Móng Cái chú trọng bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản bền vững
Thành phố (TP) Móng Cái có trên 50km bờ biển, trên 19.900ha biển và đất bãi triều, trên 2.700ha ao đầm nuôi trồng thủy sản là điều kiện thuận lợi để phát triển ngành thủy sản (NTS). Những năm qua, TP Móng Cái đã quan tâm chỉ đạo, triển khai đồng bộ, kịp thời các giải pháp để đẩy mạnh phát triển NTS, vận động toàn dân chung tay bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản (NLTS) vì một NTS xanh và phát triển bền vững.
Ngày 30/3/2024, TP Móng Cái đã tổ chức thả giống thủy sản nhân kỷ niệm 65 năm Ngày Truyền thống NTS Việt Nam (1/4/1959-1/4/2024). 105.000 con giống thủy sản là tôm sú, cá vược, cá song - những loại có giá trị kinh tế cao đã được thả xuống biển, góp thêm nguồn tái tạo NLTS. Đồng thời, là hoạt động ý nghĩa thể hiện tinh thần trách nhiệm trong nuôi trồng, khai thác gắn với bảo vệ, giữ gìn và tái tạo nguồn lợi thủy sản, nâng cao nhận thức của toàn dân trong công tác bảo vệ và phát triển NLTS; bảo vệ môi trường sống của các loài thủy sản đối với sự nghiệp phát triển bền vững NTS, gắn với giữ vững chủ quyền vùng biển đảo của Tổ quốc và động viên tinh thần thi đua lao động sản xuất.
Với lợi thế đường bờ biển dài và vùng biển rộng, Móng Cái đã phát huy và khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế này cả trên lĩnh vực nuôi trồng và khai thác thủy, hải sản. Cơ sở hạ tầng vùng nuôi trồng, dịch vụ hậu cần phục vụ sản xuất ngày càng phát triển cả quy mô, công nghệ và chất lượng. Hằng năm, TP Móng Cái đều hoàn thành và vượt kế hoạch đề ra, sản lượng thủy sản năm sau luôn cao hơn năm trước.
Năm 2023, NTS của TP Móng Cái đã đạt được những kết quả tích cực: Tổng sản lượng thủy sản đạt 25.477,9 tấn, đạt 130,16% kế hoạch, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, sản lượng khai thác: 13.066,5 tấn, đạt 168,6% kế hoạch; sản lượng nuôi trồng thủy sản: 12.411,4 tấn, đạt 104,96% kế hoạch. Giá trị sản xuất NTS đạt trên 1.800 tỷ đồng, chiếm 65% cơ cấu kinh tế ngành nông, lâm, ngư nghiệp của TP Móng Cái. Cùng với đẩy mạnh phát triển sản xuất, Móng Cái đã tăng cường công tác quản lý, xử lý các vi phạm về khai thác thủy sản. Năm 2023, các đơn vị chức năng trên địa bàn đã bắt giữ, xử lý xử lý 61 vụ vi phạm/71 đối tượng/69 phương tiện. Tổng số tiền xử phạt trên 1,3 tỷ đồng. Tang vật tịch thu giữ gồm 21 bộ kích điện, 8 cào đáy, 80 mét lưới và 655kg sò nhám.
Với những kết quả đạt được trong những năm qua, NTS đã trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn trong cơ cấu ngành nông nghiệp của TP Móng Cái. Cùng với đó, với đặc thù khu vực biên giới, trên cơ sở quan hệ đối tác, hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc, việc đảm bảo sự phát triển bền vững của NTS trong khu vực vịnh Bắc Bộ không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước và ngư dân của mỗi nước, mà còn cần có sự phối hợp chặt chẽ của cả hai nước Việt Nam và Trung Quốc, trong đó có vai trò của Móng Cái (Việt Nam) và Đông Hưng (Trung Quốc). Hằng năm, hai địa phương hai nước đã có những hợp tác cụ thể, tích cực, hiệu quả trong lĩnh vực thủy sản; tiếp tục phối hợp triển khai hoạt động thả giống tái tạo NLTS tại vịnh Bắc Bộ.
Trước đó, vào ngày 6/5/2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Việt Nam) và Bộ Nông nghiệp Nông thôn (Trung Quốc) cùng chính quyền Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây đã phối hợp tổ chức buổi liên hợp thả 30 giống thủy sản với hàng trăm triệu con giống tại khu vực biển của TP Đông Hưng (Trung Quốc), nhằm tái tạo NLTS. Đây là hoạt động thường niên dựa trên cơ sở Biên bản ghi nhớ về “Hợp tác thả giống tái tạo và bảo vệ NLTS trong vịnh Bắc Bộ” giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Bộ Nông nghiệp Nông thôn Trung Quốc.
Theo ông Đỗ Văn Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Móng Cái: Để tiếp tục khai thác lợi thế kinh tế thủy sản gắn với mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an ninh - quốc phòng, biên giới biển, đảo, TP Móng Cái tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc Luật Thủy sản năm 2017; các nghị định, quyết định của Chính phủ, của tỉnh, chương trình hành động của Ban Thường vụ Thành ủy Móng Cái liên quan đến bảo vệ và phát triển thủy sản.
Bên cạnh đó, TP Móng Cái tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy phát triển NTS cả về nuôi trồng và khai thác. Quan tâm thu hút các nhà đầu tư phát triển các nhà máy chế biến thủy sản mới theo hướng hiện đại, chế biến sâu, gắn với chương trình OCOP của TP Móng Cái. Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu nuôi trồng theo hướng hiện đại, tập trung áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất theo hướng nuôi thâm canh, tăng vụ, nâng cao giá trị sản xuất. Xây dựng hệ thống cơ sở hậu cần nghề cá đồng bộ, hiện đại gắn với công nghiệp phụ trợ và liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và chế biến, tiêu thụ.
TP Móng Cái cũng tăng cường quản lý nhà nước về đất đai, không để tình trạng người dân tự ý lấn chiếm mặt đất, mặt nước, bãi triều để nuôi trồng thủy sản khi chưa được cấp thẩm quyền cho phép; thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm các quy định về nuôi trồng, khai thác thủy sản; tập trung quản lý hoạt động nuôi trồng, khai thác, đánh bắt thủy sản trên địa bàn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp đánh bắt "tận diệt" để bảo vệ và phát triển NLTS.
Ông Đỗ Văn Tuấn mong muốn, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia lĩnh vực khai thác, nuôi trồng, chế biến, dịch vụ hậu cần nghề cá tiếp tục có những đóng góp bằng nguồn giống thủy sản tự sản xuất để thả về tự nhiên nhằm chung tay góp phần tái tạo NLTS. Đồng thời, đề nghị các ngư dân tiếp tục khắc phục khó khăn, vươn khơi bám biển để khai thác thủy sản, chấp hành và thực hiện tốt các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực thủy sản, tuyệt đối không sử dụng các công cụ khai thác mang tính hủy diệt.