Móng chọc thịt xử trí thế nào?

Móng chọc thịt hay còn gọi là sưng khóe chân, khóe chân chảy mủ, móng quặm… Đây là bệnh lý khá phổ biến của móng, đặc trưng với tình trạng khi góc hoặc cạnh của móng chân mọc đâm vào phần thịt mềm gây sưng, đỏ, đau và đôi khi nhiễm khuẩn.

Lý do khiến móng chọc thịt

Móng chọc thịt thường xảy ra ở ngón chân đặc biệt hay xảy ra ở ngón chân cái và hiếm khi ở ngón tay.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến móng chọc thịt trong đó móng chân, móng tay cắt tỉa không hợp lý là nguyên nhân chính. Lý do là các tổ chức phần mềm sẽ thay thế và chèn ép vào chỗ của bản móng đã bị cắt, nếu móng bị cắt tỉa quá sâu vào bờ bên bản móng chân. Lúc này, bản móng phát triển thẳng ra phía ngoài xuyên qua tổ chức phần mềm gây móng chọc thịt.

Đi giày chật là nguyên nhân cũng khiến móng chọc thịt bởi mũi giày ép cuốn móng. Trường hợp đi giày chật, giày cao gót,… bản móng phát triển xuyên vào cuốn móng bên gây ra móng chọc thịt.

Trường hợp đi giày chật, giày cao gót,… dễ gây ra móng chọc thịt.

Trường hợp đi giày chật, giày cao gót,… dễ gây ra móng chọc thịt.

Ngoài ra, móng chọc thịt còn có thể do những nguyên nhân bệnh lý của móng có thể dẫn đến những thay đổi bất thường của bản móng ví dụ như: nấm móng, loạn dưỡng,… làm dày và rộng ngón có thể thúc đẩy bản móng đâm vào cuốn móng bên.

Hoặc phụ nữ có thai do phần mềm ở cuốn móng bên phát triển chùm lên bản móng. Bản móng phát triển sẽ chọc vào những tổ chức phần mềm ở cuốn móng bên.

Biểu hiện móng chọc thịt

Móng chọc thịt khiến bệnh nhân sẽ có biểu hiện đau nhức, nếu ở giai đoạn viêm nhẹ các dấu hiệu sớm là xuất hiện cơn đau, sưng nhẹ và tăng tiết mồ hôi của vùng liên quan. Bản móng đã gây chấn thương cho biểu mô của cuốn móng bên, hiện tượng này liên tiếp xảy ra gây nên phù nề ngày càng trầm trọng hơn do áp lực ở giữa bản móng và xương ngón. Có nhiều mức độ sưng nề và đỏ có thể xảy ra, nó phụ thuộc vào thời gian của tổn thương.

Khi nặng hơn sẽ có biểu hiện đau nhạy cảm, tăng tiết mồ hôi và tăng sinh tổ chức hạt ở cuốn móng bên thông qua tổ chức mới phá hủy hoặc loét, trùm lên bản móng, cuốn móng có mủ. Có mùi thối xuất hiện bởi các vi khuẩn gram dương xâm chiếm tại chỗ.

Giai đoạn viêm nặng khiến bệnh nhân thấy đau tăng hơn và có biểu hiện tăng tiết mồ hôi, xuất hiện mùi hôi, loét mủ. Tuy nhiên ở giai đoạn viêm nặng có sự khác biệt là có xuất hiện tổ chức hạt phủ lên bản móng làm cho bản móng không thể nâng lên khỏi rãnh móng.

Nếu đỏ tấy hay chảy dịch mủ dường như lan rộng ở ngón chân… cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.

Nếu đỏ tấy hay chảy dịch mủ dường như lan rộng ở ngón chân… cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.

Cần xử trí đúng khi móng chọc thịt

Có nhiều phương pháp điều trị móng chọc thịt tùy thuộc vào giai đoạn của bệnh mà có biện pháp xử trí thích hợp.

Móng chọc thịt ở giai đoạn sớm chỉ cần điều trị bảo tồn và người bệnh không nên đi giày quá chật. Hàng ngày bệnh nhân cần rửa chân bao gồm cả vùng thương tổn với xà phòng và nước sạch và ngâm chân vào nước muối ấm pha loãng 4 lần/ngày.

Sau đó, đặt bông gòn vào góc rãnh móng bên, nhẹ nhàng nâng góc móng ngoài lên và đặt cục bông gòn vào giữa bản móng và tổ chức phần mềm để góc ngoài bản móng không chọc vào tổ chức phân mềm. Có thể phần mềm ở góc bờ bên trước phần móng chọc thịt.

Đối với trường hợp móng chọc thịt tiến triển đến giai đoạn muộn cần thiết phải dùng thuốc bôi và kháng sinh theo chỉ định của thầy thuốc. Thuốc kháng sinh bôi kết hợp với thuốc tê tại chỗ để giảm đau. Có thể cần chỉ định thực hiện phẫu thuật ở giai đoạn này. Việc phẫu thuật cắt bỏ một phần bản móng cùng với gốc móng tương ứng sẽ giúp hết viêm nhiễm.

Tóm lại: Móng chọc thịt là tình trạng phổ biến ở nhiều người. Bệnh không gây nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhân, nhưng sẽ gây khó khăn cho người bệnh khi đi lại, đặc biệt là những bệnh nhân cần đi giầy mà lại không đi được vì đau do móng chọc.

Tình trạng móng chọc thịt nếu không xử trí đúng có thể lây nhiễm đến phần xương bên dưới và gây nhiễm khuẩn xương nghiêm trọng. Hơn nữa, các biến chứng có thể trở nên đặc biệt nghiêm trọng nếu bệnh nhân bị bệnh tiểu đường, vì bệnh này có thể làm máu lưu thông kém và tổn thương các dây thần kinh trong bàn chân.

Vì vậy, nếu cảm thấy rất khó chịu trong ngón chân hoặc tình trạng đỏ tấy hay chảy dịch mủ dường như lan rộng… cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.

BS. Nguyễn Văn Thành

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/mong-choc-thit-cach-chua-169240724175340051.htm