Môn Lịch sử chương trình giáo dục phổ thông mới: Đẽo cày giữa đường?
Năm học 2024 - 2025 là hết một vòng thay sách giáo khoa (SGK) các cấp học theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Thực tế cho thấy, những bất cập của chương trình, nhất là môn Lịch sử đã được các thầy cô, chuyên gia đề cập đến.
Chương trình nặng
Trường Đại học (ĐH) Sư phạm Hà Nội vừa tổ chức hội thảo khoa học quốc gia môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông mới: vấn đề đặt ra đối với nghiên cứu, giảng dạy. Nhóm tác giả TS Đoàn Minh Điền, ThS Nguyễn Thị Phượng, Trường THPT Thành Sen, Hà Tĩnh cho biết trên thực tế giảng dạy, giáo viên môn Lịch sử ở trường phổ thông đối diện với không ít khó khăn. Trong đó có việc học sinh không yêu thích môn Lịch sử; SGK có nội dung nặng và khó so với độ tuổi học sinh. Có nhiều chủ đề trước đây được dùng để dạy cho sinh viên thì nay được đưa vào dạy ở trường THPT. Khối lượng kiến thức của một chủ đề quá lớn so với thời lượng chương trình và khả năng tiếp thu của lứa tuổi học sinh. Vì vậy, giáo viên lúng túng khi lựa chọn đơn vị kiến thức để dạy.
GS. TS Nguyễn Thanh Bình, nguyên Chủ nhiệm khoa Lịch sử, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội thông tin, nội dung Lịch sử trong môn Lịch sử - Địa lý (bậc THCS) còn khá nặng nề so với lứa tuổi học sinh. Một khối lượng kiến thức gần như của THPT trước đây được dồn nén vào THCS. Trong đó, nặng nhất là lớp 9. “Nhiều người còn so sánh với chương trình Lịch sử lớp 10, 11 thì nội dung kiến thức chương trình Lịch sử lớp 9 có cảm giác nặng hơn”, ông Bình nói.
Lịch sử - Địa lý muốn “ly hôn”
Ông Trương Quốc Tám, chuyên viên Sở GD&ĐT Quảng Ninh thông tin kênh hình dạy môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông mới đang là kênh hình “chết” do chưa có hướng dẫn. “Nhiều sinh viên sư phạm khi đi thực tập, trước bức tranh, cổ vật không thể nào làm cho nó sống động. Do vậy, kiến thức thực tế được đưa vào SGK nhưng không có sự sống”, ông Tám nói. Theo ông, Bộ GD&ĐT có quy định hệ thống thiết bị dạy học môn Lịch sử trong đó có bộ học liệu điện tử. Nhưng bộ học liệu này bản thân giáo viên tìm không có, chưa nói đến học sinh. Ông Tám cũng băn khoăn khi chương trình sắp triển khai hoàn thiện cả ba cấp, nhưng hiện nay, sự hoàn thiện đồng bộ vẫn còn thiếu.
Dạy tích hợp bậc THCS ở chương trình giáo dục phổ thông mới, trong đó có môn Lịch sử - Địa lý cũng đang là vấn đề được giáo viên, dư luận quan tâm. Một số giáo viên đề xuất Bộ GD&ĐT không nên “cưỡng hôn” hai môn học này. Ông Nguyễn Hữu Hào, chuyên viên Sở GD&ĐT Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng các trường, sở GD&ĐT đang triển khai theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, giáo viên Địa lý được đào tạo bồi dưỡng kiến thức môn Lịch sử, và ngược lại trong thời gian ngắn 3 tháng. Mục tiêu để giáo viên Lịch sử dạy được Địa lý, giáo viên Địa lý dạy được Lịch sử. Môn Khoa học tự nhiên cũng đang như vậy nên rất khó khăn. “Đào tạo thời gian quá ngắn hiệu quả như thế nào trong khi để dạy một môn học, giáo viên mất từ 3-4 năm đào tạo. Kiến nghị trả lại vị trí độc lập 2 môn học này”, ông Hào nói.
Với những bất cập của chương trình môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông mới, nếu Bộ GD&ĐT phải xem xét điều chỉnh lại chương trình thì có thể thấy dường như ngành giáo dục mỗi lần đổi mới đều phải “đẽo cày giữa đường”. Chương trình giáo dục phổ thông cũ, năm 2000 ban hành, đến năm 2006 Bộ GD&ĐT phải điều chỉnh lại. Sau đó, có thêm một lần giảm tải. Đối với chương trình giáo dục phổ thông mới, giáo viên đưa ra các bất cập, khó khăn khi dạy môn tích hợp khiến Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phải khẳng định sẽ phải xem xét điều chỉnh. Và môn Lịch sử ở chương trình THCS là một phân môn trong môn tích hợp Lịch sử - Địa lý sẽ không tránh khỏi “số phận lịch sử này”.
Chương trình giáo dục phổ thông mới được Bộ GD&ĐT ban hành ngày 26/12/2018. Đến ngày 3/8/2022 Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 13 về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Theo đó, Lịch sử được điều chỉnh trở thành môn học bắt buộc ở bậc THPT, thay vì tự chọn như trước đó.