Môn Lịch sử long đong, vì đâu nên nỗi?
Dự thảo Chương trình tổng thể từng ghép Lịch sử với 2 phân môn khác là Đạo đức – Công dân và Quốc phòng – An ninh thành môn bắt buộc Công dân với Tổ quốc.
Từ tháng 4/2022, dư luận cả nước bàn tán xôn xao khi Lịch sử trở thành môn lựa chọn ở bậc trung học phổ thông vào năm học 2022-2023.
Mặc dù Bộ Giáo dục đã giải thích Lịch sử là môn lựa chọn (không phải môn tự chọn, thậm chí có luồng ý kiến cho rằng ngành giáo dục bỏ môn Lịch sử) nhưng nhiều cá nhân, tổ chức vẫn tranh cãi nảy lửa không hồi kết.
Trong phiên làm việc đầu tiên của Quốc hội ngày 23/5, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã trình bày báo cáo bổ sung về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2022. Trong đó nhấn mạnh, Chính phủ sẽ nghiên cứu tiếp thu ý kiến của Nhân dân, đại biểu Quốc hội về việc quy định môn học Lịch sử là môn bắt buộc trong chương trình giáo dục ở cấp trung học phổ thông. [1]
Thực tế, môn Lịch sử đã gây nhiều tranh cãi kể từ lúc Bộ Giáo dục ra Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, kéo dài cho đến khi chính thức ban hành Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và tiếp diễn tận bây giờ khi thời điểm chính thức bắt đầu năm học mới chỉ còn hơn 3 tháng. Đó sẽ là thời điểm các trường triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới với cấp Trung học phổ thông.
Cùng nhìn lại số phận long đong môn Lịch sử
Ngày 4/11/2013, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Nghị quyết số 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. [2]
Ngày 28/11/2014, Quốc hội ra Nghị quyết 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông. [3]
Tinh thần của Nghị quyết 29-NQ/TW và Nghị quyết 88/2014/QH13 về hai giai đoạn giáo dục phổ thông, cấp trung học phổ thông phân hóa, giảm số môn học bắt buộc và tăng môn học, chủ đề tự chọn.
Nghị quyết 88 cũng nêu rõ: "Thực hiện một chương trình giáo dục phổ thông thống nhất nhưng mềm dẻo, linh hoạt. Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình giáo dục phổ thông, quy định những yêu cầu về phẩm chất và năng lực của học sinh cần đạt được sau mỗi cấp học, những lĩnh vực và nội dung giáo dục bắt buộc đối với tất cả học sinh trên phạm vi toàn quốc".
Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã từng ghép môn Lịch sử với 2 phân môn khác là Đạo đức – Công dân và Quốc phòng – An ninh thành môn bắt buộc “Công dân với Tổ quốc”.
Lo lắng Lịch sử không còn là môn học độc lập ở Chương trình mới, ngày 15/11/2015, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã tổ chức hội thảo "Môn Lịch sử trong giáo dục phổ thông" để các nhà khoa học cùng nhau trao đổi, thảo luận. [4]
Tại hội thảo, đại diện Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho biết Hội sẽ kiến nghị lên các lãnh đạo cấp cao nhất để "bảo vệ Lịch sử như một môn học cơ bản, độc lập và bắt buộc từ cấp trung học cơ sở đến cấp trung học phổ thông".
Trái lại, Ban xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể cho rằng, "nếu giữ môn học với tên gọi Lịch sử, với logic nội dung kiến thức như hiện nay thì khó đáp ứng được các yêu cầu đổi mới".
Không đồng tình với quan điểm này, nhà sử học Dương Trung Quốc thẳng thắn nêu ý kiến: "Bộ Giáo dục đặt vấn đề các môn tích hợp trong dự thảo chương trình mới chưa thuyết phục. Ông Quốc lưu ý Bộ Giáo dục đừng biến giáo dục là nơi để thí nghiệm, điều đó là rất nguy hiểm".
Và sau đó, tại phiên bế mạc kỳ họp thứ 10 của Quốc hội diễn ra vào ngày 27/11/2015, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Quốc hội khóa XIII, trong đó có yêu cầu tiếp tục giữ môn học Lịch sử trong chương trình sách giáo khoa mới. [5]
Ngày 12/4/2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức họp báo giới thiệu về bản Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể để xin ý kiến toàn thể ý kiến Nhân dân trước khi ban hành chính thức. [6]
Đến ngày 20/5/2017, Ban soạn thảo đã nhận được ý kiến đóng góp của nhiều chuyên gia giáo dục, các nhà khoa học, trong đó, các thành viên Hội đồng Quốc gia giáo dục và Phát triển nhân lực, các đồng chí nguyên là lãnh đạo Bộ Giáo dục, các tổ chức, cá nhân và 63/63 Sở giáo dục và Đào tạo cùng với khoảng 200 bài viết trên các báo và khoảng 400 ý kiến chia sẻ dưới các bài viết. [7]
Theo đó, hầu hết các ý kiến đều nhất trí về cơ bản nội dung dự thảo Chương trình tổng thể và cho rằng dự thảo Chương trình tổng thể đã quán triệt các quan điểm, tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nêu tại các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, thể hiện quyết tâm đổi mới ngành giáo dục.
Dự thảo chương trình các môn học được được đăng công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo để xin ý kiến toàn dân từ ngày 19/01/2018 đến ngày 19/3/2018.
Sau khi tiếp thu ý kiến Nhân dân và ý kiến của chuyên gia ở trong và ngoài các Hội đồng thẩm định (Hội đồng thẩm định Chương trình tổng thể, các Hội đồng thẩm định chương trình môn học), Bộ Giáo dục và Đào tạo đã báo cáo Ban Tuyên giáo Trung ương, xin ý kiến Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp và các tổ chức có liên quan.
Trên cơ sở đó, Chương trình giáo dục phổ thông đã được ban hành kèm theo Thông tư số 32 ngày 26/12/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Riêng Lịch sử trở thành môn Lịch sử và Địa lí (bậc trung học cơ sở), đây cũng là môn lựa chọn của tổ hợp Khoa học xã hội (bậc trung học phổ thông).
Vào thời điểm tháng 4/2022, được biết Lịch sử là môn lựa chọn ở bậc trung học phổ thông, dư luận tranh cãi nảy lửa không hồi kết. Ngay sau đó, Bộ Giáo dục đã lên tiếng, môn Lịch sử được dạy ở tất cả các trường trung học phổ thông, bảo đảm sử dụng hiệu quả đội ngũ giáo viên lịch sử hiện có.
Ngày 12/5/2022, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn chủ trì buổi làm việc tham vấn ý kiến chuyên gia về triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và môn Lịch sử bậc trung học phổ thông trong chương trình này.
Riêng việc dạy học môn Lịch sử cấp trung học phổ thông, trên cơ sở ý kiến của các chuyên gia, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ cân nhắc các phương án trong thời gian sắp tới và xin ý kiến các cấp có thẩm quyền.
Ngày 22/5/2022, tại phiên họp toàn thể lần thứ Ba của Ủy ban Văn hóa - Giáo dục, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục cho rằng, môn Lịch sử có vị trí đặc biệt, có ý nghĩa rất quan trọng trong chương trình giáo dục phổ thông, học sinh cần được trang bị khối lượng kiến thức này.
Vì vậy, cần tiếp thu ý kiến đông đảo của cử tri, các tầng lớp Nhân dân theo hướng quy định Lịch sử là môn học bắt buộc đối với cấp trung học phổ thông trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với khối lượng kiến thức phù hợp; thiết kế bao gồm khối lượng kiến thức lịch sử (phần bắt buộc) và khối lượng kiến thức định hướng nghề nghiệp (phần lựa chọn).
Những kiến nghị thời điểm này dấy lên điều băn khoăn là, nếu Lịch sử thành môn bắt buộc thì phải sửa lại chương trình từ lớp 6 đến lớp 12, không đơn giản chỉ sửa ở bậc trung học phổ thông là xong. Với thời gian hơn 3 tháng nữa, nếu lập tức đưa môn Lịch sử thành môn bắt buộc, liệu các trường có kịp trở tay?
Tài liệu tham khảo:
[1] //vov.vn/xa-hoi/giao-duc/chinh-phu-se-nghien-cuu-y-kien-dua-lich-su-la-mon-hoc-bat-buoc-post945736.vov
[2] //thuvienphapluat.vn/van-ban/Thuong-mai/Nghi-quyet-29-NQ-TW-nam-2013-doi-moi-can-ban-toan-dien-giao-duc-dao-tao-hoi-nhap-quoc-te-212441.aspx
[3] //thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Nghi-quyet-88-2014-QH13-doi-moi-chuong-trinh-sach-giao-khoa-giao-duc-pho-thong-260798.aspx
[4] //nhandan.vn/dien-dan-giao-duc/mon-lich-su-dung-truoc-thach-thuc-chua-tung-co-247865/
[5] //nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/quoc-hoi-yeu-cau-giu-lai-mon-lich-su-20151127184720794.htm
[6] //moet.gov.vn/tintuc/Pages/CT-GDPT-Tong-The.aspx?ItemID=4616
[7] //moet.gov.vn/tintuc/Pages/CT-GDPT-MOI.aspx?ItemID=4745&fbclid=IwAR31m_zEDGJ1xBKOxOL9q4tpFSn4FVp4-yveSTyFsmfLGcPiFECSpt-Yd3g