Mong chờ... quốc tịch Việt Nam!

Người chưa xác định được quốc tịch sinh sống rải rác ở các xã vùng sâu, vùng xa địa bàn Bình Thuận đang mong chờ có được quốc tịch Việt Nam.

Mong có quốc tịch

Nhiều người chưa xác định được quốc tịch ở xã Tân Đức, huyện Hàm Tân, Bình Thuận luôn vui mỗi lần có đoàn công tác của xã gồm công an, tư pháp, trưởng thôn… đến nhà gặp gỡ lấy thông tin liên quan đến vấn đề quốc tịch. Theo UBND xã Tân Đức, việc đến nhà họ lấy thông tin cá nhân là thực hiện theo tinh thần các văn bản của huyện Hàm Tân về tiếp tục rà soát người không có giấy tờ chứng minh về nhân thân, người không quốc tịch, người di cư đang sống tại địa phương. Trên địa bàn xã hiện có gần 10 người không có bất cứ loại giấy tờ nào để chứng minh mình có quốc tịch Việt Nam, ngoài việc khai báo mình là gốc Việt Nam từng sinh sống ở Campuchia.

Bà Huỳnh Thị Xuân đang mong mình có quốc tịch Việt Nam.

Bà Huỳnh Thị Xuân đang mong mình có quốc tịch Việt Nam.

10 người đó là ông Lê Văn Nghi, SN 1966 ở thôn 2, còn lại ở thôn Suối Giêng gồm bà Nguyễn Thị Lẹ (SN 1957), ông Nguyễn Văn Cường (SN 1982), Nguyễn Văn Tuấn (SN 1985), Nguyễn Văn Cu (SN 1994), Nguyễn Văn Cảnh (SN 1988), bà Huỳnh Thị Xuân (SN 1992). Một số trong số đó là các con của bà Lẹ từng sống bằng nghề đánh bắt cá trên ghe ở một khu vực sông Mê Kông thuộc Campuchia. Cách đây hơn 10 năm, họ chuyển về sinh sống ở Suối Giêng.

Bà Lẹ chia sẻ: “Các con bà đã lấy vợ, lấy chồng nhưng đứa nào cũng sống không hôn thú vì không quốc tịch. Đi làm ăn xa, thuê nhà trọ không ai cho thuê; vay ngân hàng mua xe máy, phát triển kinh tế gia đình cũng không được vay”. Còn với bà Xuân kể, mình sinh ra và lớn lên trong một gia đình gốc Việt ở Campuchia. Năm 2010, bà theo tiếng gọi tình yêu về sống với chồng ở xã Thường Thới Hậu A, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, nơi giáp ranh Campuchia. Rồi không lâu sau cả gia đình chồng chuyển đến thôn Suối Giêng. Kể từ đó đến nay, Xuân là người “3 không” - không quốc tịch, không hộ khẩu, không CCCD. “Lúc em còn ở Campuchia, gia đình em cũng như bà con dòng họ không ai có giấy tờ tùy thân, quốc tịch Campuchia. Sau này, mọi người được Campuchia cấp quốc tịch còn em thì không vì em đã theo chồng về Việt Nam”, bà Xuân nói.

Trên thực tế, chuyện quốc tịch của bà Xuân, bà Lẹ cũng như 8 người còn lại đang sống ở Tân Đức không phải là duy nhất mà còn nhiều người khác trên địa bàn tỉnh. Sở Tư pháp tỉnh thông tin, trên địa bàn tỉnh có nhiều trường hợp người Campuchia gốc Việt di cư, lập gia đình sinh sống rải rác ở các xã vùng sâu, vùng xa. Các đối tượng này không còn giữ bất kỳ giấy tờ tùy thân nào liên quan đến bản thân, trình độ thấp, không biết chữ chủ yếu sống bằng nghề nông. Sở đã có văn bản đề nghị các địa phương rà soát, thống kê gửi về cho sở để có hướng giải quyết.

Vui mừng

Lần lấy thông tin mới đây giữa bối cảnh Bộ Tư pháp trình Quốc hội sửa đổi Luật Quốc tịch theo hướng “nới lỏng” điều kiện nhập tịch. Họ vui hơn bao giờ hết, với kỳ vọng mình sẽ có quốc tịch Việt Nam. “Chúng tôi luôn mong chờ Nhà nước xem xét nhập tịch để ổn định cuộc sống. Vì chúng tôi thực sự mang dòng máu Việt, nói tiếng Việt. Trước đó, ông bà chúng tôi phiêu bạt qua đất Campuchia sống sinh ra chúng tôi”, bà Xuân nói trong niềm vui.

Dự thảo sửa đổi Luật Quốc tịch mà Bộ Tư pháp đang dự định trình có nhiều sửa đổi. Trong đó, có 3 nội dung chính: Thứ nhất, mở rộng đối tượng được phép trở lại quốc tịch Việt Nam, đặc biệt là những trường hợp đã từng mất quốc tịch, bao gồm cả người lớn và trẻ em. Thứ hai, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến việc trở lại quốc tịch nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân. Thứ ba, rà soát và đánh giá các quy định pháp luật liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người trở lại quốc tịch Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh cá nhân đó vẫn được giữ quốc tịch nước ngoài.

Một trong những nội dung này, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Ngọc đã nhấn mạnh trong buổi làm việc với Cục Hành chính tư pháp về Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam, trong bối cảnh đất nước ngày càng hội nhập sâu rộng, nhu cầu của kiều bào được trở về gắn bó với quê hương ngày càng lớn. Nhiều trường hợp dù mang dòng máu Việt nhưng do không có quốc tịch, họ không thể thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ đối với đất nước. Những người chưa xác định được quốc tịch đã sống và làm việc ở Bình Thuận, từ lâu muốn thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình cho đất nước. Họ đã và đang mong ngành chức năng quan tâm với hy vọng những sửa đổi Luật Quốc tịch lần này sẽ mở đường cho không chỉ họ mà còn cho người Việt xa xứ trở về cội nguồn có quốc tịch trở thành công dân Việt Nam.

Bộ Tư pháp vừa công bố hồ sơ dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam. Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung nội dung của 17/44 điều. Trong đó có nội dung sửa đổi, bổ sung quy định về trở lại quốc tịch Việt Nam.

NINH CHINH

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/mong-cho-quoc-tich-viet-nam-130160.html