Mong có việc làm, đổi mới hình thức tập hợp thanh niên

Ngày 16/3, anh Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam sẽ đối thoại với đoàn viên thanh niên (ĐVTN), thiếu nhi trong và ngoài nước, với chủ đề 'Thanh niên Việt Nam - Vững tin tiếp bước'. Báo Tiền Phong ghi nhận một số vấn đề giới trẻ đang quan tâm muốn gửi đến buổi đối thoại.

Anh Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam trao đổi với các gương mặt thanh niên tiêu biểu tại Đại hội Tài năng trẻ Việt Nam năm 2020. Ảnh: Xuân Tùng

Anh Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam trao đổi với các gương mặt thanh niên tiêu biểu tại Đại hội Tài năng trẻ Việt Nam năm 2020. Ảnh: Xuân Tùng

Ðồng hành, hỗ trợ thanh niên dân tộc

Bản thân tôi là một cán bộ Đoàn, đồng thời là một đảng viên trẻ. Tôi cảm thấy vô cùng tự hào vì những thành quả mà Đoàn đã mang đến cho thanh niên trong suốt 90 năm qua. Trong quá trình hình thành và phát triển, Đoàn đã làm rất tốt vai trò là trường học xã hội chủ nghĩa của thanh niên.

Tôi mong muốn Đoàn sẽ tiếp tục tổ chức các phong trào hành động cách mạng cho thanh niên trong thời gian tới. Đặc biệt, có thêm nhiều chương trình mới, nhiều hoạt động hỗ trợ dành cho thanh niên, trong đó, chú trọng tới các chính sách đối với thanh niên dân tộc, thanh niên vùng kinh tế đặc biệt khó khăn. Bởi, đây là lực lượng đông đảo nhưng chưa được khai thác hiệu quả. Họ có sức trẻ, có khả năng tiếp thu cái mới. Nếu như được tạo điều kiện thì đây sẽ là lực lượng sản xuất hiện đại.

Theo tôi, Đoàn, Hội cần quan tâm đồng hành, hỗ trợ thanh niên dân tộc, vùng kinh tế khó khăn về các phương diện: mở lớp đào tạo nghề, tham quan, học tập các dự án, mô hình kinh tế hiện đại phù hợp với nhu cầu của mỗi đối tượng. Đặc biệt, quan tâm, tạo điều kiện để thanh niên dân tộc có việc làm; hỗ trợ vốn, trang thiết bị, chuyển giao công nghệ để họ phát triển kinh tế.

(ChịNguyễn ThịHồng Cúc, TỉnhĐoànVĩnh Long, 3 lầnđạt danh hiệu Sinh viên 5 tốt cấp T.Ư)

Tăng cường giáo dục lý tưởng cho giới trẻ

Công tác Đoàn và phong trào thanh niên hiện nay được triển khai rất hệ thống, bài bản, thể hiện tính xung kích, tình nguyện của ĐVTN toàn diện trên mọi lĩnh vực. Đặc biệt, có thể thấy sự chủ động, sáng tạo, thích ứng nhanh của tuổi trẻ cả nước từ thời điểm bùng phát dịch COVID-19, với nhiều nghiên cứu khoa học, công trình, phần việc thanh niên được ứng dụng, phát huy hiệu quả thiết thực.

Tại các đơn vị Quân đội nói chung, các đơn vị doanh nghiệp Quân đội như Nhà máy Z121 chúng tôi nói riêng, lực lượng ĐVTN rất nhạy bén, có điều kiện tiếp cận tri thức nhanh, mạnh dạn trong các hoạt động. Đặc biệt, ĐVTN trong Quân đội luôn được quan tâm xây dựng bản lĩnh chính trị, kiên định trên mặt trận đấu tranh về tư tưởng, văn hóa.

Tuy nhiên, qua thực tiễn công tác, được tiếp xúc nhiều với lực lượng ĐVTN cả trong và ngoài đơn vị, tôi nhận thấy, trước sự bùng nổ về công nghệ thông tin, sự ảnh hưởng của mặt trái nền kinh tế thị trường dẫn tới một bộ phận không nhỏ ĐVTN có biểu hiện phai nhạt lý tưởng, sống không có hoài bão. Bên cạnh đó, dường như trước sức ép của cuộc sống, vẫn có những người ngại cống hiến, chỉ quan tâm đến lợi ích cá nhân, tìm cách kiếm tiền hơn là dành thời gian tự học tập và tham gia các hoạt động tập thể của tuổi trẻ.

Trước thực trạng này, tôi đề xuất trong thời gian tới, T.Ư Đoàn cần có các giải pháp đồng bộ, tăng cường giáo dục về lý tưởng, hoài bão cho ĐVTN. Trong đó, cần xác định những nhóm đối tượng cụ thể để xác định nội dung và phương pháp giáo dục phù hợp, hiệu quả. Đồng thời, việc khuyến khích khởi nghiệp, lập nghiệp phải gắn với việc thu hút, tập hợp lực lượng ĐVTN đang làm việc tại các doanh nghiệp, lao động tự do... cùng tham gia vào các hoạt động của Đoàn Thanh niên để có thể phát huy đúng vai trò là trường học xã hội chủ nghĩa của thanh niên.

(ĐạiúyTrần Ngọc Minh, thưĐoànsởNhàmáyZ121, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng)

Tạo việc làm, phát huy nguồn lực địa phương

Tôi sinh ra và lớn lên ở khu vực miền núi, nơi điều kiện kinh tế và cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn và hạn chế. Bởi thế, việc làm đối với bộ phận thanh niên tại các xã khó khăn luôn là nỗi lo thường trực.

Trên cương vị là cán bộ Đoàn, trong thời gian dài, tôi nhận được rất nhiều băn khoăn, trăn trở của nhiều bạn thanh niên về việc định hướng công ăn, việc làm sau này. Hiện nhiều thanh niên trong xã đổ xô về các trung tâm thành phố, đô thị, khu công nghiệp để tìm kiếm việc làm. Thực trạng này đã khiến cho rất nhiều chi đoàn trong toàn xã còn rất ít đoàn viên, thậm chí có chi đoàn chỉ còn vỏn vẹn 3 người.

Mặc dù được các sở ngành trong tỉnh quan tâm phát triển kinh tế và giới thiệu việc làm tại địa phương, tuy nhiên, các giải pháp chỉ dừng lại ở phong trào, chưa đi sâu vào thực tế và phù hợp với hoàn cảnh của đại đa số thanh niên nông thôn nơi tôi công tác.

Trước những trăn trở và khó khăn đó, tôi mong rằng T.Ư Đoàn sẽ đẩy mạnh hơn nữa các chương trình hành động, các quỹ khởi nghiệp và cùng đơn vị Đoàn, Hội ở địa phương nghiên cứu, tìm tòi thêm thật nhiều ngành nghề mới để phát huy nguồn lực.

(Anh Nguyễn Công Trọng, PhóthưĐoànPhúTiến, Định Hóa, tỉnh TháiNguyên)

Ðổi mới hình thức tập hợp thanh niên

Thời gian qua chúng ta phải gồng mình ứng phó với đại dịch COVID - 19 và thảm họa bão, lũ ở miền Trung. Dưới sự kêu gọi của T.Ư Đoàn, hàng nghìn thanh niên là các y bác sĩ trẻ, chiến sĩ trẻ, nhà khoa học trẻ, sinh viên, thanh niên tình nguyện… xung phong lên đường vào tâm dịch, tâm lũ. Một lần nữa tinh thần “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”, sẵn sàng vì đồng bào ruột thịt của lớp người trẻ đã được chứng minh.

Tuy nhiên, tình hình dịch COVID - 19 diễn biến phức tạp đã trở thành thách thức không nhỏ đối với công tác Đoàn, công tác Hội và phong trào thanh niên. Nhiều kế hoạch tình nguyện của các đội, nhóm tình nguyện buộc phải hủy hoặc tạm hoãn. Tôi cho rằng đây là sự lãng phí nguồn lực rất đáng tiếc, chúng ta cần có một giải pháp sáng tạo để khắc phục việc này.

Tôi đề xuất Đoàn Thanh niên tạo kênh thông tin liên lạc, liên kết T.Ư đoàn với các tổ chức Đoàn địa phương và các đội, nhóm tình nguyện. Ở đó, chúng ta có thể cập nhận thông tin xuyên suốt, kịp thời về tình hình dịch bệnh cụ thể, nhu cầu hỗ trợ ở từng địa phương cũng như nhận được giải pháp, hướng dẫn của T.Ư Đoàn. Xây dựng chương trình tình nguyện mới, phù hợp với tình hình dịch bệnh và từng đối tượng như: Chương tình hỗ trợ dạy học từ xa đối với sinh viên, giảng viên; chương tình tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp trực tuyến…

Gần đây xuất hiện một số tổ chức xã hội không trực thuộc mạng lưới tổ chức Đoàn đã kêu gọi được một lượng lớn thanh niên tham gia. Tôi cho rằng, đây là một thách thực không nhỏ đối với Đoàn ta. Vì thế Đoàn cần đổi mới hình thức tập hợp thanh niên, phù hợp với tinh thần trẻ trung, năng động của giới trẻ. Ví dụ như trẻ hóa cách thức truyền tải thông tin bằng việc áp dụng các trào lưu mạng xã hội mới giới trẻ đang quan tâm.

(Trịnh XuânThủy, Phó Chủtịch Hội Thanh niênvậnđộng hiến máuNội)

Hãy nắm bắt vấn đề sát sườn của giới trẻ

Đáp lại sự quan tâm, kỳ vọng của Đảng và Nhà nước ta, ĐVTN đã có nhận thức sâu sắc về vai trò, trách nhiệm của mình trong việc không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn bản thân.

Tuy nhiên, tôi nhận thấy hiện một bộ phận giới trẻ chưa thực sự quan tâm đến hoạt động của Đoàn. Ngay cả ở đơn vị nơi tôi đang công tác, khi tổ chức hoạt động, phần lớn là cán bộ Đoàn tích cực tham gia, còn lại những bạn khác còn e ngại và không muốn tham gia.

Bên cạnh đó, nhìn về chất lượng tổ chức Đoàn trên địa bàn cũng còn nhiều hạn chế. Do vậy, nếu tổ chức Đoàn không nhanh chóng nắm bắt những thay đổi trong nhận thức và đời sống của thanh niên, sẽ rất khó có hướng đi tiếp cận phù hợp. Theo tôi, giới trẻ đang quan tâm nhiều hơn đến vấn đề vui chơi, giải trí… Trong khi các hoạt động do Đoàn tổ chức chưa thực sự đa dạng, chưa phù hợp với các bạn trẻ, nên sức thu hút không cao.

(Anh Nguyễn Hữu Minh, khoa Ngoại ngữ, ĐH Công nghiệp HàNội)

Nhóm phóng viên (ghi)

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/gioi-tre/mong-co-viec-lam-doi-moi-hinh-thuc-tap-hop-thanh-nien-1806625.tpo