Cải cách môi trường kinh doanh: Tăng tốc và quyết liệt

Môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam đang có nhiều chuyển biến tích cực sau thời gian dài cải cách và đổi mới liên tục.

Người dân, doanh nghiệp đến bộ phận một cửa Trung tâm dịch vụ hành chính công tỉnh Lào Cai giải quyết thủ tục hành chính. Ảnh: Quốc Khánh - TTXVN

Người dân, doanh nghiệp đến bộ phận một cửa Trung tâm dịch vụ hành chính công tỉnh Lào Cai giải quyết thủ tục hành chính. Ảnh: Quốc Khánh - TTXVN

Báo cáo điều tra do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) mới công bố đã ghi nhận nhiều kết quả trong hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Theo đó, việc tiếp cận thông tin và các chính sách pháp luật liên quan tới đầu tư, kinh doanh cũng đã thuận lợi hơn; chi phí không chính thức tiếp tục giảm, cải cách thủ tục hành chính đang dần phát huy hiệu quả.

Từ đầu năm tới nay, cộng đồng doanh nghiệp đã cảm nhận được những chuyển động chính sách tích cực từ các cơ quan soạn thảo, các cơ quan quản lý. Nhà nước đã có những nỗ lực trong việc sửa đổi, bổ sung những quy định còn vướng, không còn phù hợp thực tế. Các hoạt động cải cách thủ tục hành chính cũng được thúc đẩy đối với những quy định hiện hành và kiểm soát trong các văn bản soạn thảo mới. Dù vậy, cộng đồng doanh nghiệp vẫn kỳ vọng hơn nữa về mức độ cải cách và quyết tâm giải quyết những điểm vướng mắc của quy định pháp luật.

Một trong số những nội dung về thủ tục hành chính còn nhiều vướng mắc khiến cả doanh nghiệp cùng các cấp, ngành, địa phương "trăn trở" và đề xuất tháo gỡ, đó là quy chuẩn xây dựng phòng cháy chữa cháy.

Ông Thái Đại Phong, Giám đốc Công ty TNHH Đức Phong cho biết: Các quy định pháp luật về phòng cháy và chữa cháy gây khó cho doanh nghiệp có thể kể đến như: Quy định về sơn chống cháy, quy định về bậc chịu lửa, quy định về khoảng cách lưu không chống cháy lan, quy định về cấp nước chữa cháy.... Thực tiễn chứng minh, nhiều công trình xây dựng khi gặp vấn đề này không được đưa vào sử dụng, gây lãng phí lớn cho doanh nghiệp và xã hội.

Tuy nhiên hiện nay, nhiều hoạt động đối thoại thông qua hội nghị, hội thảo cũng đã được tổ chức giữa các cơ quan quản lý Nhà nước và các hiệp hội cùng doanh nghiệp để cải tổ, chỉnh sửa hoặc bổ sung pháp luật về phòng cháy chữa cháy, qua đó giúp tháo gỡ nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Đây là những nỗ lực từ phía các cơ quan ban hành chính sách nhằm đưa ra những quy định phù hợp với thực tiễn kinh tế - xã hội của đất nước.

Hay như với quy định pháp luật về vận chuyển hàng quá cảnh, ông Đào Trọng Khoa, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) cho biết: Nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải hàng hóa phản ánh họ bị xử phạt khi thực hiện các hợp đồng chở hàng hóa quá cảnh. Các doanh nghiệp Việt Nam chỉ là chở hàng thuê, không được mở bao gói để kiểm tra nên khó có đủ năng lực xác định chính xác hàng hóa có vi phạm hay không. Thông tin về hàng hóa để đưa vào tờ khai hải quan lại là do phía đối tác cung cấp.

Thêm vào đó, việc bị kiểm tra còn khiến hàng hóa bị bóc niêm phong, kéo dài thời gian giao hàng, khiến các doanh nghiệp vận tải của Việt Nam bị phía đối tác nước ngoài gây sức ép khi không bảo đảm nghĩa vụ hợp đồng. Việc xử phạt các doanh nghiệp vận tải như vậy sẽ có tác động rất lớn đến hoạt động vận chuyển hàng hóa quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế - Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Ảnh: Ngọc Quỳnh/Bnews/TTXVN

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế - Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Ảnh: Ngọc Quỳnh/Bnews/TTXVN

Trong lĩnh vực về bảo vệ môi trường, vấn đề phí bảo vệ môi trường đối với khí thải đang có nguy cơ chồng chéo với Luật Thuế bảo vệ môi trường. Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng Ban pháp chế VCCI cho hay, công cụ kinh tế là một biện pháp khá quan trọng để hạn chế các hành vi gây ô nhiễm môi trường, tạo động lực để các doanh nghiệp và người dân giảm phát thải các chất gây ô nhiễm.

Hiện nay, các doanh nghiệp phát sinh chất thải rắn, nước thải và chất thải nguy hại đã phải chịu các nghĩa vụ tài chính tương ứng. Việt Nam đã có Luật Thuế bảo vệ môi trường đánh thuế đối với xăng dầu và than, là những nhiên liệu chính tạo ra khí thải. Pháp luật bảo vệ môi trường hiện đã có quy định về việc cấp giấy phép môi trường; trong đó, có nội dung về khối lượng, chất lượng của khí thải cũng như biện pháp quan trắc tự động, quan trắc định kỳ khí thải. Đa số các doanh nghiệp đã tuân thủ các nghĩa vụ này. Do đó, cơ quan nhà nước có đủ thông tin để có thể đánh thuế phí đối với khí thải ra, thay vì phải thu nhiên liệu đầu vào như trước đây.

Không chỉ môi trường, ông Tuấn cho biết: Ba năm trở lại đây, để thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP năm 2020 về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025, các bộ, ngành đã tiến hành rà soát, xây dựng các phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của mình.

Các hoạt động đều tập trung vào các đề xuất bổ sung phương thức thực hiện thủ tục hành chính theo phương thức trực tuyến và đơn giản hóa về hồ sơ xin phép như: bỏ yêu cầu cung cấp tài liệu, giảm số lượng hồ sơ phải nộp hay giảm số lượng nhân sự; giảm yêu cầu về cơ sở vật chất; giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính...

Tuy vậy, các phương án cắt giảm, đơn giản hóa vẫn chưa thực sự đạt như kỳ vọng và chưa phản ánh được mong muốn thực sự của doanh nghiệp. Trước thực trạng này, ông Đậu Anh Tuấn cũng bày tỏ kỳ vọng, những vấn đề tác động tới môi trường đầu tư kinh doanh, những vướng mắc gây cản trở, hạn chế hoạt động của doanh nghiệp sẽ tiếp tục được xem xét và tháo gỡ.

Ngọc Quỳnh/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/cai-cach-moi-truong-kinh-doanh-tang-toc-va-quyet-liet/352474.html