Món quà đặc biệt của nhạc sĩ Sa Huỳnh nhân ngày sinh nhật Bác

Nhân kỷ niệm 135 năm ngày sinh nhật Bác, nhạc sĩ Sa Huỳnh đã gửi tặng Bảo tàng TP Hồ Chí Minh bản độc tấu piano mang tên 'Khúc tre thương nhớ Bác Hồ'.

Tác phẩm như một lời tri ân sâu sắc từ thế hệ trẻ đến vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc. Phóng viên Thời báo VTV đã có buổi trò chuyện với nữ nhạc sĩ để hiểu rõ hơn về quá trình ra đời của tác phẩm này.

Cơ duyên nào đã đưa chị đến với việc sáng tác Khúc tre thương nhớ Bác Hồ?

Tôi vừa hoàn thành tác phẩm này vào ngày 12/5/2025. Khi nhận được lời mời từ Bảo tàng TP Hồ Chí Minh tham dự lễ khai mạc trưng bày Hành trình theo chân Bác qua sưu tập tem và bưu ảnh, tôi rất xúc động và muốn mang đến một món quà tinh thần thật ý nghĩa. Tôi quyết định sáng tác một bản độc tấu piano để dâng tặng Bác nhân ngày sinh nhật.

Dù thời gian gấp, nhưng cảm xúc lúc ấy như được "khơi mở", tôi hoàn thành tác phẩm chỉ trong vòng hai ngày. Với tôi, đó là một cơ hội quý báu để thể hiện lòng biết ơn với Bác Hồ – Người đã hy sinh cả cuộc đời để thế hệ ngày nay được lớn lên trong hòa bình.

Vì sao chị chọn hình tượng cây tre để gửi gắm tình cảm với Bác?

Tre là biểu tượng cho tinh thần kiên cường, bất khuất – cũng chính là những phẩm chất tiêu biểu mà Bác Hồ đã hiện thân trọn vẹn nhất. Tôi sử dụng kỹ thuật piano giống như tiếng xào xạc của cây tre, trải qua bao giông tố vẫn gắn kết với nhau rất chặt chẽ, đúng như tinh thần đoàn kết, gắn bó của người Việt Nam.

Nhạc sĩ Sa Huỳnh trao tặng Bảo Tàng TP Hồ Chí Minh nhạc phẩm Khúc tre thương nhớ Bác Hồ

Nhạc sĩ Sa Huỳnh trao tặng Bảo Tàng TP Hồ Chí Minh nhạc phẩm Khúc tre thương nhớ Bác Hồ

Nhiều khán giả đã không giấu được sự xúc động khi nghe nhạc phẩm này. Trong quá trình sáng tác, điều gì khiến chị xúc động nhất khi nhớ về Bác?

Tôi đặc biệt xúc động khi nghĩ đến tình cảm Bác dành cho đồng bào miền Nam. Sinh thời, dù sức khỏe yếu, Bác vẫn luôn day dứt vì "đồng bào miền Nam còn phải chịu nhiều gian khổ, hy sinh". Điều ấy khiến tôi – một người con miền Nam – cảm thấy rất thấm thía. Vì vậy, chủ đề chính của bản nhạc được viết bằng thanh âm đặc trưng của miền Nam, thể hiện tấm lòng của người miền Nam luôn nhớ thương Bác.

Việc gửi tặng nhạc phẩm này cho Bảo tàng TP Hồ Chí Minh có ý nghĩa như thế nào với cá nhân chị?

Tôi khá bất ngờ khi nhận được lời mời của Bảo tàng, và cũng là một cái duyên khi thời điểm này cảm xúc của tôi đã chín muồi để viết lên Khúc tre thương nhớ Bác Hồ. Đối với tôi đây là một cột mốc đáng nhớ trong sự nghiệp khi có thể tiếp nối ba mình (cố nhạc sĩ Triều Dâng – tác giả của ca khúc Tuổi trẻ thế hệ Bác Hồ) viết về Bác. Nhạc phẩm này như một lời nhắn gửi đến ba rằng: "Ba ơi, con vẫn đang tiếp nối sự nghiệp âm nhạc của gia đình. Con vẫn đang sống tốt, sống có ích cho quê hương đất nước như lời ba vẫn luôn dạy con".

Chị kỳ vọng điều gì khi tác phẩm của mình được trưng bày tại Bảo tàng TP Hồ Chí Minh – nơi có tuổi đời hơn 135 năm và là điểm đến yêu thích của du khách trong và ngoài nước?

Tôi hy vọng Khúc tre thương nhớ Bác Hồ sẽ mang đến cho người nghe, đặc biệt là các bạn trẻ, một cảm xúc mới về Bác – vừa gần gũi, vừa sâu sắc, và đầy cảm hứng. Trong thế hệ nghệ sĩ trẻ hiện nay, có rất nhiều người sáng tác về quê hương, đất nước, về Bác Hồ. Tôi vinh dự khi có cơ hội đóng góp vào dòng chảy ấy. Hy vọng âm nhạc sẽ tiếp thêm niềm tin để mỗi người trẻ hôm nay tự tin cống hiến, sống đẹp, sống có trách nhiệm – đúng như điều Bác từng căn dặn.

Một phần bản nhạc chép tay nhạc phẩm Khúc tre thương nhớ Bác Hồ

Một phần bản nhạc chép tay nhạc phẩm Khúc tre thương nhớ Bác Hồ

Theo chị, âm nhạc có vai trò như thế nào trong việc giáo dục lòng yêu nước và giữ gìn những ký ức về Bác đối với thế hệ trẻ?

Âm nhạc không chỉ giúp thế hệ trẻ hiểu Bác bằng lý trí, mà còn gặp Bác bằng trái tim. Đó là sức mạnh lớn nhất – giúp hình ảnh Bác Hồ trở nên sống động, gần gũi, và tiếp tục dẫn dắt các thế hệ hôm nay đi theo con đường mà Người đã lựa chọn. Ngay từ nhỏ tôi đã thuộc làu ca khúc "Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng…" và lớn lên cùng những giai điệu vừa ngọt ngào, vừa xúc động, vừa hào hùng về Bác. Đặc biệt là những bài hát của ba tôi "Từ biển khơi đến miền rừng núi cao/Cờ Đoàn ta mang ảnh Bác với tên Người vĩ đại/Hồ Chí Minh công ơn của Bác như biển trời/Tình Người ấm trong tim ta trên đường chiến đấu" đã ăn sâu vào tiềm thức.

Trong kỷ nguyên mới, khi giá trị truyền thống cần được làm mới bằng ngôn ngữ hiện đại, thì âm nhạc chính là "nhịp cầu nghệ thuật" bền bỉ và lan tỏa nhất để kết nối thế hệ trẻ với Bác Hồ.

Xin cảm ơn chị!

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/mon-qua-dac-biet-cua-nhac-si-sa-huynh-nhan-ngay-sinh-nhat-bac-172250519204317813.htm