Mòn mỏi đợi nghị định mới về xăng dầu

Trong vòng chưa đầy hai tháng, các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đã hai lần gửi văn bản kiến nghị Thủ tướng sớm ban hành nghị định sửa đổi về kinh doanh xăng dầu.

Các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cho biết luôn ở trong trạng thái hoạt động bấp bênh, thua lỗ rất nặng nề. Ảnh: N.K

Các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cho biết luôn ở trong trạng thái hoạt động bấp bênh, thua lỗ rất nặng nề. Ảnh: N.K

Đầu tuần này, đại diện các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu tiếp tục gửi đơn kiến nghị lên Thủ tướng liên quan việc đến nay vẫn chưa ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 95/2021/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu (Nghị định 95).

Trước đó, vào giữa tháng 5-2023, các doanh nghiệp này cũng gửi đơn kiến nghị với nội dung tương tự lên người đứng đầu Chính phủ, mong muốn Chính phủ ban hành nghị định này chậm nhất là trong quí 2 năm nay.

Trong đơn, các doanh nghiệp cho biết luôn ở trong trạng thái hoạt động bấp bênh, thua lỗ rất nặng nề. Nguyên nhân là Nghị định 95 và các thông tư liên quan không có lợi cho doanh nghiệp bán lẻ, nhất là họ không nhận được chi phí kinh doanh định mức và lợi nhuận định mức được quy định tại Nghị định 95 và Thông tư 104/2021/TT-BTC. Chính bởi quy định không ghi rõ tỷ lệ phân chia các khoản này ở các khâu nên doanh nghiệp đầu mối đã gom hết khi lỗ và khi lời thì bù lỗ các khoản lỗ của kỳ trước chưa bù lỗ hết, thậm chí là bù lỗ cho các khoản lỗ do đầu tư kinh doanh ngoài ngành.

Bên cạnh đó, Nghị định 95 cũng không ghi rõ giá bán buôn tối đa, không quy định chiết khấu tối thiểu cho doanh nghiệp bán lẻ để duy trì chi phí tối thiểu hoạt động xuyên suốt. Vì vậy, chiết khấu có thời điểm rất lâu duy trì ở mức tiệm cận 0 đồng hoặc âm, dẫn đến doanh nghiệp bán lẻ thua lỗ kéo dài.

Trước thực tế này các doanh nghiệp bán lẻ hoan nghênh Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo phải sửa đổi Nghị định 95. Các doanh nghiệp cũng gửi rất nhiều góp ý đối với dự thảo nghị định sửa đổi như: cần quy định rõ chi phí định mức, tỷ lệ phân chia chi phí kinh doanh định mức và lợi nhuận định mức ở các khâu, cho phép doanh nghiệp được tự định giá bán…

Tuy nhiên, đến nay, đã hết quí 2-2023, nghị định sửa đổi vẫn chưa được ban hành. Vì thế, các doanh nghiệp bán lẻ vẫn tiếp tục nhận mức chiết khấu “ban phát” từ thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối, tiếp tục chuỗi ngày kinh doanh thua lỗ đã kéo dài suốt hơn một năm qua.

Không những thế, đến nay, dù đã quá hạn trả lời theo quy định hiện hành, nhưng Bộ Công Thương và Bộ Tài chính vẫn không có phản hồi cho các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu về việc xem xét hoàn trả chi phí kinh doanh định mức và lợi nhuận định mức theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ngày 17-4-2023.

Quá sốt ruột, trong đơn lần này, đại diện các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đề nghị được gặp và đối thoại trực tiếp với Thủ tướng để báo cáo về tình hình khó khăn hiện nay và kiến nghị về các nội dung cần thiết phải sửa trong Nghị định 95.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, từ tháng 11-2022, Bộ Công Thương bắt đầu xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu để đưa ra lấy ý kiến. Từ đó đến nay, rất nhiều hội thảo góp ý đã được cơ quan chủ trì soạn thảo và các đơn vị liên quan tổ chức. Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đã tổ chức phiên giải trình về tình hình xăng dầu và kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu. Tuy vậy, đến nay nghị định mới vẫn chưa được ban hành.

Trao đổi với báo chí, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, thời gian qua, việc góp ý vào dự thảo nghị định mới về kinh doanh xăng dầu của các bộ, ngành rất chậm. Đến ngày 18-5, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi Bộ Tư pháp để thẩm định hồ sơ dự thảo nghị định lần cuối trước khi trình Chính phủ phê duyệt.

Sự chậm trễ này – cùng với nhiều ví dụ khác – phần nào cho thấy, thách thức về năng lực dự báo, năng lực hoạch định và thực thi chính sách của các bộ, ngành tiếp tục là vấn đề đáng quan tâm trong tiến trình hiện đại hóa và nâng cao năng lực quản trị quốc gia.

Xăng dầu là hàng hóa thiết yếu và đặc biệt vì ảnh hưởng tới giá cả mọi hàng hóa, dịch vụ, theo đó sẽ tác động mạnh tới tăng trưởng và lạm phát. Tính toán của TS. Bùi Trinh, chuyên gia về thống kê, cho thấy xăng dầu chiếm khoảng 5,8% trong giá trị sản xuất và chiếm 8,2% trong chi phí trung gian của nền kinh tế. Nếu giá xăng dầu tăng 10% thì tổng giá trị tăng thêm của nền kinh tế có thể giảm khoảng 2% và chỉ số giá sản xuất của nền kinh tế tăng xấp xỉ 1%.

Hơn nữa, dù sóng gió trên thị trường xăng dầu hiện đã tạm lắng song những vấn đề căn cốt vẫn chưa được giải quyết để bảo đảm quản lý hiệu quả mặt hàng này trong thời gian tới. Vì vậy, tiến trình ban hành nghị định mới này cần được đẩy nhanh hơn để giúp ngành xăng dầu hoạt động ổn định, hiệu quả, công bằng, giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp bán lẻ nói riêng.

An Nhiên

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/mon-moi-doi-nghi-dinh-moi-ve-xang-dau/