tạo ra được hương vị tương riêng để phục vụ người dùng. Bà nói, có thời gian công việc cực quá nên muốn nghỉ nhưng rồi nhiều người tìm đến hỏi thăm cộng với việc nhớ nghề nên bà quay lại.

Bà cười nói: “Chắc do duyên với nghề nên không bỏ được”. Bà Quyền sản xuất tương hột không có bảng hiệu nhưng nhiều người vẫn biết và tìm đến mua, điều này giúp bà có niềm vui, động lực để gắn với nghề. Làm món tương, bà phải tỉ mỉ lựa đậu, rồi qua các khâu nấu đậu, ủ men, ngâm muối, nêm nếm.

Bà nói: “Sản phẩm gia đình tôi làm chủ yếu bán vào ngày chay, tương ngon nên thuận tiện cho người dùng, chỉ cần giã ít ớt, tỏi hay dùng làm các món kho, xào, chưng tương cũng ngon, thêm sự phong phú cho món ăn”.

Là khách hàng quen, bà Nguyễn Thị Hồng, nhà ở ấp 5, xã Suối Dây, huyện Tân Châu cho biết mình trước kia sinh sống tại Hòa Thành. Là tín đồ Cao Đài nên bà ăn chay 10 ngày mỗi tháng.

Tương hột nhà bà Quyền luôn là chọn lựa đầu tiên trong mỗi bữa ăn chay của bà. Bà Hồng chia sẻ: “Nhà xa, nên khi có dịp về Hòa Thành tôi ghé mua ít tương nhà chị Quyền để dành ăn dần vào những ngày chay. Ăn lâu ngày đã thành quen vị nên khó quên”.

Vi Xuân - Cỏ May

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/mon-chay-gieo-duyen-a155022.html