Món quà ký ức
Trong căn nhà đơn sơ trên đường Lý Văn Lâm (Phường 1, TP Cà Mau), cựu chiến binh (CCB) Lâm Anh Lữ cầm trên tay cuốn 'Kỷ yếu Ban Liên lạc Thị đội Cà Mau và Huyện đội Châu Thành' vừa in xong, mắt ánh lên niềm vui và xúc động: 'Cuối cùng thì cũng hoàn thành. Mừng lắm!'. Gương mặt rạng ngời, tay ông run run lật từng trang sách còn thơm nồng mùi giấy mới...
Nhiều tháng qua, người CCB này luôn bận rộn, dồn nhiều tâm sức cho cuốn sách. Từ việc lục tìm, tập hợp tư liệu, hình ảnh, các bài báo đã in, đối chiếu thông tin, nhờ đánh máy, biên tập, liên hệ nhà in, làm các thủ tục xuất bản theo yêu cầu... Tất cả nhằm kịp cho ra đời cuốn sách đúng dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025).
Không ai yêu cầu ông làm điều đó. Nhưng ông vẫn làm - lặng lẽ, tâm huyết - như thể đó là việc tất yếu của một người còn nhớ, còn thương, còn mang nợ với quá khứ, với đồng đội.
Nghĩa tình đồng đội
Sinh năm 1947, tại ấp Xóm Chùa, xã Hòa Thành, TP Cà Mau, CCB Lâm Anh Lữ tham gia cách mạng từ rất sớm. Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông từng giữ nhiều vị trí quan trọng: Phân đội trưởng, rồi Ðội trưởng Ðội Biệt động thị xã Cà Mau; Thị đội phó Thị đội Cà Mau; Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn K8 - đơn vị chủ lực của lực lượng vũ trang thị xã. Sau ngày giải phóng đất nước, là thương binh loại 3/4, ông tiếp tục công tác trong quân đội và sau đó chuyển ngành, rồi nghỉ hưu.
Trở về cuộc sống đời thường, ông luôn giữ phẩm chất người lính Cụ Hồ, hăng hái tăng gia sản xuất phát triển kinh tế gia đình, sống gương mẫu, đặc biệt là dành nhiều tình cảm, sự quan tâm với đồng đội năm xưa.

Nhiều hình ảnh Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng LLVTND và ảnh đồng đội được lưu lại tại Nhà kỷ niệm, ấp Cái Bát, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình.
Từ năm 2005 đến nay, cứ mỗi dịp 30/4, ông đều đặn tổ chức họp mặt CCB đơn vị Thị đội Cà Mau tại gia đình mình. Ngoài bữa cơm thắm tình cùng người còn sống, ông và các CCB luôn dành mâm cơm cúng, tưởng nhớ những đồng đội đã hy sinh.
Không chỉ ôn lại tình xưa nghĩa cũ, từ những buổi họp mặt này, ông và đồng đội đã quyên góp hơn 200 triệu đồng để hỗ trợ cất nhà cho đồng đội khó khăn, thăm hỏi nhau khi đau ốm, trợ giúp nhau lúc hoạn nạn.
Năm 2008, nhân kỷ niệm 50 năm Chiến dịch Mậu Thân 1968, ông tự bỏ 10 triệu đồng để tặng quà cho 20 đồng chí từng tham gia hai đợt tổng tiến công năm Mậu Thân. Năm 2022, ông lại đứng ra vận động và chi hơn 350 triệu đồng từ tiền cá nhân để xây dựng Nhà kỷ niệm tại vùng căn cứ xưa (ấp Cái Bát, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình). Công trình này vừa là nơi lưu giữ hiện vật, tư liệu lịch sử, vừa là không gian sinh hoạt, giáo dục truyền thống và là nơi để các đồng đội tìm về.

Quyển kỷ yếu mà CCB Lâm Anh Lữ thực hiện bằng bao công sức, tấm lòng vì đồng đội.
Món quà lịch sử ý nghĩa
Ðiều đặc biệt và thật cảm động nữa là việc ông tự bỏ tiền túi để in cuốn Kỷ yếu Ban Liên lạc Thị đội Cà Mau và Huyện đội Châu Thành, để làm quà gửi tặng những đồng chí, đồng đội từng vào sinh ra tử cùng ông, đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Cuốn sách là tập hợp các tư liệu, bài báo, hồi ức lịch sử... nhằm tri ân những chiến sĩ biệt động, trong đó nổi bật là các hoạt động của Ðội Biệt động Hồ Thị Kỷ anh hùng.
Ông Lâm Anh Lữ từng là Ðội trưởng Ðội Biệt động thị xã Cà Mau, đơn vị chiến đấu trong lòng địch giữa giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Ðồng đội ông, phần lớn là những cô gái, chàng trai tuổi chưa đầy đôi mươi, đã âm thầm cài mìn, đánh kho đạn, phá tàu chiến, tiêu diệt mục tiêu chiến lược của đối phương.
Có người đã đi đến cuối cùng cuộc chiến. Có người ngã xuống khi tuổi còn xanh. Như Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân (LLVTND) Hồ Thị Kỷ, người con gái rạch Cây Khô, đã cùng đồng đội là Anh hùng LLVTND Huỳnh Thị Kim Liên bồng theo cháu Hồ Thị Thúy Nghiêm để ngụy trang trong một trận đánh táo bạo vào Ty Cảnh sát. Tất cả đã hy sinh ngay giữa lòng địch.
Có người trở về với thân thể nhiều thương tích như Anh hùng LLVTND Nguyễn Thị Lòng, nữ chiến sĩ từng đánh chìm cả đoàn tàu sắt, bị thương, bị bắt, bị tra tấn, nhưng không khai nửa lời. Thiên chức làm mẹ bị chiến tranh cướp đi, sau này bà chỉ nhận một đứa con nuôi, rồi lặng lẽ tảo tần lo cho con ăn học nên người.
Và có người mãi là huyền thoại, như Anh hùng LLVTND Mạc Thành To, người có hơn 130 trận đánh lớn nhỏ; từng hóa trang thành sĩ quan Cộng hòa, vào hội trường của địch và tổ chức một trận đánh khiến toàn bộ thị xã Cà Mau rung chuyển. Tên tuổi ông trở thành nỗi ám ảnh của bọn địch ở thị xã Cà Mau. Ông hy sinh khi mới hơn hai mươi tuổi, để lại cho đời nỗi tiếc thương và nể phục.
Ông Lâm Anh Lữ chia sẻ: “Cuốn Kỷ yếu này in xong, tôi mới cảm thấy phần nào tròn hơn trách nhiệm với lịch sử, với đồng đội đã hy sinh. Ðây không phải là một ấn phẩm để quảng bá hay kinh doanh, mà là một món quà gửi đến đồng chí, đồng đội, là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa người sống và người đã ra đi. Nó cũng là món quà gửi lại cho thế hệ sau, để họ hiểu, trân trọng giá trị của độc lập, tự do mà mình đang có được”.

CCB Lâm Anh Lữ chia sẻ niềm vui cùng đồng đội khi cuốn sách hoàn thành.
Không thể tập hợp được hết những tài liệu, nói hết được chiến công các đơn vị, các cá nhân, nhưng từng ấy nội dung được thể hiện trong sách cũng là những cố gắng lớn của ông.
Chạm tay vào cuốn sách ông làm ra, để thấy rõ hơn giá trị của hòa bình, của tự do, của tình người trong những năm tháng khốc liệt.
Lịch sử, ngoài những chiến công hiển hách được ghi nhận, đôi khi còn được lưu giữ bằng tấm lòng của những con người đang âm thầm gom nhặt từng trang ký ức, như lật lại trái tim mình, để gửi lại đời sau./.
Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/mon-qua-ky-uc-a38632.html