Mòn mỏi ngóng chờ đơn hàng quay trở lại
Đối với nhiều doanh nghiệp dệt may, nỗi kỳ vọng đơn hàng sẽ quay trở lại từ giữa năm nay đang dần lụi tàn khi mà hàng loạt thị trường xuất khẩu lớn vẫn chưa có tín hiệu phục hồi, trong bối cảnh kinh tế vĩ mô thế giới vẫn ở trạng thái bất định.
Sau nhiều tháng hoạt động khó khăn vì đơn hàng liên tục sụt giảm mạnh, doanh nghiệp ngày càng trông ngóng vào sự phục hồi của hoạt động xuất khẩu, để có thể quay trở lại nhịp sản xuất trước đây và ngừng lại việc cắt giảm lao động.
Giảm đơn hàng, dệt may lao dốc mạnh
Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ (mã chứng khoán: STK) gần đây công bố báo cáo tài chính hợp nhất quí 1 năm nay với doanh thu thuần chỉ đạt 288 tỉ đồng, giảm đến 55% so với cùng kỳ năm trước; biên lãi gộp cũng giảm mạnh từ 17% xuống còn 6%.
Báo cáo của Sợi Thế Kỷ cho thấy, trong 3 tháng đầu năm nay, doanh số và giá bán bình quân thấp hơn cùng kỳ chủ yếu do khách hàng trực tiếp lẫn gián tiếp thu hẹp quy mô đơn hàng. Mặc dù chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý có tiết giảm so với cùng kỳ nhưng vẫn không bù đắp được sự sụt giảm lợi nhuận.
Lợi nhuận sau thuế của Sợi Thế Kỷ trong ba tháng đầu năm chỉ vỏn vẹn ở mức 1,6 tỉ đồng, giảm tới 98% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 diễn ra vào cuối tháng 3 vừa qua, ông Đặng Triệu Hòa, Tổng Giám đốc Sợi Thế Kỷ cho biết tiến trình phục hồi của công ty chậm hơn một quí so với kế hoạch, do đó, kết quả quí 1/2023 sẽ không có nhiều khởi sắc. Doanh nghiệp kỳ vọng sự phục hồi có thể bắt đầu từ quí 3 và bình thường trở lại trong quí cuối cùng của năm nay. Ông Đặng Triệu Hòa nhấn mạnh Sợi Thế Kỷ vẫn cố gắng duy trì hoạt động không để lỗ trong giai đoạn khó khăn.
Trong năm nay, Sợi Thế Kỷ đặt mục tiêu doanh thu 2.149 tỉ đồng, và lợi nhuận sau thuế là 253 tỉ đồng, tương ứng tăng 2% và tăng 5% so với năm năm 2022. Nếu so với kế hoạch kinh doanh này thì hết quí đầu tiên, Sợi Thế Kỷ chỉ mới hoàn thành 13% kế hoạch doanh thu và 0,6% kế hoạch lợi nhuận của cả năm.
Tình hình sản xuất kinh doanh bị sụt giảm mạnh không chỉ riêng tại Sợi Thế Kỷ mà đã và đang xảy ra với hầu hất các doanh nghiệp dệt may khác trong cả nước.
Ông Phạm Văn Việt, Tổng giám đốc công ty TNHH Việt thắng Jeans (VitaJean), cho biết do thị trường xuất khẩu lớn của VitaJean là ở các nước châu Âu (EU), trong khi khu vực này lạm phát tăng cao, thị trường sụt giảm mạnh,… khiến đơn hàng xuất khẩu của công ty ông những tháng qua bị ảnh hưởng nặng hơn các doanh nghiệp dệt may khác. Cụ thể đơn hàng xuất khẩu của VitaJean trong 3 tháng đầu năm đi EU giảm đến 50% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tương tự, lãnh đạo một doanh nghiệp dệt may tại TPHCM không tiện nêu tên cho biết từ cuối năm ngoái đến nay, doanh nghiệp ông rất vất vả để tìm được đơn hàng sản xuất nhằm giữ chân người lao động trong bối cảnh thị trường xuất khẩu chính của công ty là Mỹ và châu Âu bị sụt giảm mạnh. Theo doanh nghiệp này, vì không có đơn hàng nên công ty buộc phải cắt giảm một lượng lớn lao động trước đó.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, quí 1 vừa qua, do tình trạng doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng tiếp diễn, dẫn đến hàng trăm nghìn người lao động bị giảm giờ làm, mất việc. Cụ thể, cả nước có gần 150.000 lao động mất việc trong 3 tháng đầu năm, trong đó, tập trung đa số (55,2%) ở các lao động thuộc các ngành dệt may. Con số này chưa kể đến hàng trăm ngàn người lao động bị giãn việc do đơn hàng sản xuất ít.
Chưa thấy tín hiệu phục hồi
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong quí 1 vừa qua, xuất khẩu hàng dệt may của cả nước đạt 7,17 tỉ đô la, giảm 17,7% (tương ứng giảm 1,54 tỉ đô la) so với cùng kỳ năm trước. Trong đó đáng chú ý, các thị trường xuất khẩu lớn của cả nước như Mỹ bị giảm hơn 30%, châu Âu giảm 11,3%,… so với cùng kỳ năm 2022.
Bước sang quí 2, nhìn chung tình hình vẫn không mấy khả quan đối với kinh tế thế giới nói chung và ngành dệt may nói riêng. Suy thoái kinh tế toàn cầu, lạm phát tăng cao, chính sách tiền tệ thắt chặt hiện nay đã đẩy nhu cầu suy giảm tại các quốc gia nhập khẩu dệt may lớn như Mỹ, EU,…
Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM (AGTEK), ông Phạm Xuân Hồng cũng cho rằng tình hình hoạt động của doanh nghiệp dệt may đang rất khó khăn, tín hiệu thị trường hiện chưa cho thấy có chiều hướng thay đổi so với những tháng ế ẩm vừa qua.
Theo chia sẻ của ông Hồng, trải qua 2 quí liên tiếp kinh doanh khó khăn, trong quí 2 này phần lớn các doanh nghiệp dệt may là thành viên của hội tiếp tục sụt giảm đơn hàng 30-40% so với cùng kỳ năm ngoái.
Điều đáng lo ngại hơn nữa là những dự báo và kỳ vọng của doanh nghiệp về các thị trường xuất khẩu lớn sẽ phục hồi và đơn hàng sản xuất quay trở lại từ giữa năm nay cũng khó có thể trở thành hiện thực. Bởi lẽ theo ông Hồng, các thị trường xuất khẩu lớn chưa thấy có tín hiệu phục hồi so với kết quả kinh doanh tồi tệ trong hơn nửa năm qua.
“Thông thường ở thời điểm này của quí 2 doanh nghiệp đã có đơn đặt hàng sản xuất cho cả quí 3 nhưng tình hình thực tế hiện nay nhiều doanh nghiệp sản xuất với đơn hàng ngắn hạn, và chưa có đơn hàng sản xuất cho những tháng của quí 3”, ông Chủ tịch AGTEK chia sẻ.
Thực tế khó khăn này cũng được ban lãnh đạo Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 của Tổng công ty cổ phần May Việt Tiến (UPCoM: VGG) diễn ra vào hồi cuối tháng 4 vừa qua.
Nhận định về cung cầu dệt may trong thời gian tới, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Vinatex cho rằng cầu dệt may thế giới trong 2 năm 2023-2024 sẽ suy giảm do lượng hàng tồn kho lên cao bởi tình trạng quá mua vào đầu năm 2022.
Có thể thấy suốt cả quãng đường mà Việt Tiến là công ty cổ phần thì chưa bao giờ đối diện với tình trạng tổng cầu thế giới đi xuống kể cả năm khủng hoảng kinh tế thế giới của năm 2008-2009.
Điều đáng chú ý nữa là cung dệt may lại tăng đột biến do Trung Quốc mở cửa trở lại từ tháng 3-2023 khiến Việt Nam rơi vào thế khó về mặt chiến lược. Còn về giá cả Việt Nam cũng không có lợi thế khi quí vừa rồi đồng Việt Nam tăng giá 1% và lãi suất vay ngân hàng trong nước cũng gần như gấp đôi so với các nước sản xuất hàng dệt may. Ông Trường cho rằng đây là bài toán khó đối với các doanh nghiệp dệt may Việt Nam hiện nay.
Quả thật trong bối cảnh thị trường sụt giảm giờ đây thêm thách thức từ việc Trung Quốc mở cửa khiến doanh nghiệp dệt may Việt Nam phải cạnh tranh với các doanh nghiệp nội địa của họ sau một thời gian dài phải đóng cửa vì đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó là cơ hội cho xuất khẩu ngành nguyên liệu như ngành sợi, khi Trung Quốc là một trong những thị trường nhập khẩu sợi lớn của Việt Nam.
Trước đó, ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc của Vinatex cũng nhìn nhận rằng ngành dệt may Việt Nam tiếp tục gặp khó khăn trong bối cảnh chi phí đầu vào tăng cao, đồng thời hoạt động cho vay gặp khó khăn, mặt bằng lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp vẫn ở mức cao, ách tắc về giải ngân vốn và thiếu vắng các biện pháp mang tính hỗ trợ doanh nghiệp. “Điều này khiến cho ngành dệt may và các ngành sản xuất khác khó có thể đạt được hiệu quả”, ông Hiếu nói.
Dự báo ngành sợi vẫn chưa thể hồi phục đến hết quí 2/2023. Khả năng cầu thị trường vẫn còn rất thấp, lượng hàng tồn kho sợi của thế giới vẫn ở mức cao và giá bông đã xuống quá thấp nên giá sợi khó có thể cải thiện trong ngắn hạn.
Đối với ngành may, tình trạng thiếu đơn hàng, đơn hàng nhỏ lẻ, số lượng ít, đơn giá thấp, vẫn sẽ kéo dài đến hết quí 3. Dự kiến các đơn hàng may mặc sẽ giảm khoảng 25 – 30% so với cùng kỳ năm 2022.
Trước tình hình khó khăn kéo dài hiện nay, ông Hồng cho rằng khó có thể kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu dệt may tăng trưởng so với kết quả đạt được của năm ngoái với khoảng 44,5 tỉ đô la.
Chống chọi, xoay xở nhiều cách
Trước bối cảnh khó khăn chồng chất nói trên cùng với nhu cầu các thị trường xuất khẩu chưa có tín hiệu phục hồi do kinh tế vĩ mô thế giới vẫn ở trạng thái bất định, lãnh đạo các doanh nghiệp dệt may cho biết họ tiếp tục xoay xở mọi cách để có đơn hàng nhằm duy trì sản xuất, cố gắng giữ chân người lao động cao nhất có thể.
Bên cạnh khó khăn sụt giảm đơn hàng, những đòi hỏi khắt khe đến từ các nhãn hàng như giảm giá sản xuất, đơn hàng nhỏ, thời gian giao hàng nhanh, chất lượng cao hơn, chuyển đổi sử dụng vải có thành phần sợi tái chế… khiến các doanh nghiệp dệt may Việt Nam càng thêm nhiều áp lực.
Ngoài ra, còn có những đòi hỏi doanh nghiệp phải tuân thủ nhiều chính sách của nhãn hàng như phát triển bền vững, xanh hóa tiết kiệm năng lượng, giảm khí thải…
Cố gằng khai thác những thị trường truyền thống và phát triển thị trường ngách cũng như tiết giảm chi phí tối đa là những cách mà doanh nghiệp dệt may cũng như nhiều doanh nghiệp hoạt động sản xuất khác đã và đang áp dụng.
Trước áp lực cạnh tranh, Chủ tịch Vinatex ông Lê Tiến Trường đánh giá ngách mà doanh nghiệp dệt may Việt Nam phải đi là sản xuất linh hoạt các đơn hàng giá trị và yêu cầu kỹ thuật cao.
Theo lãnh đạo Tổng công ty May 10, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, May 10 đã và đang tập trung vào công tác thị trường, tái định vị lại khách hàng và tái định vị lại các sản phẩm.
Cụ thể trước đây, May 10 có thể chuyên môn hóa đạt năng suất tốt nhất nhằm giảm giá thành sản phẩm thì hiện nay phải đa dạng hóa và đào tạo theo hướng một công nhân có thể làm nhiều kỹ năng, đa tay nghề để đáp ứng được sự thay đổi của thị trường.
Bên cạnh đó, May 10 cũng thực hiện có lộ trình theo hướng xanh hóa sản phẩm, bởi nếu không có những bước hành động mạnh trong thời gian tới sẽ bị lỗi thời hoặc khách không đặt hàng đối với các đơn vị không bảo đảm các tiêu chí về sản xuất xanh.
Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng tiến hành tái cấu trúc quản trị, thực hiện chuyển đổi số nhằm đáp ứng các yêu cầu trong tình hình mới. Ðơn cử, đối với khâu thiết kế, May 10 hiện đã có thể may trên phần mềm, duyệt độ vừa phải của sản phẩm trên phần mềm và trình diễn thời trang trên phần mềm trong khi những công đoạn này trước đây chỉ làm bằng tay.
Sau khi có sản phẩm gần như chính xác hoàn toàn trên phần mềm, May 10 mới đưa sản phẩm chế thử thành sản phẩm thật, qua đó rút ngắn được rất nhiều công đoạn, thời gian và chi phí nguyên vật liệu phát triển sản phẩm.
Trong thời gian tới, để có thể vượt qua giai đoạn khó khăn này, ông Cao Hữu Hiếu của Vinatex chỉ ra, trước tiên doanh nghiệp phải tối ưu hóa hoạt động sản xuất, tập trung vào nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó bám sát khách hàng, bám sát thị trường để có các chính sách linh hoạt, kịp thời. Vinatex nhận định rằng đây là một khó khăn chưa từng có tiền lệ đối với ngành.
Theo ông Hiếu, các doanh nghiệp trong hệ thống Vinatex vẫn cố gắng chủ động, linh hoạt, thích ứng trong bối cảnh thị trường bất định như hiện nay với mục tiêu ổn định được tài chính, duy trì bộ máy sản xuất.
Đáng chú ý, trong giai đoạn khó khăn hiện nay, đặc biệt là tình trạng sụt giảm đơn hàng, chèn ép về giá, đòi hỏi các doanh nghiệp phải tái cơ cấu hoạt động, tiết kiệm tối đa chi phí, nâng cao sức cạnh tranh bằng cách tăng năng suất lao động, đầu tư máy móc, các trang thiết bị hiện đại nhằm đẩy mạnh hoạt động sản xuất cũng như đáp ứng nhanh các đơn hàng nhỏ, cần thời gian giao hàng nhanh,…
Ðồng thời, đẩy mạnh công tác đào tạo, nâng cao trình độ tay nghề để thiết kế, tạo ra những sản phẩm chuyên biệt, đòi hỏi kỹ thuật khó, có giá trị gia tăng cao nhằm tạo ưu thế trên thị trường.
Trên thực tế, do lường trước những biến động và khó khăn kéo dài của thị trường nên các doanh nghiệp cũng đã đưa ra các giải pháp để ứng phó với tình hình nhằm thực hiện mục tiêu sản xuất, kinh doanh.
Đơn cử như tại Vinatex đã tăng cường giải pháp đối với các doanh nghiệp sợi nhằm duy trì sản xuất, giữ ổn định nguồn lao động, bảo đảm dòng tiền và chuẩn bị nguồn lực đón đầu khi thị trường ấm lên.
Cụ thể, đẩy mạnh phát triển chuỗi sản xuất sản phẩm dệt kim của Tập đoàn để giúp các đơn vị sản xuất vải và may chủ động nguồn cung nguyên liệu, giảm tồn kho sợi, tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm cuối cùng của chuỗi; tăng cường các giải pháp tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải để bảo đảm vừa tiết giảm chi phí vừa theo đúng lộ trình đáp ứng các yêu cầu về môi trường của các nhà mua hàng.
Tập đoàn cũng xây dựng chiến lược phát triển giai đoạn 2022-2030 với mục tiêu hình thành “Một điểm đến cho sản phẩm dệt may thời trang xanh”. Đây cũng là xu hướng của các doanh nghiệp nếu muốn gia nhập chuỗi sản xuất dệt may toàn cầu, nâng cao năng lực cạnh tranh, được khách hàng ưu tiên lựa chọn.
Bên cạnh sự nỗ lực của doanh nghiệp, giới phân tích cho rằng Nhà nước cũng cần có các cơ chế, chính sách hỗ trợ về vốn, lãi suất vay; nghiên cứu cắt, giảm các loại thuế, phí; linh hoạt điều chỉnh về tổng số giờ lao động, giờ làm thêm để phù hợp tình hình mới, qua đó tạo bệ đỡ thúc đẩy doanh nghiệp phát triển.
Tình hình khó khăn của ngành dệt may có thể kéo dài đến quí 4/2023 và hy vọng mùa lễ hội cuối năm sẽ kéo nhu cầu đơn hàng lên cao hơn, giúp doanh nghiệp có động lực trở lại.
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/mon-moi-ngong-cho-don-hang-quay-tro-lai/