Món quê thương nhớ
Năn sống tự nhiên thích hợp vùng đất nhiễm mặn ở miền Tây, nhiều nhất ở 3 tỉnh cuối Việt: Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau. Đây là cây mọc hoang trên vùng đất ngập nước. Ở Sóc Trăng ngày xưa có những cánh đồng cỏ năn bạt ngàn. Năn mọc nhiều vô kể, có nơi người ta gọi riết thành địa danh.
Năn có 2 loại chính: năn kim và năn bộp. Trong các loại năn, năn bộp hữu dụng hơn cả. Năn bộp có thân hình tròn, cọng dài và nhỏ. Năn phát triển mạnh vào mùa mưa, đến mùa khô tự chết. Nhổ năn rất cực, gặp nơi nước sâu phải ngâm mình dưới nước. Người dân quê sử dụng năn bộp như một loại rau. Phần gốc có màu vàng nâu do nhiễm phèn nhưng khi được bóc ra có màu trắng, nhìn đã thấy ngon rồi. Năn được cắt gọn và bó lại từng bó đem đi bán ở các chợ.
Năn ăn sống dùng để chấm nước thịt kho, cá kho hay mắm kho đều ngon. Vùng đất nhiễm mặn ít rau xanh, có năn cũng bổ sung được phần thiếu thốn này. Món năn xào tép là món ngon dân dã ở nhiều gia đình. Năn có thể làm gỏi trộn với tép hoặc thịt gà trên dĩa rải chút rau răm đi kèm với chén nước mắm tỏi ớt là nhứt xứ. Năn còn được các bà nội trợ chế biến thành dưa chua. Đây là món quà quê được những người con miền Tây xa quê sống tha phương đón nhận rất nhiệt tình. Trong khi nhiều loại rau cải bị sử dụng thuốc hóa học tràn lan thì năn được coi là rau sạch.
Là người con miền Tây, tôi có nhiều kỷ niệm khó quên với năn trong những buổi cơm ở gia đình. Từ năn, mẹ tôi đã chế biến ra nhiều món ăn giản dị nhưng rất ngon, những đứa trẻ như chị em chúng tôi lớn lên từ vùng sông nước rất yêu thích những món đặc sản của quê mình. Từ bàn tay của mẹ, chị em chúng tôi được thưởng thức hương vị ngọt ngào của quê nhà yêu dấu. Mỗi món ăn còn là kỷ niệm thân thiết của gia đình. Người con nào cũng yêu mến món ngon của quê hương, thậm chí còn cho đó là món ngon nhất.
Còn nhớ có lần đi công tác xuống một xã của TX. Ngã Năm, ông bạn đãi anh em món cá kèo nấu sả. Chất rau duy nhất để chấm vào nồi lẩu là năn bộp. Anh nói ăn lẩu phải có nhiều loại rau mới ngon nhưng món này chỉ cần ăn kèm với năn, thêm rau khác vô làm loãng đi hương vị. Chỉ là món ăn đơn giản nhưng nhớ đời. Anh nói dân vùng nước ngọt chê món ăn vùng nước mặn không phong phú bằng ở xứ của họ. Điều đó chỉ đúng một phần, một số món ăn đặc sản của vùng nước mặn nếu được các đầu bếp nâng cấp lên chút xíu đủ sức chen chân vô các quán cao cấp.
Còn nhớ thời thanh niên lúc còn ở Sài Gòn, nhóm bạn chúng tôi vô chợ Bình Chánh thấy có bán năn bộp mừng như gặp lại người bạn cố tri. Anh em không bỏ qua cơ hội mua vài bó về xào tép. Các bạn miền Trung thấy năn lạ quá chưa từng gặp bao giờ nhưng được ăn thử thấy ngọt và khen ngon. Dân mình ngộ lắm, ở phương xa được ăn đặc sản của quê nhà vui vô cùng, thỏa lòng thỏa dạ nhớ thương cố xứ.
Ngày nay diện tích tự nhiên của năn dần dần bị thu hẹp vì khu đất nào cải tạo được sẽ ưu tiên sản xuất cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn. Thế nhưng nhu cầu tiêu thụ của năn vẫn rất lớn. Không thể trông chờ vào thiên nhiên, có người trồng năn giống như việc trồng cây bồn bồn một số nơi đã làm. Hoa lợi từ năn đem lại rất đáng kể, bà con có đồng ra đồng vô giải quyết khó khăn trong sinh hoạt gia đình. Tuy nhiên việc tiêu thụ mặt hàng này vẫn quanh quẩn ở vài nơi lân cận chưa vươn xa do nhiều lý do. Không ít nông dân mơ ước làm sao ở địa phương có một cơ sở sản xuất đóng hộp hay đóng gói như dưa năn muối, dưa bồn bồn muối… Được như vậy giá cả sản phẩm sẽ ổn định, bớt lo đầu ra còn bấp bênh may nhờ rủi chịu!
Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/doi-song-xa-hoi/mon-que-thuong-nho-58525.html