Mòn mỏi chờ giá vật tư nông nghiệp được bình ổn

Giá bán sản phẩm đầu ra không tăng, nhưng chi phí đầu vào liên tục được điều chỉnh đang đè nặng lên 'đôi vai' của bà con nông dân. Trong khi đó, 'van' điều tiết chính sách thuế, phí dường như vẫn chưa được kích hoạt, phát huy tác dụng.

Ngày 29/5 tới, Thủ tướng Chính phủ sẽ trực tiếp đối thoại với 300 nông dân tiêu biểu để nắm bắt những tâm tư, nguyện vọng của bà con nông dân. Theo thông tin từ Ban tổ chức, hiện đã có hơn 1.600 câu hỏi, đề xuất, kiến nghị được gửi tới người đứng đầu Chính phủ.

Nông dân lo lắng về giá phân bón, thức ăn chăn nuôi

Đáng chú ý, qua tổng hợp, nội dung câu hỏi của bà con nông dân tập trung vào các vấn đề: tình hình giá cả vật tư nông nghiệp như phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao... đang tác động nặng nề đến sản xuất nông nghiệp.

Giá phân bón tăng cao khiến nông dân lo lắng.

Giá phân bón tăng cao khiến nông dân lo lắng.

Cuộc đối thoại của Thủ tướng diễn ra trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi vừa được điều chỉnh tăng lần thứ 5 (tính từ đầu năm đến nay), giá phân bón cao nhất trong 50 năm qua...

Trước tình trạng giá phân bón tăng cao như hiện nay, bà Phạm Thị Nụ, Giám đốc Công ty TNHH chè Shan Trúc Thanh (Lai Châu), cho biết vùng nguyên liệu trồng chè của Công ty hơn 150ha, công suất 50-70 tấn chè tươi/ngày. Công ty đứng ra cung ứng phân bón trả chậm cho các hộ liên kết, tức là khi nào thu hoạch chè thì bà con nông dân mới phải trả tiền phân bón...

Tuy nhiên, giá phân bón tăng mạnh đang ảnh hưởng không nhỏ tới chuỗi liên kết. Bình quân mỗi năm, doanh nghiệp này nhập hơn 300 tấn phân bón vô cơ gồm đạm, kali, NPK để cung ứng cho người trồng chè. Nếu như cùng thời điểm năm 2021, doanh nghiệp chỉ cần chi hơn 2 tỷ đồng mua phân bón, thì năm nay do giá phân bón tăng gấp đôi, có loại tăng gấp 3, doanh nghiệp phải chi gần 6 tỷ đồng.

Nhiều hộ dân do giá phân bón cao nên 2 năm nay đã không mua để bón cho cây chè, ảnh hưởng tới chất lượng, sản lượng chè trên địa bàn. Vì vậy, bà Nụ mong chờ Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân năm 2022, để có thể phản ánh những tâm tư, nỗi khổ của người nông dân tới Thủ tướng.

"Tôi tha thiết mong muốn Chính phủ, Thủ tướng có chỉ đạo và biện pháp giúp nông dân bình ổn thị trường phân bón", bà Nụ nói.

Trong khi đó, đối với ngành chăn nuôi, các công ty thức ăn chăn nuôi như MNS Feed, Japfa Comfeed Việt Nam khu vực miền Nam... vừa thông báo sẽ điều chỉnh tăng giá thức ăn chăn nuôi từ 300-400 đồng/kg vào thời điểm cuối tháng 5 này. Đây là đợt tăng giá thứ 5 tính từ đầu năm 2022.

Trong khi giá thức ăn chăn nuôi tăng phi mã, giá lợn hơi vẫn giữ ổn định trong khoảng 55.000 - 58.000 đồng/kg khiến giá thành sản xuất cao hơn giá bán, nông dân và doanh nghiệp chăn nuôi chịu thiệt hại nặng nề, xuất chuồng một con lợn hơi có thể lỗ tới 500.000 đồng.

Cần nhanh chóng sử dụng "van" điều tiết thuế, phí

Trong bối cảnh này, "van" điều tiết chính sách thuế, phí dường như vẫn chưa phát huy tác dụng, chưa được kích hoạt.

Cuối năm 2021, Chính phủ điều chỉnh giảm thuế tối huệ quốc (MFN) của lúa mì từ 3% xuống 0% và mặt hàng ngô từ 5% xuống 2%. Tuy nhiên, ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn De Heus cho biết, để sản xuất thức ăn chăn nuôi hỗn hợp cần rất nhiều nguyên liệu, song chỉ một số mặt hàng được giảm thuế, chiếm tỷ trọng thấp trong cơ cấu giá thành sản xuất. Chưa kể, doanh nghiệp đang phụ thuộc tới 85% nguyên liệu nhập khẩu. Do vậy, doanh nghiệp bắt buộc phải điều chỉnh giá thức ăn chăn nuôi.

Đối với mặt hàng phân bón, bắt đầu từ cuối năm 2020, cả thế giới đã điên đảo vì dịch bệnh COVID-19 và càng đảo lộn hơn kể từ khi chiến sự Nga - Ukraine xảy ra, dẫn đến giá tất cả các mặt hàng phân bón tăng chóng mặt, ở mức cao nhất trong 50 năm trở lại đây.

Ông Vũ Duy Hải, Chủ tịch Tập đoàn Vinacam (doanh nghiệp nhập khẩu phân bón) chia sẻ, cán bộ của Vinacam đã trực tiếp nhiều lần đi thị trường các tỉnh, gặp gỡ nông dân trồng lúa, trồng các loại cây ăn trái như thanh long, nhãn, xoài, sầu riêng... thấy "bão giá" khiến nông dân khốn khổ.

Trước tình cảnh trên, ông Hải cho rằng, cần phải sử dụng linh hoạt công cụ thuế để bình ổn giá phân bón trong nước thông qua áp thuế xuất khẩu và nhập khẩu.

Đối với áp thuế xuất khẩu, ông Hải nêu quan điểm điều tiết thuế làm sao phải thỏa mãn, bình ổn cho người nông dân, tức là khi trong nước có nhu cầu thì phải chặn bớt xuất khẩu để tăng nguồn cung và không để thiệt nhà sản xuất khi nhu cầu trong nước giảm. "Nên chăng cần áp dụng chính sách thuế linh hoạt, không cứng nhắc áp thuế xuất khẩu 5% với tất cả mặt hàng mặt phân bón", ông Hải lưu ý.

Bên cạnh đó, Vinacam đề xuất nên dừng thuế phòng vệ với mặt hàng phân DAP và MAP, vì thực tế vừa qua, thời điểm giá trong nước tăng đột biến thì tỷ lệ xuất khẩu sản phẩm DAP sản xuất trong nước đã chiếm tỷ trọng lớn làm thiếu hụt nguồn cung, làm tăng giá thị trường nội địa. Hiện, cơ bản các nhà máy sản xuất DAP, MAP đã có lãi, cân đối được tài chính, nếu tiếp tục duy trì thuế phòng vệ đối với DAP, MAP để bảo hộ sản xuất trong nước sẽ làm tăng gánh nặng cho người làm nông nghiệp.

Thực tế, không chỉ Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới cũng đang chịu tác động nghiêm trọng bởi "cơn bão" giá phân bón. Ấn Độ là nước sản xuất lúa gạo, lúa mì và đường lớn thứ hai thế giới nhưng phụ thuộc một phần không nhỏ nguồn cung phân bón từ nước ngoài. Trước tình cảnh "bão giá", Chính phủ nước này đã tăng trợ cấp giá các mặt hàng phân bón bán cho nông dân.

Theo đó, Ấn Độ sẽ trợ cấp giá phân bón thêm 1.100 tỷ rupee (14,2 tỷ USD) để hỗ trơ nông dân. Trước đó, Ấn Độ cũng đã phân bổ khoản trợ cấp giá phân bón trị giá 1.050 tỷ rupee trong năm tài khóa hiện tại, bắt đầu từ ngày 1/4. Điều này cho thấy, việc có những giải pháp để bình ổn giá cũng như vật tư đầu vào là rất quan trọng để nhanh chóng "hạ nhiệt" các mặt hàng.

Lê Thúy

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/mon-moi-cho-gia-vat-tu-nong-nghiep-duoc-binh-on-1085637.html