MONG CHỜ HOÀN THIỆN QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ QUẢN LÝ ĐẤT ĐAI
Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV là Kỳ họp quan trọng với nhiều nội dung trọng tâm liên quan đến công tác lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Trao đổi bên hành lang Hội trường Diên Hồng, nhiều đại biểu Quốc hội mong chờ lần cho ý kiến đầu tiên đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi), đồng thời bày tỏ hy vọng những quy định mới sẽ tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong lĩnh vực quản lý đất đai, tạo động lực phát triển kinh tế- xã hội đất nước.
QUỐC HỘI THẢO LUẬN KẾT QUẢ PHÁT TRIỂN KT-XH NĂM 2022, DỰ KIẾN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KT-XH NĂM 2023
Chia sẻ bên lề phiên họp, đại biểu Nguyễn Chu Hồi- Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng cho biết, kỳ họp lần này cũng sẽ cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Đất đai sửa đổi - vấn đề “nóng” nhất hiện nay. Đại biểu kỳ vọng tại phiên thảo luận này, các đại biểu sẽ tập trung đưa ra nhiều ý kiến thẳng thắn, tâm huyết, sâu sắc, toàn diện,, có giá trị tham khảo rất cần thiết cho một vấn đề quan trọng đối với cuộc sống người dân, đại sự đối với sự phát triển đất nước, góp phần thực hiện thành công “Khát vọng Việt Nam” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Cùng chia sẻ niềm hy vọng này, đại biểu Vũ Tiến Lộc- Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội cho biết, tại Kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ bàn và sẽ sửa đổi một loạt các luật cơ bản liên quan đến cái phát triển kinh tế, hoạt động cộng đồng doanh nghiệp. Trong đó, văn bản luật sửa đổi trọng tâm sẽ chính là Luật Đất đai. Đại biểu Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật Đất đai sẽ có sức ảnh hưởng lan tỏa mạnh mẽ đối với hệ thống pháp luật khác về kinh tế, sẽ thực sự khai phá những nguồn lực phát triển đất nước, thực sự tạo ra một môi trường thông thoáng, thủ tục hành chính đơn giản, đảm bảo sự an toàn cho người dân và doanh nghiệp khi tiến hành các hoạt động xuất kinh doanh.
Đặt nhiều kỳ vọng và niềm tin vào Kỳ họp này, đại biểu Nguyễn Thanh Hải- Bí thư tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên cho rằng, hiện nay, việc áp dụng các quy định của Luật Đất đai cũng như các văn bản hướng dẫn cũng có nhiều nội dung chưa thống nhất, đồng bộ, có thể ảnh hưởng tới lợi ích chính đáng và quyền lợi hợp pháp của người dân, đồng thời liên quan đến sự hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và nhà nước. Đây cũng là vấn đề cử tri đặc biệt quan tâm. Đại biểu kỳ vọng, tại Kỳ họp này, việc xem xét, cho ý kiến về Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ góp phần tháo gỡ nhiều vướng mắc, đảm bảo hoàn thiện luật theo tiêu chí ngày càng sát hơn với thực tiễn.
Quan tâm đến lĩnh vực khoa học và công nghệ, trong đó có việc các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học ra thị trường của các đơn vị nghiên cứu, viện, trường, đơn vị sự nghiệp công lập, đại biểu Nguyễn Thanh Phương- Đoàn ĐBQH Tp.Cần Thơ cho rằng, cần xây dựng, phát triển cơ chế chính sách khuyến khích tư nhân đầu tư nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ. Đại biểu nhấn mạnh đây là nội dung quan trọng, làm động lực phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, vì không nước nào phát triển mạnh mà không lấy khoa học công nghệ làm nền tảng.
Nhìn nhận tình hình kinh tế- xã hội của Việt Nam thời gian qua, đại biểu Đặng Bích Ngọc, Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình cho rằng, Chính phủ đã tương đối chủ động, linh hoạt, đã ban hành các cái cơ chế chính sách cũng như hỗ trợ, tạo điều kiện để cho các cái doanh nghiệp phát triển. Hệ thống chính trị cũng thể hiện rõ sự vào cuộc rất tích cực, trách nhiệm, khẩn trương. Vì vậy, kết quả phát triển kinh tế- xã hội đã có những bước tiến đột phá, tạo niềm tin lớn trong cử tri và nhân dân.
Đaịi biểu bày tỏ mong muốn, với quyết tâm đổi mới, linh hoạt của Quốc hội tại nhiệm kỳ này, những nội dung chương trình đưa ra vào Kỳ họp cuối năm sẽ hoàn thành được những nhiệm vụ và những vấn đề mà cử tri quan tâm sẽ được đưa ra bàn thảo, quyết sách, sẽ có nhiều chủ trương đúng đắn, phù hợp với lòng dân.
Vui mừng nhận thấy tình hình phát triển kinh tế- xã hội trong những tháng qua có những bước tiến khả quan, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Minh Nam lưu ý, không nên quá tích cực, quá lạc quan, mà cần có những giải pháp quản trị rủi ro, vì với tình hình kinh tế thế giới, tác động của kinh tế toàn cầu, sẽ luôn có những biến cố bất ngờ, khó lường, vì vậy, cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để nhanh chóng thích ứng với mọi hoàn cảnh.
Nhận định về các nội dung kỳ họp, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho biết, các nội dung được lựa chọn tại Kỳ họp này đều là những nội dung rất được cử tri và nhân dân cả nước quan tâm, đặc biệt là chuyên đề giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về tiết kiệm, chống lãng phí sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp này. Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn nêu rõ, về vấn đề này, các đại biểu Quốc hội sẽ phân tích, đánh giá báo cáo giám sát và có yêu cầu cụ thể với Chính phủ, để trong thời gian tới có những giải pháp phù hợp khắc phục tình trạng lãng phí, nâng cao chất lượng, hiệu lực hiệu quả giám sát tối cao của Quốc hội.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân, Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh cho biết, thời gian tới, chúng ta có thuận lợi, nhưngg cũng còn nhiều khó khăn, thách thức, vì vậy, cần tiếp tục phấn đấu, nỗ lực nhiều hơn nữa để thực hiện mục tiêu kinh tế xã hội mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã thông qua. Trong việc thực hiện kế hoạch 5 năm 2021-2025, chúng ta đã bị ảnh hưởng rất nặng nề trong năm 2021 do đại dịch Covid-19, vì vậy, ta cần nố lực ở mức cao trong 4 năm còn lại để hoàn thành được kế hoạch kinh tế xã hội đó.
Tham gia ý kiến về vấn đề này, GS.TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, việc sửa đổi Luật Đất đai cần được coi như một yếu tố quan trọng, có tác động lớn đến việc đưa Việt Nam từ nước có thu nhập trung bình thấp hiện nay thành nước có thu nhập cao vào năm 2045.
Theo GS.TS Đặng Hùng Võ, như Nghị quyết 18-NQ/TW đã đặt ra, cần phải tăng cường việc đưa quyền sử dụng đất vào cơ chế thị trường. Tính thị trường phải chi phối toàn bộ quá trình chuyển dịch đất đai. Đến mức phát triển nhất định, cơ chế Nhà nước thu hồi đất có thể không mang lại hiệu quả cho quá trình chuyển dịch đất đai, nhất là không bảo đảm tính bền vững về xã hội.
GS.TS Đặng Hùng Võ hy vọng, trong lần cho ý kiến đầu tiên này, các đại biểu Quốc hội sẽ cho ý kiến về một số vấn như quản lý sử dụng đất đa mục đích; hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai dạng địa chính 3D, 4D; chuyển đổi số trong quản lý đất đai; hoàn thiện cơ chế bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=69897