Mong dạy thêm là ngành kinh doanh có điều kiện sẽ dẹp được GV dạy 'chui' ở nhà

Các cơ sở dạy thêm 'chính thống' kỳ vọng nếu đề xuất của Bộ Giáo dục được chấp thuận sẽ tạo ra sự công bằng giữa các trung tâm.

Trước ý kiến đề xuất của cử tri một số địa phương liên quan vấn đề dạy thêm, học thêm, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết sẽ tiếp tục tham mưu Chính phủ đề xuất Quốc hội đưa hoạt động dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, đồng thời nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm (sửa Thông tư số 17).

Về việc này, người đứng đầu của một số trung tâm dạy thêm đã có những chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam. Qua đó, đại diện các trung tâm dạy thêm nói trên kỳ vọng nếu đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo được thông qua sẽ góp phần tạo ra sự cạnh tranh công bằng giữa các trung tâm với nhau.

Đại diện các trung tâm dạy thêm có giấy phép cho biết, họ cũng đang phải vật lộn với chính các cơ sở dạy thêm "chui" để dành "giành" học viên vì vấn nạn "ép" học thêm.

Chia sẻ về điều này, anh B.V.H - chủ trung tâm dạy thêm H.H tại thị trấn Xuân Trường (huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định) cho rằng, lâu nay các trung tâm muốn tổ chức dạy thêm phải có đầy đủ giấy phép và chịu sự giám sát của cơ quan quản lý tại địa phương. Tuy nhiên, các cơ sở như vậy lại đang "điêu đứng" trước việc giáo viên tự mở lớp để dạy thêm "chui" và "ép" các học sinh của mình học tại các lớp học thêm do các giáo viên đó mở ra.

Theo anh H. trong việc này, một phần vì học sinh sợ hãi, phụ huynh lại không muốn phiền toái nên chấp nhận để các con học thêm tại các lớp dạy thêm "chui", dù không thể kiểm chứng được về chất lượng thực sự tại các cơ sở đó.

Trong khi đó, các cơ sở dạy thêm có đầy đủ pháp lý lại phải quay cuồng tìm kiếm người học để vận hành lớp dạy thêm dưới áp lực của rất nhiều chi phí như: phí thuê mặt bằng và tiền công trả cho giáo viên.

Anh H. nhấn mạnh thêm: "Theo quy định tại Thông tư 17, đối với cơ sở tổ chức việc dạy thêm, học thêm trước hết cần phải có đầy đủ hồ sơ pháp lý tối thiểu để cơ quan chức năng kiểm tra, thẩm định trước khi đưa vào hoạt động.

Trong đó yêu cầu, địa điểm mặt bằng để mở trung tâm dạy thêm đó phải là nhà hoặc đất có chủ sở hữu hợp pháp. Có hợp đồng thuê nhà, đất có công chứng, thời hạn thuê tối thiểu 2 năm.

Ngoài ra, địa điểm tổ chức dạy thêm, học thêm phải đảm bảo an toàn cho người dạy và người học; ở xa những nơi phát sinh các hơi khí độc hại, khói, bụi, tiếng ồn; ở xa các trục đường giao thông lớn, sông, suối, thác, ghềnh hiểm trở.

Về điều kiện phục vụ giảng dạy, tại khu phòng học, phòng bộ môn theo quy định phải đảm bảo diện tích sử dụng một phòng học đạt 1,5m2/học viên với quy mô 200 học viên/ca học. Các phòng học yêu cầu có diện tích không nhỏ hơn 15m2; độ ánh sáng lớn hơn 300 Lux. Có khu vệ sinh cho giáo viên và học viên, đảm bảo tối thiểu 60 học viên/ 1 buồng vệ sinh.

Đối với khu hành chính, văn phòng cần phải đảm bảo đủ phòng và điều kiện làm việc cho cán bộ, nhân viên của trung tâm. Các khu vực tổ chức các lớp dạy thêm cũng cần phải có sân bãi để xe và phương án giữ xe. Môi trường sư phạm an ninh, an toàn. Trên thực tế thì các điều kiện này thì có thể linh hoạt đối với các cơ sở có quy mô nhỏ hoặc chủ cơ sở mở lớp dạy thêm trên mặt bằng của chính nhà mình.

Ngoài ra, tại các cơ sở cũng cần trang bị các phương án chữa cháy, cứu hộ. Trong đó yêu cầu các cơ sở phải có trang thiết bị phòng cháy chữa cháy theo quy định; Có Biên bản kiểm tra phòng cháy chữa cháy; Xây dựng Phương án phòng cháy chữa cháy và thoát nạn, cứu người; Có Nội quy phòng cháy chữa cháy và danh sách Đội phòng cháy chữa cháy".

Tuy nhiên, theo anh H. các điều kiện như trên tại các cơ sở dạy thêm có phép luôn được đảm bảo và tuân thủ, nhưng ngược lại với các lớp dạy thêm "chui" lại không như vậy.

Người này cho rằng, trong khi cơ sở dạy thêm có giấy phép phải bỏ ra khá nhiều kinh phí để hoàn thiện lớp học theo quy định thì đa phần các lớp dạy thêm "chui" được hình thành từ việc giáo viên tự mở lớp và các hoạt động dạy thêm chủ yếu được diễn ra ngay chính tại nhà của các giáo viên đó.

Vì thế, đối với các lớp dạy thêm không có giấy phép đa phần không đáp ứng các điều kiện quy định nên khi xảy ra các tình huống xấu, việc an toàn cho học viên cũng không thể đảm bảo.

Qua đó, theo đại diện cơ sở nói trên, nếu đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo đi vào thực tiễn, khi dạy thêm trở thành một ngành nghề kinh doanh thì chắc chắn nó sẽ phải chịu sự giám sát của nhiều cơ quan khác nhau. Khi đó, việc quản lý, giám sát đối với các cơ sở dạy thêm cũng sẽ tốt hơn, hạn chế được tình trạng dạy thêm "chui" như hiện nay.

"Khi có sự giám sát từ nhiều phía thì các cơ sở dạy thêm "chui" cũng sẽ dễ bị phanh phui hơn. Trước đây, khi các cơ quan quản lý trong cùng một ngành đi kiểm tra lẫn nhau, tình trạng cả nể, xuề xòa đã "làm ngơ" cho nhiều cơ sở dạy thêm "chui" tồn tại và tạo ra nhiều hệ lụy.

Đối với hoạt động dạy thêm thì việc này đang tạo ra sự thiếu công bằng giữa các cơ sở dạy thêm với nhau khi cùng phục vụ một mục đích. Vì thế, khi dạy thêm là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện với mức giá và tiêu chuẩn được công khai thì người học cũng sẽ thoải mái trong việc lựa chọn cơ sở dạy thêm có chất lượng", chủ cơ sở dạy thêm tại Xuân Trường cho hay.

Liên quan đến việc này, anh H.M.T, chủ Trung tâm dạy thêm học thêm T.B (phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, theo quy định hiện nay để một trung tâm dạy thêm có giấy phép đi vào hoạt động, ngoài điều kiện về cơ sở vật chất thì các các cơ sở tổ chức hoạt động dạy thêm cũng cần hoàn thiện các hồ sơ cấp phép tổ chức hoạt động dạy thêm.

Trong đó, với người dạy thêm cần đạt trình độ chuẩn được đào tạo đối với từng cấp học theo quy định của Luật Giáo dục.

Ngoài ra, để mở trung tâm dạy thêm, cơ sở đó cần có đơn xin cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm và có cam kết với Ủy ban nhân dân cấp xã/ phường. Chủ cơ sở cũng phải có danh sách trích ngang của người tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm và người đăng ký dạy thêm, đơn xin dạy thêm có dán ảnh của người đăng ký dạy thêm.

Đồng thời, chủ cơ sở cần cung cấp bản sao hợp lệ giấy tờ xác định trình độ đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm của người tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm và người đăng ký dạy thêm. Bản kế hoạch tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm trong đó nêu rõ các nội dung về: Đối tượng học thêm, nội dung dạy thêm, địa điểm, cơ sở vật chất tổ chức dạy thêm, mức thu tiền học thêm, phương án tổ chức dạy thêm, học thêm".

Một lớp học thêm tại Trung tâm dạy thêm học thêm T.B. Ảnh: Trung Dũng

Một lớp học thêm tại Trung tâm dạy thêm học thêm T.B. Ảnh: Trung Dũng

Theo anh T. các giấy phép nói trên các cơ sở có thể tự hoàn thiện hoặc tìm cách để hợp thức hóa hồ sơ mở trung tâm dạy thêm. Vì thế, đối với các cơ sở dạy thêm không nên đặt nặng vấn đề về giấy phép mà các cơ quan quản lý cần thực địa điều kiện an toàn của cơ sở đó và cần tìm ra phương án xác định được học viên học tại các trung tâm đó có dựa trên tinh thần tự nguyện hay không.

Anh T. cho rằng: "Nếu đưa dạy thêm học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì các cơ quan quản lý nên có quy định cụ thể về việc nghiêm cấm giáo viên đang dạy thêm tại trung tâm, hoặc giáo viên làm chủ trung tâm dạy thêm tiếp nhận học viên là học sinh của giáo viên đó đang giảng dạy ở trường.

Có như vậy mới mong hạn chế được vấn nạn "ép" học thêm hoặc giáo viên dạy cầm chừng ở trên lớp để buộc học sinh phải học thêm tại các cơ sở do các giáo viên đó mở ra.

Điều này một mặt sẽ đảm bảo sự cạnh tranh công bằng giữa các trung tâm dạy thêm nếu đề xuất đi vào thực tiễn. Mặt khác sẽ đảm bảo được quyền lợi, quyền lựa chọn các trung tâm dạy thêm có uy tín, có chất lượng của các học viên".

Trung Dũng

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/mong-day-them-la-nganh-kinh-doanh-co-dieu-kien-se-dep-duoc-gv-day-chui-o-nha-post235963.gd